Sự hình thành các phố & design nội thất

Thứ Tư, 19/11/2014 17:49 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Các phố phường Thăng Long có cách thức riêng để hình thành, thoạt tiên là những phường thợ dựng lều, nhà tạm làm chợ bán hàng và sản xuất, theo những trục phân cắt kiểu ô bàn cờ, sau đó những con phố ra đời dựa trên cách định cư của các phường thợ có sẵn. Người trong nước gọi dân Thăng Long là Kẻ Chợ là vì thế. Chữ Kẻ ở đây có nghĩa là một vùng đất (tiếng Mường cổ), đã gọi là Kẻ có nghĩa là được xác định thành phong tục tập quán rồi. Theo cách nói của người xưa thì mỗi Kẻ tương đương với một làng, Kẻ Chợ là to nhất.


Phố Hàng Quạt. Ảnh tư liệu người Pháp chụp cuối thế kỷ 19. Tư liệu NXB Thế giới

Hai phố song song với hai phường thợ cách nhau một khoảng trống, rồi bốn phường thợ quay lưng vào nhau, quây thành bốn phố. Đầu phố - phường có đình của phường và cổng phường, trong phường có đền và chùa, đôi khi cả ba kiến trúc này được dồn vê một phía, Khoảng trống giữa bốn phố - phường, vốn là đất trống phía trong, dân Kẻ Chợ dùng làm nơi đổ rác và phóng uế, nên rất mất vệ sinh, đôi khi trong đó còn có ao hồ. Do ở liền nhau, nhà phần lớn bằng tre gỗ nên dễ cháy, trên nóc nhà người ta để các chum nước phòng cứu hỏa. Tất cả những điều này được người phương Tây mô tả theo nhiều cách khi đến Thăng Long thế kỷ 17, 18. Dần dần, đất Thăng Long cũng có giá trị, nên các nhà bắt đầu tiến vào phía trong theo trục thẳng với nhà mình, ai tiến trước thì được nhiều đất hơn. Ở Hà Nội có những nhà dài gần sát phố bên kia, có những nhà đến lưng chừng là gặp lưng nhà khác, lại có những ngõ tự nhiên chạy chéo từ hai phố thông nhau. Ở những phố hình thành từ làng, mặt ngoài thẳng theo quy hoạch phố, nhưng bên trong đường ngang ngõ tắt đủ các kiểu, như hai phố Khâm Thiên và Hàng Bột cũ tựa vào ga Hàng Cỏ. Khi các nhà sát nhau, thì nhà vệ sinh cuối nhà không có lối thoát nữa, vì các khu đất trống đã mất hết. Nghề đổ thùng ra đời, tức là có những người chuyên đi dọn vệ sinh, thay thùng mới vào thùng cũ, lấy phân bán cho các làng trồng trọt, hoặc chính dân làng đó làm nghề đổ thùng. Việc này cũng không thơm tho gì vì người ta phải đi từ mặt nhà vào trong. Toàn Hà Nội cho đến những năm 1980 vẫn như vậy, tất nhiên cũng dần thay đổi. Riêng khu vực Ngõ Huyện, Ấu Triệu, chắc chắn có sự quy hoạch nào đó, người ta xẻ một ngõ chính giữa hai dãy phố có các nhà tiếp giáp, tất cả các nhà vệ sinh đều có lưng ra ngõ này và người đổ thùng sẽ đi theo đường ngõ thay vì vào mặt nhà. Trước năm 1954, hầu hết các ngôi nhà là tư gia ở riêng, sau đó được phân cho nhiều gia đình, việc chung bếp, chung khu vệ sinh khiến người Hà Nội rất khốn khổ vì toàn chuyện bếp núc, nhất là khi dân số tăng lên.


Đông Dương 1900, Nghề làm ô lọng. Hà Nội. Ảnh tư liệu người Pháp chụp đầu thế kỷ 20. Tư liệu trên REDS.VN

