Doanh thu và những tác động mà Premier League tạo ra là không thể chối cãi, nhưng không có gì là vô hạn. Sự giàu có của bóng đá Anh cũng vậy.
Phía sau những ồn ào về hoạt động chuyển nhượng kỷ lục, cùng cuộc đua tay ba giành chức vô địch hấp dẫn, Premier League đang là tâm điểm của việc thắt chặt tài chính với những án phạt cụ thể.
Thắt chặt tài chính
Premier League đang trải qua mùa giải hấp dẫn về mặt chuyên môn khi Liverpool, Arsenal và Man City chạy đua quyết liệt cho danh hiệu vô địch. Đây cũng là mùa giải chia tay Jurgen Klopp, một trong số những nhà cầm quân được người hâm mộ trung lập yêu thích nhất. Bên cạnh đó, đây cũng là mùa giải đáng nhớ về câu chuyện liên quan đến tài chính.
Mùa trước, mỗi CLB Premier League nhận tiền thưởng ít nhất hơn 120 triệu bảng. Cụ thể, Man City dẫn đầu với 170 triệu bảng, trong khi Southampton có 128 triệu bảng. Ngay sau các khoản thưởng khổng lồ này, những án phạt liên quan đến khả năng mất kiểm soát tài chính cũng được đưa ra. Đầu tiên, Everton bị trừ 10 điểm và được trả lại 4 điểm sau quá trình kháng cáo. Gần đây, Nottingham Forest bị trừ 4 điểm.
Chính Man City và Chelsea cũng đang đối diện nguy cơ bị Premier League phạt điểm. Nhà đương kim vô địch liên quan đến cáo buộc vi phạm 115 quy định về tài chính. Những án phạt và các cuộc điều tra dựa trên Quy tắc Lợi nhuận và Bền vững (PSR) của Premier League. Quy tắc này không hoàn toàn giống Luật công bằng tài chính của UEFA, nhưng có nhiều điểm tương đồng. PSR cho phép các CLB lỗ tối đa 105 triệu bảng trong 3 mùa giải.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá Anh nói riêng và châu Âu nói chung đang bước vào giai đoạn quản lý chặt chẽ hơn bao giờ hết. Ở Italy, những cuộc điều tra khiến Andrea Agnelli và Pavel Nedved phải từ chức chủ tịch và phó chủ tịch Juventus. Những quy định bằng văn bản tồn tại trong nhiều năm qua đột nhiên được thực thi theo khái niệm "bàn tay sắt".
Sự phân hóa của Premier League và bóng đá Anh ngày càng lớn, bất chấp chiếc bánh bản quyền truyền hình được chia công bằng nhất trong 5 giải hàng đầu châu Âu. Đây là lý do hệ thống các giải chuyên nghiệp Anh (EFL) yêu cầu các CLB Premier League phải hỗ trợ 900 triệu bảng. Tháng trước, cuộc bỏ phiếu với thất bại thuộc về EFL.
Đi tìm sự bền vững
Theo đánh giá của tạp chí Forbes, Premier League đứng thứ 26 trên thế giới về trải nghiệm khách hàng (dẫn đầu là Buc-ee's của Mỹ). Trong Top 300, chỉ có 4 thương hiệu thể thao và tất cả đều không thể sánh với giải đấu hàng đầu nước Anh. Cụ thể là NCAA Football (bóng bầu dục, hạng 164), NHL (khúc côn cầu, 193) và NCAA Basketball (bóng rổ, 215). Premier League cũng đứng 127 thế giới về Thương hiệu tốt nhất vì tác động xã hội. Chỉ FIFA (140) và NHL (252) là thuộc thể thao được Forbes đưa vào Top 300.
Với những giá trị riêng của mình, Premier League đi đầu trong việc phản đối Super League. Sự phân hóa, đặc biệt là sau đại dịch, buộc giải đấu phải quản lý mạnh mẽ hơn về tài chính. Sự nổi lên của Chelsea, Man City hay gần đây có Newcastle là thách thức lớn cho tính bền vững. Trên thực tế, bên cạnh việc Man City và Chelsea bị điều tra, Newcastle cũng có khả năng phải bán các ngôi sao mà họ mua về cách nay không lâu để tránh vi phạm giới hạn PSR.
Cách quản lý mới này được xem là báo hiệu cho sự kết thúc những giá trị phù phiếm của Premier League, khi các ông chủ chi rất nhiều tiền mà không quan tâm khoản lỗ để tìm kiếm thành công trên sân cỏ. Roman Abramovich, ông chủ cũ của Chelsea, là một ví dụ. "The Blues" rất thành công trong thời gian gắn với tỷ phú người Nga, xét về danh hiệu, nhưng thất bại về mặt kế toán. Hiện tại, chủ sở hữu mới Todd Boehly cũng đang chi quá nhiều.
Khi mà các CLB lớn không mấy hào phóng theo đề xuất của EFL, phân chia lại doanh thu bản quyền truyền thông cũng rất khó, nên Premier League đưa ra yêu cầu bắt buộc là tạo doanh thu. Các giải đấu khác cũng vậy, nổi bật là Barcelona bị hạ giới hạn mức lương trần. Bằng cách làm của mình, Premier League tự tin hướng đến giải đấu công bằng hơn.
Báo động Leicester
Leicester City, đội bóng hiện xếp thứ 3 Championship và đầy tham vọng trở lại Premier League, vừa công bố khoản lỗ khổng lồ 89,7 triệu bảng trong mùa giải 2022-23. Điều này làm tăng nguy cơ bị trừng phạt trong mùa giải tới.
Sau khi xuống hạng, Leicester phải đối mặt với những nghi ngờ về khả năng tuân thủ PSR. "Bầy cáo" đã trải qua năm tài chính thứ hai liên tiếp thua lỗ.
Để tránh khoản lỗ 3 năm liên tiếp vượt quá 105 triệu bảng, Leicester phải làm mọi cách để huy động tiền. Một trong những giải pháp được nhắc đến nhều nhất là bán các cầu thủ trước ngày 30/6, nhằm giúp CLB tránh khỏi việc vi phạm trong mùa giải hiện tại. Cuộc chia tay trước đó của Wesley Fofana (70 triệu bảng; đến Chelsea) và James Maddison (40; Tottenham) là không đủ. Leicester hiện đang bị cấm chuyển nhượng. Vì thế, tương lai của đội bóng càng thêm khó khăn.
Ngọc Linh
Tags