Sau truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất (NXB Kim Đồng, 2022), Mộc An tiếp tục mở rộng chiều kích những chuyện đồng thoại cho thiếu nhi với Nhạc sĩ đường phố (NXB Kim Đồng, 2023), vừa phát hành. Cách đây ít lâu, bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng của Mộc An đã được trao Khát vọng Dế Mèn tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.
Tập truyện thiếu nhi Nhạc sĩ đường phố kể về hành trình âm nhạc "không giống ai" của Dế Bụi. Chính âm nhạc đã giúp hòa giải mâu thuẫn, hiểu lầm của hai cha con. Giúp cha bao dunghơn: "Ta già rồi. Không cảm được điệu hồn các con bây giờ. Bọn trẻ đã khác".
Âm nhạc ở đâu đây, rất gần
Qua câu chuyện âm nhạc của Dế Bụi, Mộc An gửi gắm thông điệp: "Nghệ thuật là như vậy đấy, dù có biến đổi thế nào, nghệ thuật vẫn là cái đẹp và có khả năng chữa lành tâm hồn con người". Để từ đây mang lại những giá trị sống: "Các bạn tôi bảo rằng chẳng những có thể nương náu trong tán cây, mà sắc màu rực rỡ của các bạn ấy thêm cảm hứng sáng tạo, dàn hòa ca càng thêm những âm thanh vui nhộn".
Nếu âm nhạc có khả năng xoa dịu tâm hồn, thì thiên nhiên cũng là thứ nhạc lòng hiển hiện.Thông qua việc miêu tả thiên nhiên, tác giả đã mang lại những sắc điệu đa dạng trong tình cảm. Đó là khi Dế Bụi quay lại khu vườn xưa trong nhà của mình: "Lòng tôi cảm giác ấm áp bình yên lạ. Nếu thời gian có thay đổi nhiều thứ, cuộc sống bấp bênh chốn đô thị khiến một chàng dế vụng về như tôi trở nên cứng cáp, thì khu vườn này vẫn còn như xưa".
Hoặc âm nhạc cũng như thứ âm thanh đời sống, những biến chuyển của trời và đất làm người ta dễ lòng rung động, khi Dế Bụi tiễn đưa một ông cụ qua đời: "Nhưng tôi vẫn muốn đưa tiễn ông. Loại nhạc điệu u buồn này, tôi chưa bao giờ dạo lên trong đời. Khúc nhạc chứa ký ức những hàng cây vào mùa rụng lá, những giọt mưa rả rích trong mùa đông lạnh lẽo, cả hơi lạnh của những căn nhà đìu hiu đóng kín".
Thiên nhiên trong truyện cũng là một nốt nhạc trầm. Xen lẫn tình tiết của câu chuyện là những phần miêu tả thiên nhiên thật tinh tế,giàu sức gợi, nó như một khoảng lặng, khoảng dừng cho mạch truyện. Nó cũng làm tâm hồn người đọc thư thái hơn để bước qua những chặng mới, làm mạch truyện lúc nhanh, lúc trầm lắng, lôi cuốn.
Dế Bụi từ khi rời nhà ra đi đã học được bao nhiêu thứ từ cuộc sống. Đó là những bài hát đời sống phong phú, vô tận và làm sâu sắc thêm tâm hồn khi bước vào đời. Đó là bài ca về tình cảm gia đình, không chỉ khi ở nhà với cha và mẹ, được quay về kỷ niệm, được chăm sóc, mà khi bôn ba bên ngoài, gặp gia đình Dế Bột, gia đình Sẻ: "Ở đây tôi luôn có sự cảm thông và yêu thương hệt như gia đình thứ hai".
Đó là bài ca về cuộc sống của thời đại 4.0 khi con người ngỡ bên cạnh,nhưng hoàn toàn xa cách nhau về tâm tư, suy nghĩ, cũng như xa cách với cả thế giới bên ngoài. Qua quan sát của Dế Bụi, nỗi buồn bắt nguồn từ chính cuộc sống, ông già bị cô đơn trong ngôi nhà của mình nên sinh bệnh rồi mất; nỗi buồn vì thế giới thiên nhiên giờ đây cũng ít được biết đến bằng sự cảm nhận thực tế, trải nghiệm từ chính cá nhân, mà chỉ qua các phương tiện điện tử, truyền thông.
