(Thethaovanhoa.vn) - Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có lẽ nhiều người sẽ bị sốc khi cụm từ “giáo viên bị đánh” có gần 85 triệu kết quả, “bạo hành giáo viên” có gần 30 triệu kết quả trên Google - rất là cao. Trong khi đó, “nhớ ơn thầy cô” có gần 8 triệu kết quả, còn “tôn sư trọng đạo” có hơn 11 triệu kết quả.
- Chiếc 'giẻ rách' của một giáo viên tiếng Anh
- Tạm giữ phụ huynh đánh giáo viên mầm non nhập viện
- Xác minh vụ phụ huynh đánh giáo viên trong khuôn viên nhà trường
Thật vậy, việc cô giáo Xuân Mai (21 tuổi, Trường Mầm non Sen Hồng, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bị phụ huynh đánh đến thủng màng nhĩ đang gây chấn động dư luận tưởng là chuyện hiếm gặp, nhưng không ngờ lại phổ biến. Thật đau lòng, những cụm từ như “đánh cô giáo sảy thai”, “đánh giáo viên ngất xỉu”, “làm nhục giáo viên”, “hiếp dâm cô giáo”… lại có hàng triệu, hàng chục triệu kết quả.
Giải thích hiện tượng xấu này không hề dễ, chắc chắn phải cần đến nhiều chương trình cấp vĩ mô, trong đó có các điều tra xã hội học toàn diện thì mới mong thấu đáo phần nào. Nhưng qua tường thuật các vụ việc và lý do mà giáo viên bị đánh, có thể thấy thái độ ích kỷ của nhiều phụ huynh. Họ xem con cháu mình là “cành vàng lá ngọc”, còn người khác chỉ là “cỏ rác”, nên mới nghe con cháu nói bị giáo viên đánh hoặc bị kỷ luật, là kéo lên trường đánh lại giáo viên, mà không tìm hiểu rõ thực hư.
Đành rằng việc đánh học trò, giáo dục bằng roi bằng vọt đang trở nên lạc hậu, nên phần lớn các nền giáo dục hiện đại trên thế giới đã từ bỏ, đã nghiêm cấm áp dụng. Nhưng cũng phải lưu ý rằng trong các môi trường tập thể như trường học, nguyên tắc và kỷ luật vẫn là nền tảng để hoạt động, để phát triển. Khó có nền giáo dục nào mà sự tự do kiểu “vô chính phủ”, dân chủ kiểu “không giới hạn”… mà mang lại được thành tựu, ích lợi cho phần lớn người đi học. Nên khi gởi con cháu đến trường, thiết nghĩ phụ huynh cũng nên hình dung về điều này, bởi một lớp học vài chục đứa trẻ mà chỉ có 2-3 giáo viên quản lý sẽ rất khác 1-2 đứa trẻ được cưng chiều ở nhà.
Một điều tra giáo dục tại Trung Quốc cho thấy rằng những phụ huynh có khuynh hướng hành hung giáo viên cũng thường có khuynh hướng hành hung chính con cháu của họ. Nói khác đi, nhiều phụ huynh nghĩ rằng con cháu của họ thì họ được phép đánh đập, được tự do kỷ luật, trong khi nhà trường, giáo viên thì không. Nhiều giáo viên bị đánh oan do con cháu của họ thêu dệt vụ việc, ví dụ chơi xích đu bị té bầm chân cũng nói giáo viên đánh.
“Ở Việt Nam, từ giờ về sau, hiện tượng này sẽ ngày một nổi lên do nhiều yếu tố: Ý thức về xã hội tiêu dùng; tác hại của hành chính giáo dục quan liêu; trường học thiếu ứng phó; sự yếu kém của cải cách giáo dục” - nghiên cứu sinh về lịch sử giáo dục, ông Nguyễn Quốc Vương (ĐH Kanazawa, Nhật Bản) từng nhận định trên Zing.vn. Nghề giáo ngày trước vốn là nghề an toàn, khá nhẹ nhàng, thanh tao, giờ cũng gặp nhiều nguy hiểm.
Quan niệm “quân - sư - phụ”, nếu mở rộng các khái niệm này ra, ứng vào xã hội hiện đại, sẽ thấy đây vẫn có thể là 3 trụ cột lớn của một đất nước. Trong xã hội hiện đại, nếu quân đại diện cho hiến pháp - pháp luật, thì sư là cả nền giáo dục đào tạo, không chỉ ở nhà trường, mà toàn xã hội. Nếu “phụ” - đại diện cho gia đình - vì sự ích kỷ mà thiếu tôn sư trọng đạo, thì điều xấu sẽ còn xuất hiện nhiều trong giáo dục. Nó sẽ quay lại tác động xấu lên chính những người ích kỷ này.
Vô Ưu
Tags