"Xong chừng 10 cuốn sách nữa là tôi nghỉ"! Cuối tuần qua tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra lễ trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11. Kết quả, sử gia Nguyễn Đình Tư (sinh ngày 12/3/1920, Nghệ An) được vinh danh cùng bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020).
1. Bộ sách gần 1.700 trang, được chia thành 2 tập, gồm 6 phần chính, tập 1 viết từ 1698 đến 1945, tập 2 từ 1945 đến năm 2020. Ngoài ra còn có phần dẫn nhập, viết về thời tiền sử, thời Phù Nam, thời Thủy Chân Lạp và khi những lưu dân người Việt đến Nam bộ.
Đây là bộ sách mà sử gia Nguyễn Đình Tư thai nghén từ năm 1998, trước lúc Sài Gòn - TP.HCM kỷ niệm 300 năm thành lập. Bản thảo lúc ấy gần 1.500 trang, nhưng vì nhiều lý do, không kịp xuất bản, nên ngủ yên cả 20 năm.
Từ trước Covid-19, ở tuổi gần 100, ông được NXB Tổng hợp TP.HCM đề nghị, nên mới bổ sung tư liệu, hiệu chỉnh, viết thêm, để được hoàn thiện như hiện nay. NXB Tổng hợp TP.HCM cũng xác định đây là "trận chung kết", nên đã phản biện, biên tập sách rất công phu, nhằm cung cấp cho độc giả cuốn sách chỉn chu, khoa học nhất có thể.
Phát biểu khi nhận giải, Nguyễn Đình Tư nói: "Với tác phẩm này, tôi muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể… về các giai đoạn lịch sử từ năm 1698 đến năm 2020. Trong đó có các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao, báo chí… của từng thời kỳ".
Đến dự lễ trao giải, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) chia sẻ, việc mặc định TP.HCM là một đầu tàu để phát triển kinh tế, dù đúng, nhưng chưa đủ. Vì nếu chỉ ưu tiên mỗi kinh tế thì khó gọi là thành phố lớn, thành phố phát triển, chưa nói thành phố toàn diện như TP.HCM đang hướng đến. Thẳng thắn nhìn nhận, việc thiếu chú trọng về phát triển văn hóa nói chung đã làm chúng ta phải trả những cái giá rất lớn trong thời gian qua. Cho nên việc vinh danh, đầu tư cho các tổ chức, cá nhân làm văn hóa, làm nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật là một nhiệm vụ quan trọng và thiết thực. Nếu kinh tế làm nên sức mạnh, thì văn hóa sẽ làm nên sự bền vững.
2. Trong giới sử học và nghiên cứu ở TP.HCM hiện nay, Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Đình Đầu (cũng sinh 1920) có lẽ là cao niên nhất, nhưng họ vẫn còn miệt mài làm việc. Ông Tư cho biết, đúng 6 giờ sáng là thức dậy, thể dục 45 phút, ăn sáng, đọc báo, lướt web, sau đó là ngồi vào bàn làm việc, nghỉ trưa 90 phút, xong làm việc tới chiều tối, thể dục thêm 45 phút, khuya thì 12 giờ mới đi ngủ.
Đây là thời dụng biểu mà ông áp dụng mấy chục năm qua, ít khi thay đổi. Ngày nào ông cũng ngồi với máy vi tính để gõ bài và tra cứu tài liệu hơn 10 tiếng, mắt vẫn chưa cần đeo kính.
Nhà ông nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM), với phòng làm việc và ngủ rộng khoảng 16m2, tầng 1 lên tầng 2 có 36 bậc thang. Bài thể dục mà ông tập là đi lên đi xuống 20 vòng, bữa nào mệt thì đi 10-15 vòng, nói chung đi bộ từ 1.000 đến gần 1.500 bậc thang mỗi ngày. Hỏi ông khi nào mới chính thức nghỉ ngơi, ông Nguyễn Đình Tư nói: "Xong chừng 10 cuốn sách nữa là tôi nghỉ".
Sau 1975, không có lương hưu, ông từng ra đường sửa xe đạp, khi không có khách thì ngồi viết sách, làm ở vỉa hè như vậy cho tới khi con cái học xong đại học thì mới nghỉ. Ông đã xuất bản hơn 60 đầu sách, chuyên về địa danh,sự hình thành và phát triển các tỉnh Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ và Tây Nguyên… Ông vừa hoàn thành bản thảo Từ điển địa danh hành chính Trung bộ, đang hoàn thành bản thảo Từ điển đối chiếu tước hiệu, tôn hiệu và tên người dưới thời phong kiến.
Ở tuổi 103 mà nói phải hoàn thành 10 cuốn sách nữa, nghe chừng hơi… mong manh, nhưng với Nguyễn Đình Tư thì có cơ sở. Vì thật ra ông đang trong giai đoạn hoàn thành, cuốn nào cũng đã khởi sự viết từ lâu. Ở tuổi của ông mà ăn ngủ, đi lại đều tự thân vận động, chưa phiền đến con cháu. Đi xe buýt ông cũng thường đi một mình. Chỉ khi nào có công chuyện gì cần gấp, thì mới nhờ con cháu chở đi.
"Cuốn cuối cùng tôi muốn hoàn thành là tự truyện Kiếp người. Đời tôi chẳng có công phu, thành tích gì đáng kể, nên chỉ viết mấy chuyện ba chìm bảy nổi, chuyện của một thằng bé mục đồng ở Nghệ An muốn được đi học, được viết lách, rồi xuôi vào Sài Gòn sống hơn nửa thế kỷ. Số trang sách đã viết cao quá đầu tôi, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình viết giỏi, mà chỉ nhẩn nha và chăm chỉ viết từng trang, gõ mổ cò từng chữ. Cuốn tự truyện nếu được in, chỉ mong các độc giả trẻ cảm thấy rằng như ông già Tư mà còn làm được, thì có lý gì mình không làm được" - Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Đọc bộ sử này, nhà thơ Lê Minh Quốc cảm tác: "… Đưa quá khứ đồng hành trong hiện tại/ Chọn lọc chỉn chu hạt bụi vàng/ Từng hạt xếp thành ngàn trang sách/ Ngưỡng mộ - lòng tôi biết nói gì?/ Bền lòng theo "dặm dài lịch sử".
Tham gia đặt tên gần 1.000 con đường
Từ năm 1995, Nguyễn Đình Tư là ủy viên thường trực của Hội đồng đặt và đổi tên đường TP.HCM, làm việc đến 2005 thì nghỉ. Ông đã tham gia đặt tên gần 1.000 con đường trong giai đoạn này. Ông cũng là người đề xuất chính về việc đặt tên hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa tại TP.HCM.
Tags