(Thethaovanhoa.vn) - Lo lắng trước một số hiện tượng lệch chuẩn về văn hoá trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng và đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp cùng sự vào cuộc của toàn xã hội.
Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Phạm Tất Thắng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng của cử tri, dư luận cả nước trước biểu hiện xuống cấp, đáng lo ngại về văn hoá, đạo đức của một bộ phận dân cư, một bộ phận trong giới trẻ.
Tại sao giới trẻ lại tung hô Khá Bảnh, Phúc XO?
“Theo thống kê của Bộ Công an, số vụ bạo hành tại trường học hiện tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước đây. Gần đây chúng ta đã phải đau xót trước một số vụ trọng án mà đối tượng gây án là thanh niên. Đáng lo ngại hơn, có một số vụ trọng án biểu hiện sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức khi con, cháu giết ông, bà, cha mẹ, hoặc thảm sát cả gia đình”, ông Thắng nói. Đại biểu này cũng lo ngại trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội đã gây nên những biểu hiện lệch chuẩn về văn hoá, lối sống của một bộ phận trong giới trẻ.
Đại biểu Thắng nói: “Gần đây dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng phản ánh về những hiện tượng lệch chuẩn như trường hợp Khá Bảnh hay Phúc XO. Đây là những cá nhân có biểu hiện lệch chuẩn, có hành vi không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội nhưng lại được một bộ phận giới trẻ tung hô, được số lượng người theo dõi trên mạng rất lớn. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao giới trẻ lại quan tâm đến Khá Bảnh hay Phúc XO và liệu những hiện tượng lệch chuẩn đó có tác động gì tới đời sống văn hoá, xã hội, tới hành vi ứng xử, lối sống của giới trẻ?”. Một hiện tượng nữa về tôn giáo mà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội cho biết cử tri đặc biệt quan tâm là vụ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng gắn với việc gần đây có những hiện tượng lạ, xuất hiện nhiều cơ sở thờ tự mà người dân đến rất đông, không chỉ trong dịp lễ, tết, ngày nghỉ mà cả những ngày bình thường, người dân phải lao động sản xuất.
“Khi người dân quan tâm nhiều, lui tới nhiều, có niềm tin về tôn giáo một cách quá mức thì rõ ràng đó là những biểu hiện không ổn về mặt xã hội. Nên tôi cho rằng đây là một chỉ báo về mặt quản lý xã hội, chúng ta phải quan tâm”.
Từ gia đình tới xã hội...
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), một số vụ án nghiêm trọng, tàn bạo vừa qua đã khiến cho cử tri và nhân dân lo lắng, băn khoăn và cảm thấy bất an trước những nguy cơ rình rập, cần phải cảnh giác, đề phòng. “Nguyên nhân của vấn đề này, thứ nhất là do đạo đức của một bộ phận xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng. Thứ hai, có những yếu tố tác động đến con người, đạo đức, nhất là của giới trẻ. Đó là ma tuý, các chất gây nghiện và sự ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, khi các đối tượng, nhất là giới trẻ tiếp xúc với phim, ảnh có nội dung kích động bạo lực. Thứ ba, do việc giáo dục còn những kẽ hở, kể cả ở gia đình”, đại biểu Phương nói.
Cũng theo đại biểu này, muốn giải quyết được vấn đề trên cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết các cơ quan của Quốc hội phải rà soát lại các luật liên quan đến đạo đức, liên quan đến những vi phạm về đạo đức để sửa đổi, điều chỉnh pháp luật một cách nghiêm túc nhằm xử lý nghiêm, triệt để, từ đó mới cảnh báo, răn đe được các đối tượng vi phạm. Sau đó từ Chính phủ tới các Bộ, ngành phải quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về đạo đức.
- Đắng lòng Lệ Rơi và sự lệch chuẩn trên mạng
- Xuân Hinh: Cười cái lệch chuẩn của xã hội
- Quá nhiều tiếng Việt lệch chuẩn
“Ví dụ như Bộ GD&ĐT phải quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong quá trình giảng dậy. Bộ TT&TT phải tuyên truyền những hành vi đạo đức tốt theo tính chất nêu gương và cảnh báo người dân, nhất là giới trẻ nâng cao cảnh giác trước những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức, lối sống. Tại các gia đình, các bậc cha mẹ cũng thường xuyên phải giáo dục con em mình về đạo đức, lối sống, đồng thời cảnh báo về những hiện tượng lệch chuẩn văn hoá, những hành vi tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống trong xã hội. Một điểm nữa là chính quyền địa phương các cấp phải quan tâm chỉ đạo, xiết chặt vấn đề đạo đức, cảnh báo những hành vi vi phạm mà có thể gây nguy hại cho bản thân, gia đình, thôn xóm, làng, bản…”, đại biểu Phương nói.
Quốc hội tiếp tục tập trung vào công tác lập pháp Trong tuần này Quốc hội tiếp tục tập trung vào công tác lập pháp và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Cụ thể trong phiên họp ngày 27.5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận ở hội trường về vấn đề này. Trong các ngày tiếp theo, Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019… |
Thu Sâm (Báo Văn hóa)
Tags