(Thethaovanhoa.vn) - Với thể nghiệm phác thảo lịch sử âm nhạc Việt Nam bằng thanh âm của nhạc khí và thanh điệu, đêm nhạc cổ truyền đương đại "Xưa trước - Nay sau" diễn ra tối 1/12 tại sân khấu L'espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã "tái tạo" sinh động không gian văn hóa đa dạng của người Việt với sự tiếp biến của thời gian và âm nhạc.
Với nhiều khán giả đã "theo chân" các nghệ sĩ như NSND Thu Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSND Minh Gái, Thúy Ngần trong nhóm Đông Kinh cổ nhạc cũng như nhóm Hanoi New Music Ensemble... trên nhiều sân khấu, đêm nhạc Xưa trước - Nay sau tiếp tục trở thành cuộc gặp gỡ "đến hẹn lại lên" giữa người nghe và người diễn.
"Kim ô, Ngọc thô ruổi theo nhau /Thiên địa vô cùng trước lại sau" - chương trình mở màn với hai câu thơ cổ với sự diễn giải: âm nhạc và lịch sử của âm nhạc cũng giống như những hình tròn, không biết đâu là sự bắt đầu và đâu là điểm kết thúc. Mọi chuyện nhạc đều có sự trọn vẹn trong khoảnh khắc của riêng nó.
Và khoảnh khắc ấy, chính là không gian của Xưa trước - Nay sau.
Nhạc mục chương trình được các nghệ sĩ chắt lọc một cách tinh tế, những gì tinh túy nhất không chỉ ở phương diện âm nhạc cổ mà còn bao hàm cả bản sắc văn hóa, tâm linh, tư tưởng, tình cảm của người Việt xưa.
Từ đọc và ngâm thơ thời Lý, thơ thiền thời Trần, nhạc Phật giáo Bắc Bộ cho đến chèo cổ trong Quan Âm Thị Kính hay Màn trò phù thủy, tuồng cổ Nguyệt Hạo, chầu văn.
- Thưởng thức nhạc cổ truyền kiểu cũ và mới
- 'Cháy vé' nghe nhạc cổ truyền
- Nhạc cổ truyền và truyền hình thực tế: Ai dựa ai?
Thơ thiền thời Lý - Trần vốn được coi như một kho báu tri thức văn hóa Việt, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh - vũ trụ quan độc đáo. Đây cũng là thời kì phản ánh tinh thần tinh hoa giữa âm nhạc và văn học. Vì vậy, để trình diễn thơ thiền thời Trần, NSND Thu Hoài cho biết phải mất đến mấy năm để nghiền ngẫm. Khi diễn, phải ngâm thơ từ chữ Hán - Nôm, sau đó mới chuyển sang lời dịch để làm sao vẫn giữ được hồn cốt dân tộc.
Trong khi đó, tích Thị Màu lên chùa không mới về nội dung nhưng vẫn được các nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc thể hiện trong Xưa trước - Nay sau một cách hấp dẫn. Bên cạnh đó, họ còn tạo được không khí đối đáp sinh động khiến khán giả thích thú với Màn trò Phù thủy.
Cùng với các phần trình diễn khác như vở chèo cổ (Thi nhịp - hát giáo đầu của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính) đem đến âm thanh tiêu biểu của lễ hội làng, chương trình còn thực sự "phục dựng" được không gian văn hóa mang tính lòng bản trong đời sống người Việt xưa, thông qua âm nhạc.
Nghe NSƯT Phạm Trà My với tác phẩm Khói Sóng
Bên cạnh 2/3 lượng tác phẩm tôn vinh những giá trị của âm nhạc cổ của người Việt, đặc biệt là đề cao tính diễn xướng của tập thể, chứa đựng tình cảm cộng đồng, chương trình còn đưa đến sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ là hai tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: Khói Trương Chi và Khói Sóng.
Khói Trương Chi và Khói Sóng là hai trong số 6 tác phẩm "khói" của nhạc sĩ, gồm Khói Trương Chi (đàn bầu), Khói sóng (đàn tranh), Khói nguyệt (đàn nguyệt), Khói hát (đàn nhị), Khói khói (sáo - tiêu) và Khói (đàn tỳ bà).
Nếu đã từng có dịp thưởng thức các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo trước đây, sẽ thấy, phong cách mà hai nghệ sĩ Trà My thể hiện trên sân khấu, đã thể hiện được bút pháp sáng tác của nhạc sĩ và phần nào toát lên phong thái của chính tác giả.
Khán giả đã có dịp được biết đến cây đàn bầu và đàn tranh trong một diện mạo mới mẻ hơn so với truyền thống qua lối trình diễn của các nghệ sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã khai thác âm sắc của các nhạc cụ truyền thống Việt Nam không chỉ ở những quãng đẹp, dễ nghe mà còn đi đến "tận cùng" khả năng biểu đạt trong mỗi nhạc cụ. Trầm có, thánh thót có, rung động có, dữ dội, căng thẳng, nghịch tai, cũng đều có cả.
Trên hết, "những sự thử nghiệm của các nghệ sĩ đã đem lại những trải nghiệm ấn tượng cho khán giả. Tôi không thực sự hiểu hết được âm nhạc nhưng tôi thấy được khả năng lưu giữ những gì là tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam cũng như khả năng mà những nhạc cụ truyền thống của các bạn sẽ được khai thác, phát triển mạnh mẽ hơn trước sự thay đổi của đời sống âm nhạc đương đại" - khán giả trung thành của chương trình, ông Emmanuel Labrande bày tỏ.
Một khán giả đặc biệt khác, bà Hélène-Hiên, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cho biết, khi nhóm Hanoi New Music Ensemble chia sẻ ý tưởng trình diễn những tác phẩm của nhạc sĩ, bà rất hạnh phúc.
"Tôi nghĩ rằng, khi yêu âm nhạc, các nghệ sĩ sẽ chạm đến trái tim của khán giả. Vì vậy, tôi để họ tự do sáng tạo trong trình diễn và hi vọng âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tiếp tục được lan tỏa đến người nghe".
"Kể từ khi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo về với đất mẹ, tại Pháp luôn có những chương trình nhớ đến ông. Gần đây nhất là chương trình Homemage Nguyễn Thiện Đạo, diễn ra ngày 13/11 tại Nhạc viện Quốc gia Paris" - bà Hélène-Hiên chia sẻ thêm.
Nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My với tác phẩm "Khói Trương Chi"
Trở lại với đêm nhạc Xưa trước - Nay sau, những tác phẩm của quá khứ và hiện tại, giữa lề lối và sự phá cách đã được các nghệ sĩ thể hiện một cách khéo léo, tạo được sự liền mạch trong bố cục chương trình.
Tất nhiên, âm nhạc trôi và chảy một cách đúng nghĩa. Khán giả những tưởng sẽ lạ lẫm với không gian pha trộn của "mới - cũ" nhưng thực chất lại rất gần gũi và quen thuộc. Bởi, bao trùm toàn bộ không gian của âm nhạc, chính là đời sống, là văn hóa cội nguồn đã gắn bó trong từng người, từng nếp nhà.
Vậy nên cũng không ngạc nhiên khi đối tượng đến nghe chương trình lại đa dạng, từ già, trẻ, gái, trai, từ người Việt đến người nước ngoài.
Và sự ủng hộ của khán giả chính là lời động viên mạnh mẽ nhất để các nghệ sĩ được vững tin hơn trên con đường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách đương đại mà họ đã lựa chọn.
An Yên - Ảnh & clip: Hồng Nguyễn
Tags