Sự “phản công” của Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc: Sống chung với bố chồng đôi khi còn ác mộng hơn!

Thứ Sáu, 24/02/2023 18:25 GMT+7

Google News

Không cãi lại, Son mang ngay chai rượu ra như một lời thách thức với bố chồng. Nhiều người hỏi không hiểu Son vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân này là vì cái gì?

Trong những tập gần đây của bộ phim Dưới bóng cây hạnh phúc khán giả thương nàng dâu Son bao nhiêu thì càng chán ngán với gia đình chồng cô bấy nhiêu. Nhiều người tự hỏi: Chẳng nhẽ sống chung với bố chồng còn kinh khủng hơn cả sống chung với mẹ chồng?

Khi những ông bố chồng khó tính, hà khắc không chỉ tồn tại trong phim

Son là nàng dâu hiền lành, nhẫn nhịn, luôn cố gắng chu toàn phụng dưỡng bố chồng và chăm lo cho gia đình nhà chồng nhưng cô không nhận được sự cảm thông thấu hiểu từ bất cứ ai, kể cả chồng mình.

Ông Công là một ông bố chồng khó tính, hà khắc và gia trưởng. Dù thâm tâm ông vẫn luôn nghĩ đến các con nhưng cách cư xử của ông đối với con dâu vẫn khiến khán giả bức xúc. Ông Công là tuýp người điển hình nặng tư tưởng xưa cũ, cổ hủ khi mặc định việc con dâu hi sinh cho gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ.

Quá bức xúc và uất ức dồn nén, Son đi uống rượu với bạn thân để được giải tỏa và rồi cô bị bố chồng mắng “hư hỏng”, thậm chí ông Công còn lôi cả nhà thông gia ra để mắng nhiếc, bắt con trai mình gọi bố mẹ vợ đón con gái về dạy lại.

Sự “phản công” của Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc: Sống chung với bố chồng đôi khi còn ác mộng hơn! - Ảnh 2.

Ông Công còn lôi cả nhà thông gia ra để mắng nhiếc, bắt con trai mình gọi bố mẹ vợ đón con gái về dạy lại.

Ông khó chịu khi con dâu được bố mẹ đẻ gửi thực phẩm sạch lên dù ông cũng là người cùng dùng. Son có làm tốt đến mấy cũng không vừa mắt ông. Những chuyện lông gà vỏ tỏi nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật tạo ra rất nhiều truyền thuyết đáng sợ về mẹ chồng – nàng dâu. Cho đến khi xem Dưới bóng cây hạnh phúc, người ta mới hỏi nhau: Đến bao giờ phụ nữ mới được hạnh phúc thật sự khi cứ cố gắng mãi mà không được đáp lại?

Nếu hành động vạch tội cả nhà chồng sau hôm say của Son là giọt nước tràn ly, là tức nước vỡ bờ thì trong tập 24, cô phản kháng mạnh mẽ hơn.

"Lần trước, bố mẹ chị biết chị vụng dại, không xứng với Đạt nhà tôi nên suốt ngày quà cáp này nọ để bù đắp. Chị đã không làm được gì tốt, đừng để bố mẹ chị xấu mặt", ông Công vẫn buông lời cay nghiệt trước mặt bạn thân của con dâu.

Không cãi lại, Son mang ngay chai rượu ra như một lời thách thức với bố chồng. Nhiều người hỏi không hiểu Son vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân này là vì cái gì?

Nhiều khán giả đồng cảm với cô Son trong phim. Họ thấy mỗi nhân vật đều rất đời, không hề có chút phóng đại kể cả ông Công – bố chồng nhiều antifan tại thời điểm này.

Vẫn có những ông bố chồng khắc nghiệt, khó tính hơn mẹ chồng tồn tại ngoài đời thật. Đôi khi mẹ chồng – nàng dâu cùng là phụ nữ dù có những mâu thuẫn bất hòa nhưng cũng sẽ dễ trao đổi với nhau hơn. Còn giữa bố chồng và nàng dâu có khá nhiều sự khác biệt khó để mở lời: khác giới, khác lối tư duy suy nghĩ, khác vị thế trong gia đình…

Sự “phản công” của Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc: Sống chung với bố chồng đôi khi còn ác mộng hơn! - Ảnh 3.

Nhiều khán giả đồng cảm với cô Son trong phim.

Cách ứng xử thông minh khi sống chung cùng bố chồng

Những ấm ức mà con dâu phải chịu với ông bố chồng khó tính thường căng thẳng hơn mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhiều ông bố chồng luôn bật chế độ "soi" con dâu từ những việc nhỏ nhất không kém gì mẹ chồng. Có thể tâm ông không xấu nhưng ông bị nặng định kiến, quan điểm sống bó hẹp, cổ hủ và nặng danh dự, sĩ diện.

Đáng sợ hơn nữa là những ông bố chồng gia trưởng, độc đoán luôn áp đặt: "lấy chồng lo việc nhà chồng", “dâu hư gọi thông gia về dạy lại”. Hay việc áp đặt con dâu phải sinh con trai để nối dõi, phải tha thứ và chấp nhận những sai lầm của chồng… Vậy làm thế nào để các nàng dâu chống chọi được với “bão tố”?

Sống đúng mực và thể hiện quan điểm riêng ngay từ ngày đầu chung sống

Đừng dại dột mà trở thành cô Son thứ 2 khi nghĩ chỉ cần chiều cả nhà chồng là sẽ được yêu quý. Là nàng dâu thông minh cần sự tinh tế và khéo léo bằng cách: thể hiện quan điểm, vị thế của mình ngay từ ngày đầu về chung sống.

Trường hợp bạn cảm thấy khó có thể hòa hợp khi sống chung mái nhà, bạn nên chủ động bàn bạc kỹ lưỡng với chồng và nhờ chồng đưa ý kiến với bố mẹ về quyết định ở riêng. Quan trọng là luôn làm tròn trách nhiệm, chú ý thái độ và lời nói tôn trọng với người bề trên.

Sự “phản công” của Son trong Dưới bóng cây hạnh phúc: Sống chung với bố chồng đôi khi còn ác mộng hơn! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Rút ngắn khoảng cách bố chồng – con dâu

Cách tốt nhất để cải thiện một mối quan hệ là tương tác nhiều hơn. Bạn có thể tận dụng những lúc cả gia đình ăn cơm hoặc trò chuyện để hỏi bố chồng về vài vấn đề chuyên môn ông có thể biết. Tâm lý đàn ông rất thích được khen, được coi là trung tâm… Đó cũng là cơ hội để bố chồng được dịp thể hiện trước cả nhà, cho ông cảm giác được con cái tôn trọng, đề cao ý kiến.

Có thể qua khoảng thời gian chia sẻ kinh nghiệm này, bố chồng sẽ hiểu hơn về bạn, hiểu được điều tốt đẹp mà bạn đang cố gắng thực hiện. Trong chiều hướng tốt hơn, bạn có thể sẽ lật ngược tình huống, bởi bố chồng đã nhận ra rằng con dâu là người có trí thức, hiểu biết lễ nghĩa, ông sẽ muốn trao đổi, bàn luận cùng bạn nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.

Nhưng hãy cố gắng, hãy vun vén khi bạn thấy nó thực sự xứng đáng. Đừng phí hoài sức lực và tâm huyết một cách mù quáng để nhận về những đau khổ, bất công.

VV

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›