Sự hình thành những ngôi nhà hình ống ở các phố phường cổ dẫn đến cách bố trí nội thất tương đối giống nhau ở các phường thợ. Có nhà một tầng, có nhà tầng rưỡi, có nhà hai tầng, hoặc cao hơn, nhưng thường là tầng rưỡi và hai tầng thôi, giống như trong tranh Bùi Xuân Phái về phố cổ. Một nội thất điển hình như thế này: gian đầu tiếp giáp với mặt đường làm nơi bầy và bán hàng, gian tiếp theo là nơi sản xuất - hai gian này chung một đơn vị nhà (có mái), phía trên tầng hai làm nơi đặt ban thờ và nghỉ ngơi. Tiếp đến có thể là một đơn vị nhà nữa, hoặc một sân trời có bể nước, dẫn vào đơn vị nhà thứ hai, nơi này mới là nơi sinh hoạt của gia đình, và có thể xây hai tầng thì cầu thang dẫn từ sân trời. Sau đó là gian bếp và khu vệ sinh. Trước khi người Pháp xây dựng nhà máy nước cung cấp cho nội thành Hà Nội, thì người Thăng Long dùng nước giếng chung của cả phường, còn rất ít nhà đào giếng riêng trong nhà mình, vì chất lượng nước ở Hà Nội không tốt lắm, đào sâu vài thước là toàn đất bùn và nước không sạch. Các bể nước trong nhà để hứng nước mưa có thể dùng cho ăn uống quanh năm. Một ngôi nhà như vậy cần xác định hướng đi xuyên trục từ ngoài vào trong, ở Hà Nội, nếu tính từ mặt đường nhìn vào nhà, thì hướng đi vào thường là bên tay trái, gường tủ của gia chủ có xu hướng kê sang bên phải. Mặt tiền hầu hết dùng cửa lùa, từng tấm một, ban ngày tháo ra, ban đêm lắp lại. Hệ thống cầu thang lên tầng hai do đó cũng ngoặt từ trái sang phải.


Nội thất một gia đình giàu có ở thành phố. Ảnh Albert Kahn. Ảnh tư liệu Pháp đầu thế kỷ 20. Tu liệu trên REDS.VN

Đông Dương, Hà Nội, những năm 1903 - 1905. Ảnh tư liệu người Pháp chụp. Tư liệu trên REDS.VN

Sự phân chia không gian như vậy dẫn đến sắp xếp và dùng các loại đồ đạc trong gia đình tương đối giống nhau. Theo cách phân chia nội thất truyền thống của người nông dân Việt Nam trong làng xã, nếu lấy đơn vị nhà ba gian làm căn bản, thì gian giữa bao giờ cũng để thờ, nơi đây đặt bịch thóc, hay rương thóc kiêm bàn thờ, hoặc hương án, phía ngoài hương án, cách bởi hai cột nhà chính phía trong là một chiếc phản gỗ, hay sập gỗ, rồi tiếp sát ngưỡng cửa.

Gian giữa này là linh thiêng, chỉ có ông chủ được ngồi hay nằm, nếu có quý khách đến nhà thì ông chủ sẽ ngủ chung với quý khách ở phản giữa. Hai gian hai bên có thể kê thêm gường, bộ bàn ghế bằng tre hay gỗ với một bàn nhỏ và hai tràng kỷ, hai chái đầu nhà làm buồng cho phụ nữ hoặc kho. Từ người dân nghèo cho đến vua quan, quý tộc đều chung lối phân không gian đăng đối này, có khác chăng là nhà nhiều gian hơn, đồ đạc nhiều hơn. Nhưng bao giờ cũng xác định một gian trung tâm để thờ, trong trường hợp có nhà thờ riêng, thì gian giữa cũng là dành cho chính chủ làm những việc quan trọng, bộ bàn ghế của ông sẽ được kê ở đây. Người ta cho rằng lối bố trí nội thất có trung tâm này là mang tinh thần Nho giáo, từ thứ dân đến triều đình đều giữ kỷ cương và chính danh.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường thì gian đầu có cầu thang chính đi lên là thuộc về chính chủ, nơi đó có một bếp nhỏ chỉ để ông pha trà, cột gỗ đôi và cửa số đối diện là nơi kê bàn thờ và nơi chính chủ ngồi, không ai được phép ngồi đó, tính từ đó xuống hết nhà thì theo thứ tự trong gia đình mà sinh hoạt. Ví dụ ông Mường có ba vợ, thì vợ cả nằm sát gian thờ, tiếp đến vợ hai, vợ ba, sau đó con lớn và con bé, đều nằm ở phía khoang liền với cột thờ, khoang đối diện là để đồ, cuối gian có bếp lớn cho cả nhà và cầu thang phụ cho phụ nữ đưa nước lên theo đường đó và thường có sàn mở ra không gian ngoài trời ở các phía hoặc nhà phụ nối liền với nhà chính theo phía cầu thang phụ.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›