Đó còn là bài ca về nỗi lòng của một cậu bé bắt đầu lớn, nhạy cảm với cuộc sống, khi cậu đã biết buồn, cậu biết ngân rung lòng mình, chính thiên nhiên đã xoa dịu cậu, để thiên nhiên đồng hành cùng với cậu. Đời sống là một bản nhạc đa dạng, ngân rung nhiều giai điệu, có phải chính vì vậy cậu muốn làm nghệ sĩ đường phố thay vì một nghệ sĩ hàn lâm như ba cậu đã theo đuổi.
Giọng điệu rất đa dạng
Mặc dù có truyền thống gia đình, nhưng Dế Bụi đã chọn con đường riêng, ở đó đầy những điều thách thức phía trước, có không ít lần phải hứng chịu những sự cố làm cậu bị ngất, bị bắt, bị đối diện với những trận đấu một mất một còn...
Hành trình đến với âm nhạc cũng là hành trình thực hiện ước mơ. Âm nhạc là gì nếu nó không phải là dòng chảy của trái tim,cảm xúc trước đời sống ta hiện hữu hàng ngày. Ở đây, ta cảm nhận được thứ nhạc lòng buồn bã của sự chia li, đó là âm nhạc không thể nào tránh khỏi trong dòng đời. Hoặc thứ nhạc của đam mê, nhiệt huyết trong lòng Dế Bụi, nhạc sôi động của tuổi trẻ, những câu hát gọn, tưởng chừng đơn giản, nhưng lại mang đến sự kết nối tuyệt vời.
Trẻ con thường mê những gì nhỏ gần gũi và thân thuộc với mình. Có lẽ vì vậy, sự vui nhộn trong lời hát này, những hình ảnh thân quen sẽ làm độc giả thích thú.
Nhưng còn có thứ âm nhạc làm say lòng người, qua cách diễn tả hình ảnh độc đáo, âm nhạc Bắc Trung Nam, âm nhạc của sân khấu. Bản giao hưởng mùa Thu đầy tình cảm: "Ban đầu dìu dịu như một mảnh lá thả mình theo gió heo may, chạm khẽ vào mảnh trăng giữa trời, rồi chầm chậm loang ra theo hơi sương lành lạnh. Có lúc tôi nghe tiếng xào xạc của ngọn gió thổi qua những triền cỏ may bạt ngàn, tiếng quẫy nước của một chú cá dưới mặt nước sông thăm thẳm".
Dế Bụi chứng kiến gia đình Sẻ tập bay sau biến cố mất mẹ,hoặc nghe tin có khả năng Dế Bột không còn nữa… đó đều là khúc nhạc lòng, ngân lên và nghẹn lại. tụ thành những dòng nước mắt.
Đoạn kết vẫn như phong cách trước đây của Mộc An, lựa chọn cái kết mở để người đọc bâng khuâng, nuối tiếc, như thiếu một điều gì, hoặc như muốn gợi mở ra điều gì, kéo dài câu chuyện đời của Dế Bụi.
Cái hay ở truyện là giọng điệu rất đa dạng, khi vui vẻ tinh nghịch, lúc tiếc nuối, có lúc lại rất mạnh mẽ, kiên định và không hiếm những suy tư. Sự đa dạng này góp phần làm cho câu chuyện chân thật hơn, đời hơn.
Tại sao lại là nhạc sĩ đường phố? Vì nơi đó không chỉ có âm nhạc, mà còn là cuộc sống, nơi vang lên những thanh âm nuôi dưỡng tâm hồn. Với tính tình của cậu bé, có phải chính sự bao la, rộng mở, không biết trước, không đoán định được của không gian đường phố làm nên câu chuyện còn đầy kỳ bí phía trước? Có bản nhạc nào đang chờ đón cậu nữa không? Trong khi nhạc đời có lúc vui và cũng có lúc buồn, có lúc lãng mạn thiết tha mà cũng đầy gay cấn, bi kịch, tiếc nuối.
Rất may, cuối tác phẩm, Dế Bụi cùng Dế Bột đã mở lớp học trên cỏ xanh, thứ âm nhạc kỳ diệu sẽ được nuôi dưỡng và duy trì, để như cụ viện trưởng, sống chết với âm nhạc, với đam mê của mình đến phút cuối cùng. Bản nhạc này, đã được truyền đi bằng niềm tin yêu cuộc sống tha thiết và thật cháy bỏng.
Tags