(Thethaovanhoa.vn) - Được tặng cuốn hồi ký Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ, tôi đọc miệt mài cuốn sách trong cảm xúc liền mạch. Nhân vật chính trong cuốn hồi ký là Kamala Harris - một nữ chính trị gia, luật sư, nữ quan chức cấp cao người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên đảm nhận chức vụ Phó Tổng thống Hoa Kỳ…
Cuốn sách dày 368 trang, khổ 15x23 do Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt mua bản quyền và NXB Dân trí ấn hành năm 2021. Kết cấu cuốn sách gồm 10 chương và 1 phụ bản. Sách được xuất bản lần đầu tại Mỹ vào đầu năm 2019. Hẳn bạn đọc khi cầm cuốn sách trên tay muốn tìm hiểu về đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Trân trọng mục đích Tân Việt phát hành cuốn sách, ngoài việc phục vụ chính trị, nó còn là cuốn sách của những gương sáng tự lực. Tôi đọc cuốn sách cũng với cảm xúc đó. Không là ngoại lệ như mọi bạn đọc, tôi đọc theo cách của mình để trả lời những điều mình quan tâm về yếu tố địa văn hóa tác động? Những ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến quá trình hình thành nhân cách, tố chất bản thân, phẩm tính con người từ gia đình, môi trường sống? Sự tiếp nhận tri thức? Niềm đam mê, khát vọng cống hiến của một nữ chính khách cấp cao? Người đàn ông của người phụ nữ thành đạt?...
“Gửi người chồng thân thương...”
Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự chân thực khi Kamala chọn thể ký để viết hồi ký cuộc đời mình. Cuốn sách cuốn hút tôi từ trang đầu tiên với lời đề từ dễ thương, đằm thắm dành cho người đàn ông của mình: “Gửi người chồng thân thương: Cảm ơn anh đã luôn kiên nhẫn, yêu thương, ủng hộ và dịu dàng với em. Và hơn tất cả, cảm ơn vì sự hài hước của anh”.
Người phụ nữ chính khách thật khôn ngoan, dịu dàng, bé bỏng… Tôi ấn tượng về cách Kamala Harris mở lòng mình một cách chân thực, nữ tính đằm thắm yêu thương.
Mải mê công việc, chạm tuổi 40 việc hẹn hò là điều không dễ dàng. Kamala quá hiểu một người phụ nữ độc thân xuất hiện bên cạnh một người đàn ông trong các sự kiện dễ là chủ đề luận bàn. Việc tìm “một nửa kia” với một nữ chính khách độc thân rất khác đàn ông trong chính trường. Vì thế, trong suốt nhiều năm Kamala Harris “đã tách biệt cuộc sống cá nhân của mình với sự nghiệp”…
Và cơ duyên đã đưa Doug đến bên Kamala Harris. Doug Emhoff sinh ngày 13/10/1964, là Giám đốc Công ty Luật, đã từng kết hôn và có 2 đứa con… Họ đã có những cuộc hẹn hò lãng mạn và thú vị. Những cuộc điện thoại nhỡ, những lần khắc khoải mong chờ, những tin nhắn đầy thêm cho một mối qua hệ mới “Xin chào! Tôi là Doug. Tôi chỉ muốn gửi lời chào đến cô thôi”, “Tôi thực sự thích cô và muốn chúng ta tiến xa hơn”, “Sáng hôm đó anh dậy sớm vì có cuộc họp sớm. Và khi đang lái xe đi làm, anh cứ nghĩ mãi về em. Bây giờ là 8h30, còn quá sớm để gọi cho cô ấy. Gọi điện giờ này thì buồn cười quá. Đừng làm như thế. Đừng. Đừng gọi cho cô ấy. Đừng làm thế. Và sau đó, tôi không, mình vừa bấm số của cô ấy và ôi chuông đang reo…”…
Doug tỏ tình thật dễ thương. Doug quỳ một chân xuống trước Harris với chiếc nhẫn bạch kim đính kim cương trước Ponte Vecchio ở Florence: “Anh muốn sống với em đến cuối đời”… Kamala bật khóc vì hạnh phúc. Họ đã kết hôn vào thứ Sáu ngày 22/8/2014. Nghi lễ cưới phù hợp với gốc gác Ấn Độ và Do Thái. Kamala quàng lên cổ Doug một vòng hoa và anh ấy dậm chân lên một chiếc ly…
Từ khi có Doug, dẫu bận mấy Kamala luôn giữ thói quen ăn tối cùng gia đình vào Chủ nhật. Họ đã ở bên nhau những năm tháng xiết bao hạnh phúc. Dẫu gặp nhau khá muộn mằn, nhưng ý nghĩa của tình yêu thì lớn hơn rất nhiều. Yêu thương, chia sẻ thì luôn mãi thanh xuân…
Tôi sẽ không viết thêm về mối tình của họ, mà để dành cho mọi người đọc kỹ hơn. Chỉ biết rằng lời đề từ trang đầu cuốn sách, nữ Phó Tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho “nửa của mình”.
