Sự hoài niệm giúp kỷ vật gây "bão giá"

Thứ Bảy, 10/08/2024 17:00 GMT+7

Google News

Chiếc lược chải ria mép của thủ lĩnh nhóm Queen, Freddie Mercury, được bán với giá hơn 150.000 bảng Anh. Và đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ vật từ các ngôi sao âm nhạc đang vô cùng hút khách tại các sàn đấu giá.

Một sự so sánh thú vị trên thực tế: Thị trường đấu giá mỹ thuật đã giảm 7% vào năm 2023. Nhưng nhu cầu về đĩa hát cũ hay các kỷ vật của ngôi sao âm nhạc - vốn rẻ hơn, ít rủi ro hơn và thường có nguồn gốc rõ ràng - đang tăng cao hơn bao giờ hết.

Những mức giá đáng kinh ngạc

Vào tháng 3 vừa qua, nhà đấu giá Christie's đã bán kho lưu trữ hồi những năm 1960 của người mẫu Pattie Boyd, bao gồm những bức thư tình bà nhận từ George Harrison và Eric Clapton, với giá lên tới 2,82 triệu bảng Anh - gấp hơn 7 lần giá trị ước tính trước khi bán.

Sự hoài niệm giúp kỷ vật gây "bão giá" - Ảnh 1.

Lưu trữ của Pattie Boyd, bao gồm cả những bức thư tình của George Harrison và Eric Clapton, được bán với giá 2,82 triệu bảng Anh

Những món đồ kỳ lạ của thủ lĩnh nhóm Queen, Freddie Mercury, cũng bất ngờ được tranh giành tại  phiên bán đấu giá của Sotheby's năm ngoái, với chiếc lược chải ria mép của ông được bán với giá hơn 150.000 bảng Anh - cao hơn rất nhiều so với mức ước tính trước khi bán là khoảng 400 - 600 bảng Anh.

Omega, một nhà đấu giá chuyên biệt nhỏ hơn ở Merseyside (Anh) cũng đang gặt hái được lợi nhuận khổng lồ từ sự quan tâm ngày càng tăng đối với đồ vật của người nổi tiếng. Được cặp vợ chồng Paul và Karen Fairweather thành lập cách đây 14 năm, như một công việc phụ thú vị bên cạnh công việc chính, nay Omega trở thành 1 trong 2 nhà đấu giá quan trọng nhất thế giới về đồ vật của người nổi tiếng (cùng với nhà đấu giá Julien's Auctions của Mỹ).

Sự tăng trưởng của Omega thật đáng kinh ngạc: Tăng từ 2.000 lô bán ra trong năm đầu tiên giao dịch lên 25.000 lô trong năm tài chính gần nhất. Trong khi các nhà đấu giá uy tín muốn có những cái tên tuổi lớn, nhà đấu giá này lại tập trung vào nhiều lĩnh vực văn hóa đại chúng hơn, phần lớn là văn hóa Anh. Trụ sở chính của Omega cũng rất đơn giản, không có những khung mạ vàng hay trợ lý đeo găng tay trắng.

Sự hoài niệm giúp kỷ vật gây "bão giá" - Ảnh 2.

Lược chải ria mép của Freddie Mercury đã được bán với giá 150.000 bảng Anh

Một trong những cuộc đấu giá vừa diễn ra của họ là bộ sưu tập 10.000 đĩa của DJ, tác giả hài kịch và cựu nhà báo NME Danny Baker. Mặc dù Omega từng xử lý các bộ sưu tập lên tới 100.000 đĩa trước đây, nhưng bộ sưu tập của Baker rất quan trọng "vì nguồn gốc của nó" (mọi thứ đều được xác thực là thuộc về ông).

Bộ sưu tập của Baker, được tích lũy trong hơn năm thập kỷ, là sự theo dõi lịch sử âm nhạc đại chúng với những bản nhạc hiếm như bản in thử của Bowie và bản in đầu tiên của Led Zeppelin, cũng như các ghi chú cá nhân từ các nhạc sĩ, tạp chí dành cho người hâm mộ, lời mời dự tiệc,…

Omega cũng từng xử lý đồ thuộc về Peter Hook của nhóm New Order, Porl Thompson nhóm The Cure và Martin Duffy nhóm Primal Scream. Kho lưu trữ đĩa và thiết bị của BBC cũng nhờ Omega "dọn sạch".

Chưa hết, nhà đấu giá này còn tự hào đã bán lời viết tay ca khúc Starman của David Bowie cho một nhà sưu tập người Australia với giá hơn 200.000 bảng Anh vào năm 2022 và cuốn Kinh Thánh của Elvis, với phần chú thích nguệch ngoạc, với giá 59.000 bảng Anh.

Sự hoài niệm giúp kỷ vật gây "bão giá" - Ảnh 3.

Chiếc răng của John Lennon được Omega bán cho một nha sĩ người Canada với giá 19.000 bảng Anh

Tương tự, ngôi nhà thời thơ ấu của George Harrison được bán với giá 171.000 bảng Anh ("Chủ sở hữu đã đến thẳng chỗ chúng tôi" - thông tin từ Omega). Rồi, một đĩa CD demo hiếm hoi gồm các bản thu âm của Ed Sheeran khi mới 13 tuổi, mà nhạc sĩ này đã cố giấu kín, đã được bán với giá 50.000 bảng Anh vào năm 2020.

Sau đó là những món kỳ lạ. Chiếc răng của John Lennon, mà cựu thành viên The Beatle tặng cho quản gia của mình, đã được bán cho một nhà sưu tập người Canada với giá 19.000 bảng Anh.

