Họ đều là những ngôi sao bóng chuyền nữ thuộc thế hệ 8X, đều sinh đôi con trai và trái với số đông các VĐV bóng chuyền nữ thường quyết định từ giã sàn đấu ngay sau khi lập gia đình, họ vẫn tiếp tục thi đấu thêm một cơ số năm sau khi đã lập gia đình và sinh con trước khi dừng lại.
Nhiều tuổi nhất trong số này là chủ công Đinh Thị Diệu Châu (1983), kém Diệu Châu hai tuổi là chủ công và libero Bùi Thị Huệ (1985), người còn lại là chuyền hai Đào Thị Huyền (1988). Cả 3 đều từng là các tuyển thủ quốc gia của Việt Nam, đều có một sự nghiệp thi đấu thành công.
Diệu Châu, chủ công nổi tiếng với "đặc sản" đánh tay chiêu
Diệu Châu cao 1m80, chiều cao chưa được coi là lí tưởng đối với một VĐV chơi chủ công nhưng cô gái người Long An vẫn sở hữu tầm bật nhảy tấn công lên tới 3m05 rất đáng nể, trong khi tầm bật chắn của cô cũng lên tới 3m.
Con đường đưa cô nữ sinh trường THPT Thủ Thừa, Long An Đinh Thị Diệu Châu đến với bóng chuyền khá bất ngờ. Thấy Diêu Châu có thể hình rất tốt nên năm lớp 11, các thầy cô dạy giáo dục thể chất ở trường THPT Thủ Thừa đã động viên cô gái cao tới 1m76 lúc đó lên tỉnh thi năng khiếu thể thao.
Nghe lời thầy cô, Diệu Châu đi thi nhưng lúc đăng ký chọn môn thi năng khiếu thì Diệu Châu lại ghi danh vào môn bóng đá vì ở nhà cô gái thường ngồi xem bóng đá với bố trên ti vi nên đam mê bóng đá lúc nào không hay.
Ngặt nỗi hồi đó, Long An chưa có đội bóng đá nữ nên nguyện vọng của Diệu Châu không được đáp ứng. Lúc Diệu Châu vừa định quay về thì bất ngờ HLV Ngọc Hiền của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT Long An gọi cô lại vì thấy thể hình của Diệu Châu quá lý tưởng để chơi bóng chuyền.
Để thuyết phục cô gái trẻ nhận lời thử kiểm tra năng khiếu bóng chuyền, HLV Ngọc Hiền đã dùng mọi lời lẽ thuyết phục, mô tả cho Diệu Châu thấy sức hấp dẫn của bóng chuyền nhưng nói mãi vẫn không làm cô gái trẻ đam mê bóng đá thay đổi ý định.
Cuối cùng, cô Hiền phải tung chiêu "độc" bằng cách bảo Diệu Châu là "em cứ ở lại tập thử bóng chuyền một năm cho khỏe người, đến năm sau khi Sở TDTT có tuyển sinh môn bóng đá nữ, cô sẽ chuyển cho em qua học bóng đá".
Đến lúc này thì Diệu Châu mới bị thuyết phục. Lúc ấy cô nữ sinh 17 tuổi đồng ý ở lại tập thử bóng chuyền nhưng trong lòng vẫn hi vọng sẽ sớm được toại nguyện với niềm đam mê bóng đá chảy trong huyết quản.
Ai ngờ đó lại là bước ngoặt quyết định dẫn dắt Diệu Châu đến với bóng chuyền, gắn bó với môn thể thao này gần 2 thập kỷ và tạo dựng tên tuổi của cô trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ở Diệu Châu hội tụ 3 "đặc sản" của một chủ công xuất sắc, rất hiếm thấy trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Thứ nhất, với khả năng chơi tay chiêu đầy biến ảo, Diệu Châu có thể thực hiện những pha tấn công sát mép lưới, kể cả trong tình huống khó, thậm chí cực khó mà đối phương không thể lường trước. Thứ 2, Diệu Châu có thể tung ra những cú đập sau vạch 3m rất hay, đạt hiệu suất ghi điểm cao, điều rất ít thấy trong giới cầu thủ nữ Việt Nam cho tới tận thời điểm này. Thứ 3, ở mức độ thấp hơn, Diệu Châu có khả năng thực hiện những cú nhảy phát bóng đầy uy lực.
Với cái tay trái vừa khỏe, vừa dẻo, ra "đòn" rất kín và nhanh của mình, Diệu Châu trở thành "chuyên gia" ghi điểm cả ở cấp CLB lẫn tuyển Việt Nam trong suốt một thời gian dài.
Cùng với Bùi Thị Huệ và Phạm Thị Yến, Diệu Châu trở thành một trong ba chủ công hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam trong hàng thập kỷ.
Trong màu áo CLB VTV Bình Diền Long An, Diêu Châu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cô cùng với Ngọc Hoa được coi là những linh hồn của đội bóng trong suốt nhiều năm.
