(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 2019), nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật sẽ diễn ra trên cả nước, bắt đầu từ tuần này như ngày 24/4 tại tỉnh Điện Biên khai mạc đợt chiếu phim chào mừng. Cùng ngày tại Hà Nội, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, trong đó có trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề Dó Việt xưa - nay.
Hai sự kiện nói trên được xem là hoạt động văn hóa nổi bật của tuần này. Chúng cũng là các sự kiện nằm trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5 và 7/5.
Sống cùng lịch sử
Vào lúc 19h30 ngày 24/4 tại rạp chiếu phim Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, hai phim được chọn chiếu khai mạc là phim điện ảnh Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, và phim tài liệu Chuyện những người lính già của đạo diễn Dương Ngọc Hòa.
Các phim khác được chiếu trong đợt này gồm phim tài liệu Sông Gianh thương nhớ của Đào Đức Thanh, phim tài liệu Sống giữa yêu thương của Phan Huỳnh Trang, phim hoạt hình Truyền thuyết chiếc khăn piêu của Trần Khánh Duyên.
Phim Sống cùng lịch sử có kinh phí sản xuất 21 tỷ đồng, do nhà nước đầu tư, công chiếu năm 2014 để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim có cấu trúc kiểu sử thi, với mong muốn tái hiện 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm để đánh trận Điện Biên Phủ…; tái hiện hình ảnh các dũng sĩ vì nước quên thân như Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…; tái hiện mưu lược và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phim Chuyện những người lính già là hồi ức của những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua những câu chuyện của họ, người xem có thể hình dung được một phần diện mạo và tinh thần của người lính thới bấy giờ. Họ làm sao để được ra chiến trường, để chiến đấu can trường và đỉnh cao là đối diện với tướng Christian de Castries của quân đội Pháp.
Phim Truyền thuyết chiếc khăn piêu cũng có nhiều gắn bó với đất Điện Biên. Đó là câu chuyện chàng Dông (người Mường Thèng) và nàng Ban (người Mường La) yêu nhau, trong khi hai mường đang là kẻ thù không đội trời chung. Cuối cùng, chính tình yêu và chiếc khăn piêu của đôi tình nhân này đem lại hòa bình cho các mường.
Dó Việt xưa - nay
Vào lúc 15h ngày 24/4 tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ khai mạc trưng bày chủ đề Dó Việt xưa - nay. Mục đích chính là giới thiệu về chất liệu, cách thức chế tác, văn hóa phẩm và các sáng tác trên giấy dó. Sự kiện này dự kiến dài đến kết ngày 25/5/2019.
Tại đây, người quan tâm đến giấy dó sẽ có dịp giao lưu, trao đổi với các nghệ nhân và thợ thủ công từ các làng nghề như Dương Ổ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội)… Các nhà nghiên cứu, họa sĩ như Lê Đình Nghiên, Nguyễn Mạnh Đức, Đào Ngọc Hân, Đàm Quang Minh, Lý Trực Sơn... cũng đến chia sẻ những kinh nghiệm thực hành với giấy dó ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Thực tế, nghề làm giấy dó của người Việt ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt là in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm và in tranh dân gian. Đặc biệt, chất liệu này còn được dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Giai đoạn hiện đại, giấy dó truyền thống phần nào bị lấn át bởi các loại giấy khác. Thế nhưng trong những năm gần đấy, giấy dó bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật và dần lấy lại được vị thế trong văn hóa truyền thống của người Việt. Bởi thế, việc triển lãm và tôn vinh loại chất liệu truyền thống này là điều được những người yêu mến di sản trông đợi.
Như Hà - Sơn Tùng
Tags