"Nó đã được chuyển đến một nha sĩ. Tôi nghĩ ông này đã trưng bày nó trong phòng khám của mình" - Karen vui vẻ nói.

"Những người ở độ tuổi 40 tới 50 - những đứa trẻ ngày xưa đã lớn và có nhiều tiền hơn. Họ đang muốn mua lại tuổi trẻ của mình" - Karen, chủ hãng đấu giá Omega.

"Mua lại tuổi trẻ"

Paul, 43 tuổi và là một kế toán viên viên công chứng, bắt đầu mua đĩa than khi còn là một thiếu niên, thường xuyên lui tới các cửa hàng từ thiện bằng số tiền kiếm được từ công việc làm thêm cuối tuần. Còn Karen, 52 tuổi, là cựu cố vấn quản lý.

Omega sẽ không tồn tại nếu cặp đôi này không gặp một tai nạn suýt chết. Năm 2007, họ đã nghỉ phép ở công ty để đi du lịch ở Châu Phi. Paul bị thương nặng ở lưng và cổ khi chiếc xe buýt họ đi trượt khỏi sườn núi trong thời tiết ẩm ướt.

"Không có ai chết nhưng thật kinh khủng, mọi người bị thương rất nặng" - anh nói - "Tôi đã suýt chết". Anh được đưa bằng máy bay đến bệnh viện ở Nairobi và sau đó bay về nhà để hồi phục.

"Đó là lúc sực tỉnh" - Paul nói - "Tôi tự hỏi: Chúng ta muốn làm gì với cuộc sống của mình?"

Sự hoài niệm giúp kỷ vật gây "bão giá" - Ảnh 5.

Paul và Karen Fairweather với các vật phẩm trong bộ sưu tập của DJ Danny Baker

Anh buộc phải nghỉ ngơi 6 tháng trong khi chờ vết thương lành lại. Để đỡ nhàm chán, Paul mua và bán đĩa than trực tuyến. "Có một nhà đấu giá ở phía Nam bán đĩa than, và chúng tôi đột nhiên nghĩ: Khoan đã, chúng ta đang ở nơi mà The Beatles, The Smiths, Joy Division, New Order, tất cả những người đó, khởi đầu. Vậy mà không có gì ở đây cả".

Họ thành lập Omega và sau cuộc đấu giá đáng kể các kỷ vật của Alan Wilder nhóm Depeche Mode vào năm 2011, họ đã nghỉ hẳn công việc cũ.

Hiện tại, doanh nghiệp Omega có 10 người, bao gồm cả người định giá, ngồi tại các bàn làm việc được vây quanh là các chồng đĩa hát. Vậy khách hàng cốt lõi của họ là ai? "Những người ở độ tuổi 40 tới 50 - những đứa trẻ ngày xưa đã lớn và có nhiều tiền hơn" - Karen nói - "Họ đang muốn mua lại tuổi trẻ của mình".

Người mua ở nước ngoài chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng của Omega. Năm nay, công ty đã mở một phòng trưng bày thứ hai tại Rotterdam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Âu. Ngày càng có nhiều bảo tàng tới đấu giá với những người mua tư nhân, theo vợ chồng Fairweather.

Và như vậy, họ đã tận dụng sự hồi sinh của đĩa than và một thế hệ người hâm mộ có tiền để thỏa mãn sở thích hoài niệm của họ. Nhưng như tất cả những người đấu giá đều biết, các di vật chỉ có giá trị bằng số tiền người mua sẽ trả cho chúng. Mọi tác phẩm âm nhạc cuối cùng đều biến mất khỏi ký ức của người sống và các vật phẩm của họ sẽ giảm giá trị.

Paul thừa nhận rằng không phải thị trường nào cũng giữ được giá. "Thị trường dành cho những bản nhạc thập niên 1950 - Elvis, Eddie Cochran, Buddy Holly - vẫn còn đó đối với những bản nhạc hiếm" - anh cho biết - "Nhưng những bản thu âm và kỷ vật thông thường đã giảm giá trị. Một số nghệ sĩ của thập niên 1960 như Cliff Richard and the Shadows, Cilla Black cũng giảm dần giá trị".

Cũng theo Paul, các nghệ sĩ như Kate Bush và Fleetwood Mac "rất đáng sưu tầm" vì giống như The Beatles, họ thu hút những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số, thế hệ X, thế hệ Y và thế hệ Z. Paul dự đoán nhu cầu về những thứ liên quan đến Bowie sẽ tiếp tục duy trì trong vài thập kỷ nữa.

Cuối cùng, những món đồ được yêu thích tiếp theo trong danh mục là gì? Đồ sưu tầm liên quan đến các nghệ sĩ của thập niên 1990 như Blur. Và vé hòa nhạc cũng rất được ưa chuộng vì giờ đây, chúng đã bị mã QR thay thế, Karen nói. Chữ ký của Spice Girls cũng đang bán chạy. "Có thể là 200 bảng Anh cho một bộ. Vài năm trước, giá của chúng chỉ là 50 bảng Anh" - Paul nói.

Trường tồn và thay đổi

Lô hàng đắt nhất mà Omega từng bán là một bộ ảnh The Beatles của nhiếp ảnh gia Mike Mitchell, có bản quyền, được bán với giá 253.000 bảng Anh. Liệu những món đồ liên quan đến Tứ quái luôn có giá cao như vậy không?

"Tôi nghĩ là có" - Paul nói - "Mỗi thế hệ đều tìm về The Beatles, họ luôn mạnh mẽ như họ đã từng". Vậy liệu điều đó có bao gồm cả những chiếc răng bị nhổ bỏ của Lennon hay không? Điều này thì Paul không chắc.

An Bình (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›