Thời tiết khắc nghiệt và khó lường chưa từng thấy đang giết chết mùa màng và tàn phá các đồn điền chè tại Trung Quốc.
Theo trang tin Sixth Tone, mùa hè năm ngoái đã gây ra cái nóng khắc nghiệt và hạn hán cho phần lớn Trung Quốc. Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp đã làm hồ Bà Dương - nằm ở phía tây bắc tỉnh Giang Tây là hồ nước ngọt lớn nhất nước này - bị thu hẹp lại, khiến mực nước của hồ giảm xuống mức thấp kỷ lục và nhanh chóng biến lòng hồ cạn nước trở thành một địa điểm du lịch. Ngay cả vùng tây nam Trung Quốc vốn nổi tiếng nhiều nước cũng phải đóng cửa các nhà máy thủy điện khi các đoạn sông Dương Tử cạn kiệt.
Chè - nạn nhân của biến đổi khí hậu
Ở tỉnh Chiết Giang, có thêm một nạn nhân: chè. Hạn hán kéo dài đã khiến các chủ đồn điền chè gần đó tuyệt vọng. Họ bắt đầu bơm nước từ hồ chứa để giữ cho cây của họ sống sót, rút cạn dòng nước đến mức nguy hiểm và đẩy nhanh quá trình bốc hơi của lượng nước còn lại.
Năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra một vụ mùa kém hơn, thất bát hơn bình thường. Giờ đây, một số nông dân và chuyên gia đang đặt câu hỏi rằng, liệu nắng nóng và hạn hán có đe dọa sự thống trị của các vùng sản xuất chè truyền thống tại Trung Quốc, bao gồm Chiết Giang, hay không.
Li Xin - nhà khoa học trồng chè hàng đầu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc - đã khảo sát các đồn điền chè trên khắp Trung Quốc. Ông nói rằng, hạn hán năm ngoái đã có tác động tàn phá đến chất lượng và sức khỏe của cây chè tại nước này. Hàng ngàn héc-ta chè đã chết khô. Một số cây khô đến nỗi chúng chuyển sang màu đỏ cháy.
Chen Chongmu - một nhà văn và chuyên gia lâu năm trong ngành chè - lặp lại lời nói của nhà khoa học Li, gọi vụ mùa năm nay là "cực kỳ kỳ lạ". Ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, Chen và nhóm của ông đã mất hơn một tuần để có thể thu hoạch những loại chè họ cần, một công việc thường chỉ mất hai ngày trong những năm trước.
Chen cho biết, vấn đề còn lớn hơn với các chủ đồn điền chè và nông dân. Tại một đồn điền ở vùng Tây Hồ của tỉnh Chiết Giang, chủ đồn điền đã thuê một nhóm người hái chè vào thời gian như thường lệ, nhưng lại phát hiện ra các cây chè của mình vẫn chưa sẵn sàng để thu hoạch. Nhưng tại một đồn điền chè khác, gần thị trấn Hoàng Sơn ở phía đông, lại có một vụ thu hoạch chè bội thu ngoài mong đợi, khiến chủ đồn điền phải rất vất vả mới tuyển đủ nhân công hái chè.
Theo trang tin Sixth Tone, Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2022, sản lượng chè đạt kỷ lục 3,35 triệu tấn, trong đó 375.000 tấn — trị giá khoảng 2,1 tỷ USD — được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, từ Mỹ đến Ghana.
Biến đổi khí hậu đang gây ra mối đe dọa hiện hữu cho mặt hàng xuất khẩu mang giá trị văn hóa nhất Trung Quốc này. Nhiệt độ tăng khiến cây chè tiết ra nhiều polyphenol hơn, dẫn đến chè đắng hơn, kém giá trị hơn. Và tại một thị trường vốn được xác định bởi địa lý, vì các loại chè được sản xuất cách nhau vài mét có giá bán rất khác nhau, các vùng trồng chè nổi tiếng nhất Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Li - nhà khoa học về chè - cho biết: "Chúng tôi đã bắt đầu thấy các vùng sản xuất chè chuyển dịch từ nam lên bắc và từ đông sang tây".
Chiết Giang - một trung tâm sản xuất và văn hóa chè của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ - đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Weng Liwen - một chủ đồn điền chè 51 tuổi ở Chiết Giang – cho biết, sản lượng chè năm nay thấp hơn đáng kể. Là nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chè, ông chưa bao giờ thấy thời tiết như thế này. Ông Weng nói: "Ngay cả những người già (dân làng) cũng gọi đây là sự kiện 'trăm năm có một'".
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với cây trồng rất khó dự đoán
Các sự kiện thời tiết cực đoan được dự báo sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai. Một nghiên cứu kéo dài sáu thập kỷ về dữ liệu nhiệt độ cho thấy, các đợt nắng nóng đang trở nên nóng hơn, xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn ở Trung Quốc.
Các quốc gia khác cũng phải đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. Kenya - nước xuất khẩu chè đen lớn nhất thế giới - đã trở nên quá nóng đối với việc trồng chè. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu dự đoán rằng, đến năm 2050, 25% diện tích trồng chè hiện tại của Kenya sẽ không còn phù hợp để sản xuất chè.
Nhà khoa học Li lưu ý rằng, nhiệt độ thấp bất thường vào mùa xuân năm nay đã làm chậm quá trình thu hoạch chè, nhưng cũng kích thích tiết ra axit amin trong lá chè, dẫn đến chè có vị ngọt hơn, dễ chịu hơn.
Theo các chuyên gia, vì nhiệt độ cực cao, hạn hán và lượng mưa sẽ trở nên thường xuyên hơn và khó dự đoán hơn, các vùng trồng chè sẽ phải thích nghi để tồn tại, và nên bắt đầu bằng việc xem xét lại các phương thức canh tác để ưu tiên khả năng thích ứng hơn là sản xuất thô.
Ví dụ, nông dân ở một số vùng của Trung Quốc đã tăng thu hoạch bằng cách cắt tỉa cây sát mặt đất mỗi năm. Nhưng những vết cắt mạnh như vậy sẽ làm suy yếu cây và làm hỏng đất.
Nhà khoa học Li nói: "Khi gặp thời tiết khắc nghiệt như năm ngoái, thiệt hại đối với những cây này là chúng có thể chết".
Giống cây trồng cũng quan trọng. Weng - một nông dân trồng chè - kể lại rằng, khi ông còn nhỏ, mọi người trong làng đều sử dụng các giống chè tự nhiên; nhưng giờ đây, các giống nhân bản vô tính năng suất cao đã phổ biến hơn nhiều. Những giống cây này có hệ thống rễ nông hơn, khiến chúng khó sống sót qua thời tiết khắc nghiệt.
"Hệ sinh thái của vùng núi đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta không thể tiếp tục hy sinh môi trường vì tiền. Một ngày nào đó tai họa sẽ ập xuống chúng ta", Weng nói.