Đánh giá về Diệu Châu, HLV Lương Khương Thượng thừa nhận: "Bộ đôi Ngọc Hoa, Diệu Châu chính là 2/3 sức mạnh của VTV Bình Điền Long An. Mỗi khi Diệu Châu thi đấu, em không chỉ chơi với 100% sức lực mà còn luôn biết cách động viên đồng đội vượt lên khó khăn".
Quãng thời gian thi đấu cho VTV Bình Điền Long An là những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp rực rỡ của Diệu Châu. Cũng chính ở đây cô đã tìm thấy "một nửa" của đời mình. Đó là đồng nghiệp cùng tuổi của chính đội nam Long An, chủ công Phan Văn Định. Tình yêu của họ nảy nở một cách hết sức tự nhiên ở tuổi 18 khi cả hai cùng là thành viên của tuyển bóng chuyền trẻ Long An, sống xa gia đình và gắn bó với nhau qua từng buổi tập.
Sự nghiệp thi đấu của Phan Văn Định không rực rỡ như Diệu Châu nhưng cô tâm sự, chính anh là điểm tựa quan trọng để cô có thể phát huy cao nhất khả năng của mình. Sau 6 năm quen nhau, đến đầu năm 2007, Diệu Châu mới theo chàng về dinh trước khi vợ chồng cô chào đón một cặp song sinh nam 4 năm sau đó.
Sau một thời gian nghỉ thi đấu để lập gia đình, sinh con và vun vén cho tổ ấm riêng, Diệu Châu quay lại với bóng chuyền. Cô khoác áo đội bóng chuyền nữ TP HCM ở giai đoạn cuối sự nghiệp và thi đấu đến năm 2016 mới chính thức giải nghệ do ảnh hưởng của các chấn thương khiến thể lực sa sút và cũng bởi cô muốn dành trọn thời gian cho cuộc sống gia đình.
Giờ đây, ở tuổi 40, Diêu Châu đang tận hưởng cuộc sống viên mãn với "gia đình nhỏ, hạnh phúc to" của mình nhưng hình ảnh của một siêu chủ công tay chiêu ngày nào vẫn còn in đậm trong lòng người hâm mộ bóng chuyền cả nước.
Bùi Thị Huệ, "cây trường sinh" nổi tiếng của bóng chuyền Việt Nam
Chỉ cao 1m74 nhưng có tầm bật đà lên tới 2m95, Bùi Thị Huệ sở hữu những cú đập bóng "một tiếng" (tiếng bóng chạm tay và chạm sàn gần như cùng lúc) mạnh như búa bổ nên được giới chuyên môn gọi là "búa máy", biệt danh nói lên thương hiệu của cô trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Đến với bóng chuyền từ năm 12 tuổi và bắt đầu lên chơi cho đội 1 bóng chuyền nữ Thái Bình từ năm 2001, Bùi Thị Huệ (sinh tháng 2/1985) đã có 27 năm tập luyện và thi đấu bóng chuyền trong đó có 22 năm thi đấu đỉnh cao.
Trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, cựu chủ công Hà Thu Dậu là người giữ "kỷ lục" không chính thức về thâm niên thi đấu bóng chuyền đỉnh cao khi chị có 23 năm tung hoành trên sân đấu từ năm 1987 đến 2010. Hà Thu Dậu chính thức tuyên bố nghỉ thi đấu bóng chuyền khi chị 41 tuổi.
Bùi Thị Huệ đã có 22 năm thi đấu bóng chuyền đỉnh cao chuyên nghiệp trước khi chính thức quyết định giải nghệ hồi tháng 2/2024. Khi những đồng nghiệp lừng lẫy cùng thời như Phạm Kim Huệ (chính thức nghỉ thi đấu từ năm 2018 khi 36 tuổi), Ngọc Hoa (nghỉ thi đấu từ năm 2022 khi 34 tuổi) hay Phạm Thi Yến (nghỉ thi đấu từ năm 2016 khi 31 tuổi) cứ lần lượt giã từ sự nghiệp VĐV thì Bùi Thị Huệ thi đấu cho Geleximco Thái Bình tới tận năm 39 tuổi mới quyết định "nghỉ hưu".
Không chỉ nổi tiếng là ngôi sao có "tuổi thọ" nghề cực kỳ đáng nể, Bùi Thị Huệ còn trở nên đặc biệt bởi gần như trong hơn 20 năm sự nghiệp ở cấp CLB, cô chỉ gắn bó với màu áo đội bóng chuyền nữ Thái Bình.
Ngoại trừ một thời gian ngắn trong năm 2020 chơi cho đội Than Quảng Ninh dưới dạng "lính đánh thuê" thì Bùi Thị Huệ chỉ thi đấu cho đội 1 của Thái Bình và chị gắn liền với những cột mốc đáng nhớ nhất của CLB này.
Bùi Thị Huệ từng cùng đội bóng chuyền nữ Thái Bình 2 lần VĐQG các năm 2007 và 2022. Thành tích ấy là rất đáng kể nếu biết rằng so với các CLB bóng chuyền giàu truyền thống của Việt Nam thì bóng chuyền nữ Thái Bình cực kỳ thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như kinh phí đầu tư để VĐV có điều kiện tập luyện và thi đấu tốt.
