Chúng ta đã quen với điệp khúc: "Truyền thông truyền thống đã lùi xa". Nhưng đó không phải là câu chuyện của radio.
Dù là một trong những phương thức truyền thông lâu đời nhất, từ những năm 1890, nhưng radio vẫn duy trì được lượng người nghe đài khá ổn định trong 10 năm qua. Trong khi đó, dịch vụ truyền hình trả phí (Pay TV), dù mới hơn nhưng đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh mẽ hơn.
Quay về năm 2009, 92% người Mỹ 12 tuổi trở lên nghe radio trong một tuần xác định, theo số liệu của công ty nghiên cứu Pew Research. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã giảm 10 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ người dùng dịch vụ truyền hình trả phí giảm đến 20 điểm phần trăm chỉ trong khoảng thời gian từ 2014-2023, theo công ty dữ liệu Statista. Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của MoffettNathanson cho biết ngành truyền hình trả phí đã sụt giảm ở tốc độ nhanh kỷ lục trong quý III năm ngoái.
Radio đã duy trì được "thế thượng phong" của mình so với nhiều phương thức truyền thông khác một phần vì khả năng dễ tiếp cận và ít rào cản về mặt chi phí. Hầu hết ô tô đều được trang bị thiết bị có thể nghe radio AM và FM mà không mất thêm chi phí nào khác. Theo số liệu của Statista từ năm 2022, đa số người Mỹ chọn nghe đài AM/FM hơn các hình thức giải trí khác trong lúc lái xe.
iHeartMedia, công ty truyền thông đại chúng đang kiểm soát 860 trạm thu phát sóng trên khắp nước Mỹ, mới đây cho biết đã thu hút được trung bình 250 triệu thính giả hàng tháng, mức phủ sóng rộng nhất trong số các đài phát thanh tại Mỹ.
Cũng như các phương thức truyền thông truyền thống khác, radio đang đối mặt với sự hiện diện ngày càng phổ biến của các hình thức âm thanh kỹ thuật số khác, như podcast (một loạt tập tin âm thanh số mà người dùng có thể tải về và nghe) và các nền tảng streaming (phát trực tiếp). Để thích ứng, các "ông lớn" trong mảng phát thanh như iHeartMedia và SiriusXM đã đưa podcast và các sản phẩm số vào mô hình kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, cũng giống truyền hình, radio đang đối mặt với những "cơn gió ngược" trong mảng quảng cáo, khi ngành này đang tìm cách phục hồi từ thời kỳ suy yếu do đại dịch COVID-19.
Công ty Guggenheim dự đoán doanh thu quảng cáo phát sóng của iHeartMedia sẽ giảm khoảng 23% trong cả năm 2023 so với năm 2019. Chuyên gia phân tích về truyền thông của Guggenheim, ông Curry Baker, cũng dự đoán doanh thu phát sóng của iHeartMedia nói riêng và ngành phát thanh nói chung sẽ "chững lại hoặc giảm xuống". Tuy nhiên, so với sự sụt giảm nhanh chóng của dịch vụ truyền hình trả tiền, thì radio vẫn đang thể hiện tốt trong bối cảnh suy yếu chung trong ngành truyền thông.
Một người phát ngôn của iHeartMedia cho biết thói quen nghe của người dùng đã thay đổi so với năm 2019, khi ngày càng có nhiều khách hàng chuyển sang nghe trên các nền tảng số. Xu hướng này đã đóng góp vào sự sụt giảm trong doanh thu quảng cáo từ hoạt động phát sóng.
Nhưng người phát ngôn của iHeartMedia lưu ý rằng tổng doanh thu của công ty này, bao gồm doanh thu quảng cáo từ cả các nền tảng kỹ thuật số và mảng phát sóng, đã tăng từ 948,3 triệu USD trong quý III/2019 lên 953 triệu USD trong quý III/2023.
Chính vì vậy, ông Baker cho biết một kỳ vọng đặt ra với các công ty phát thanh là có thể duy trì ổn định mảng phát thanh truyền thống, đồng thời tiếp tục phát triển mảng kỹ thuật số đến mức mà sự tăng trưởng của mảng kỹ thuật số có thể lấn át những áp lực cố hữu đối với hoạt động phát thanh. Theo chuyên gia này, nếu xu hướng này xảy ra, mảng kinh doanh kỹ thuật số sẽ vượt mảng phát thanh truyền thống trong 5-6 năm tới.
Tags