(Thethaovanhoa.vn) - Trong buổi hòa nhạc hôm nay 9/5 tại Nhà hát TP.HCM, khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời với một nhạc cụ đặc biệt của danh cầm Stéphane Trần Ngọc trở về từ Mỹ.
Nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc sẽ chơi với cây violin đã được sản xuất từ năm 1709, một siêu phẩm được chế tác bởi nhà làm đàn danh tiếng Francesco Gobetti (1675-1723). Bản nhạc được lựa chọn cũng vô cùng đặc biệt, đó là Concertofor violinNo.1 in A Minor của nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich.
Bị mê hoặc bởi những cây đàn cổ
Thưởng thức tiếng đàn hơn 300 năm tuổi qua phần trình diễn tuyệt mỹ của một danh cầm gốc Việt, với những thách thức về kỹ thuật trong âm nhạc của Shostakovich, là cơ hội để khán thính giả có thể thưởng thức trình độ bậc thầy của tay đàn Stéphane Trần Ngọc.
Người ta nói Stéphane Trần Ngọc có một bộ sưu tập những cây đàn cổ, với giá trị rất cao. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có rất ít những nghệ sĩ có thể sở hữu đàn cổ và cũng chỉ có giới chuyên môn mới tìm được đúng cách mua đàn cổ cũng như biết giá của chúng.
Nghệ sĩ kể trước đây, kích cỡ của loại đàn này khá lớn. Ở thế kỷ 16, cây đàn viola và violin nhỏ hơn xuất hiện với những điều chỉnh về quãng tám vào thế kỷ 17. Huyền thoại Paganini là một trong những người cuối cùng đã chơi những cây đàn cổ này và giới âm nhạc coi ông như “phù thủy” âm thanh, còn công chúng thì luôn sững sờ bởi vẻ đẹp, sự ấm áp và sức mạnh của âm nhạc vang lên từ những cây đàn cổ.
Stradivarius coi những nhạc cụ được chế tác trong thế kỷ 16 và 17 là tinh hoa của âm nhạc. Stephane Trần Ngọc cũng bị mê hoặc bởi nhạc cụ cổ và là một trong số ít nghệ sĩ lựa chọn sở hữu đàn cổ, chỉ chơi với nhạc cụ của mình sở hữu và ông thường xuyên chuyển đổi giữa violin và baritone.
Vẻ đẹp âm nhạc là trên hết
Nói về “bộ sưu tập” của mình, Stephane Trần Ngọc bảo: “Thực ra thì tôi không có thú vui hay thú chơi sưu tập đàn cổ như mọi người nói. Tất cả các cây đàn đều được tôi mua để biểu diễn chứ không nhằm mục đích sưu tập. Tôi đã may mắn được kết bạn với một số chuyên gia về violin ngay từ khi tôi còn là một thiếu niên và đã nhận thức được sự khác biệt rất lớn về chất lượng giữa những cây đàn violin mới và cũ. Vậy là tôi bắt đầu mua chúng, nhưng đương nhiên lúc đầu tôi chỉ có thể mua những cây đàn khá rẻ, rồi dần dần phải qua rất nhiều năm tôi mới có thể tìm kiếm đủ tài chính để mua được những cây đàn tốt nhất và theo đúng ý mình”.
Stephane Trần Ngọc bảo rằng ông thích chơi với các nhạc cụ cổ là bởi vì chất lượng âm thanh rất tốt, tạo ra đúng những âm thanh mà người nghệ sĩ mong muốn.
Bản Concerto cho violin của Shostakovich là một sáng tác đặc biệt. Stephane Trần Ngọc cho biết: “Shostakovich là một nhà soạn nhạc có phong cách rất mạnh mẽ và âm nhạc của ông luôn sâu sắc và có ý nghĩa. Không thể chơi hoặc nghe âm nhạc của Shostakovich mà không bị ảnh hưởng. Trong âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài này có cả niềm vui vô bờ và những tấn bi kịch thảm khốc, kéo dài đến mức ám ảnh, pha trộn giữa cả ánh sáng và bóng tối, cả tuyệt vọng và hy vọng”.
“Tính cách nghệ thuật của tôi là cố gắng hiểu âm nhạc mà nhà soạn nhạc đã viết và trở thành một “thông dịch viên” diễn đạt nó cho khán thính giả có thể hiểu và cảm nhận tốt nhất... Khi hòa nhịp với cá tính nghệ thuật của nhà soạn nhạc, thì tính cách cá nhân của tôi trở nên không quan trọng vì tôi sẽ chỉ cố gắng cao nhất để hòa mình vào tinh thần của âm nhạc”.
Còn nhớ đêm diễn bùng nổ đầy cảm xúc hồi tháng 7/2017 khi Stephane Trần Ngọc biểu diễn đủ bộ 4 bản concerto Bốn mùa nổi tiếng của nhạc sĩ thiên tài Vivaldi trên sân khấu Nhà hát TP.HCM cùng với dàn nhạc HBSO. Đêm đó, thấy cảm xúc của khán giả quá tuyệt vời, ông đã hào phóng tặng thêm hai trích đoạn khác trong bản nhạc của của nhạc sĩ thiên tài Bach và “phù thủy” vĩ cầm Paganini làm khán giả nghẹn ngào trong tiếng vỗ tay không dứt.
Khán giả yêu nhạc chờ đợi đêm diễn 9/5 bởi tiếng đàn mạnh mẽ nhưng vô cùng thanh thoát, tinh tế, của Stephane Trần Ngọc hễ vang lên là sẽ luôn khiến khán phòng bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt.
Đại diện nổi bật cho âm nhạc Việt Nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc sinh tại Paris, đã từng chu du biểu diễn ở hơn 30 quốc gia và sở hữu nhiều bản thu âm được phát hành trên thế giới. Stephane Trần Ngọc là một trong những niềm tự hào đại diện của âm nhạc Việt, đoạt giải ở các cuộc thi mang tên Lipizer, Paganini, tại Liên hoan Âm nhạc Aspen, giải Grand Prix tại cuộc thi quốc tế Long-Thibaud năm 1990… Stéphane Trần Ngọc tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Paris khi mới 15 tuổi, sau đó đến Mỹ theo Học bổng Fulbright, theo học Nhạc viện trực thuộc Đại học Brooklyn, tốt nghiệp cao học và sau đó theo học Tiến sĩ Âm nhạc tại trường Juilliard. Nghệ sĩ Stephane Trần Ngọc hiện nay còn là một nhà sư phạm danh tiếng của nhiều giảng đường âm nhạc lớn trên thế giới. |
Hòa Bình
Tags