Năm 2019 khi đội nữ Thái Bình phải xuống hạng, Bùi Thị Huệ lại trở thành nguồn cảm hứng hàng đầu giúp đội bóng này giành quyền trở lại thi đấu ở giải VĐQG chỉ sau đúng 1 mùa thi đấu ở giải hạng A toàn quốc.
Trong sự nghiệp vinh quang của mình, chủ công huyền thoại này từng cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam 5 lần liên tiếp giành HCB SEA Games từ SEA Games 21 đến SEA Games 25. Cùng với Phạm Thị Yến, Bùi Thị Huệ hợp thành cặp chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam trong hàng thập kỷ.
Không chỉ có sự nghiệp thi đấu thành công rực rỡ và "tuổi thọ" nghề cực kỳ đáng nể, Bùi Thị Huệ còn có một gia đình hạnh phúc với người bạn đời cũng là một cựu chủ công, cựu tuyển thủ bóng chuyền quốc gia.
Hỏi dân trong nghề về cặp đôi đẹp nhất làng bóng chuyền Việt Nam, ai cũng nhắc đến vợ chồng Bùi Thị Huệ-Trần Văn Giáp. Chuyện tình cảm của hai tuyển thủ cũng khá kín đáo nên ít người hay.
Cựu chủ công của CLB Petrovietnam Trần Văn Giáp phải lòng bà xã Bùi Thị Huệ từ khi cô còn là bạn thân của em gái mình. Hai người cùng quê Thái Bình nhưng khác huyện và sau thời gian dài quen biết, họ bắt đầu yêu nhau từ năm 2002 trước khi chính thức nên duyên vợ chồng năm 2008. Đến năm 2015, Bùi Thị Huệ sinh đôi hai bé trai, làm cho cuộc sống gia đình cô càng thêm viên mãn, trọn vẹn.
Cùng đam mê bóng chuyền và đều từng thi đấu chuyên nghiệp nên vợ chồng Bùi Thị Huệ có thể chia sẻ, hỗ trợ cho nhau về công việc chuyên môn cũng như dễ dàng cảm thông cho nhau.
Vợ chồng Trần Văn Giáp và Bùi Thị Huệ đều đã gắn bó với bóng chuyền hơn 2 thập kỷ và vẫn đang theo đuổi đam mê với môn thể thao này.
Trong khi Bùi Thị Huệ chính thức quyết định nghỉ thi đấu ở tuổi 39 và bắt đầu bước đi trên hành trình trở thành HLV sau khi hoàn thành khóa đào tạo HLV cấp 2 thì Trần Văn Giáp vẫn tiếp tục làm HLV đội bóng chuyền nữ Geleximco Thái Bình.
Đào Thị Huyền, vô địch từ giải hạng A tới giải VĐQG
Cô gái Hải Phòng Đào Thị Huyền được coi là một trong những cây chuyền hai nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Cô là công thần của bóng chuyền nữ Quân Đội, từng có hơn một thập kỷ cống hiến cho BTL Thông Tin và hiện làm trợ lí HLV tuyến 3 của đội bóng này.
Đào Thị Huyền cũng từng nhiều năm khoác áo tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Cô nhiều lần cùng BTL Thông Tin giành chức VĐQG và cùng tuyển Việt Nam giành nhiều HCB SEA Games.
Cây chuyền hai sinh năm 1988 này gây ấn tượng mạnh cho giới chuyên môn bởi sự nhanh nhẹn, lối chơi thông minh, khéo léo.
Hồi 2013, Đào Thị Huyền tạm nghỉ thi đấu ở tuổi 25 để lập gia đình và cuối tháng 12/2016 cô sinh đôi hai bé trai khôi ngô, tuấn tú. Hai con trai của Đào Thị Huyền tên là Hải Anh và Việt Anh, năm nay 7 tuổi.
Sau thời gian nghỉ thi đấu để sinh con và vun vén cho cuộc sống gia đình, Đào Thị Huyền trở lại với bóng chuyền nhưng trong vai trò… trợ lí HLV tuyến 3 của bóng chuyền nữ BTL Thông Tin. Dù vậy, khát khao được ra sân thi đấu vẫn bùng cháy trong lòng cô gái Hải Phòng.
Trong bối cảnh BTL Thông Tin có khá nhiều lựa chọn nhân sự, hồi năm 2021 Đào Thị Huyền từng được đội bóng chuyền nữ quân đội cho Bamboo Airways Vĩnh Phúc mượn để thi đấu ở giải hạng A toàn quốc.
Ở đây, Đào Thị Huyền (lúc này đã 33 tuổi) cùng với đàn chị Hà Thị Hoa đã xuất sắc góp công giúp Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành chức vô địch giải hạng A để lên chơi ở giải VĐQG năm 2022.
Đến năm 2022, Đào Thị Huyền trở lại BTL Thông Tin và góp mặt trong thành phần thi đấu của đội bóng chuyền nữ Quân Đội tại giải VĐQG 2022 khi cô đã 34 tuổi trước khi trở lại với vai trò trợ lí HLV tuyến 3 của BTL Thông Tin sau đó.
Tags