Từ chiếc nôi gia đình
Những hồi ức của Kamala Harris được kể bằng câu chuyện hết sức chân thực, giản dị, ấm áp về gia đình, bạn bè, công việc... đặc biệt là người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến bà.
Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, Califonia trong một gia đình trí thức. Nữ Phó Tổng thống Mỹ là kết quả tình yêu, hợp huyết từ 2 châu lục xa xôi: Jamaica quê cha và Ấn Độ quê mẹ.
Cha Kamala là ông Donald Harris sinh năm 1938, là sinh viên xuất sắc nhập cư vào Mỹ từ khi vào học Đại học Califonia tại Berkeley. Ông học ngành kinh tế và là giáo sư danh dự dạy môn kinh tế tại Stanford.
Mẹ Kamala là Shyamala Gopalan sinh ra ở miền Đông Ấn Độ. Bà tốt nghiệp Đại học Delhi năm 19 tuổi. Không dừng ở đó, năm 1958 bà đến Trường Đại học Berkeley học sau đại học về dinh dưỡng và nội tiết. Là một sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu khoa học bà đã trở thành một nhà nghiên cứu về ung thư vú. Năm 25 tuổi bà nhận bằng tiến sĩ.
Bà Shyamala Gopalan dự định học xong sẽ quay trở lại Ấn Độ, nhưng bà đã gặp chàng trai Jamaica và cuộc đời đã “lập trình” để trở thành công dân Mỹ. Ông mến phục sự thông minh, ủng hộ bà làm khoa học và cùng chí hướng tham gia phong trào dân quyền. Kết quả tình yêu của ông bà là 2 cô con gái thông minh. Năm 25 bà nhận bằng tiến sĩ và cũng là năm sinh Kamala. Kamala nghĩa là “hoa sen” và cũng một tên khác của nữ thần Lakshmi trong Hindu giáo. Mẹ Kamala Harris đã chọn đặt cái tên ý nghĩa gắn với nguồn cội văn hóa Ấn Độ cho cô con gái đầu lòng với niềm tự hào và kỳ vọng. Sau đó 2 năm, bà sinh cô con gái thứ hai - Maya...
Kamala ảnh hưởng từ người mẹ Ấn Độ rất lớn: “Bà là người chịu trách nhiệm chính trong việc định hình chúng tôi thành những người phụ nữ mà chúng tôi trở thành sau này. Mẹ tôi thật phi thường. Bà cao chưa đến 155cm, nhưng tôi cảm thấy bà cao đến 180cm”. Bà đặt ra 2 mục tiêu rõ ràng: Nuôi dạy 2 con gái; chấm dứt bệnh ung thư vú. Kamala thừa hưởng từ bà sự thông minh, cứng rắn, quyết liệt, trung thành… Bà vui tính, cởi mở, đặt niềm tin, kỳ vọng và truyền cho các con nguồn năng lượng quý báu. Với các con, lúc nào bà cũng xòe đôi cánh thiên thần che chở.
Kamala hiểu mẹ đã làm tất cả những gì cho 2 đứa con của mình. Sự cần cù của người mẹ châu Á hiện hữu trong cuộc sống. Trước khi đến phòng nghiên cứu, bữa sáng tươm tất đã chuẩn bị cho con. Kamala hiểu những điều giản dị, ấm áp mẹ dành cho mình rằng “nếu bạn làm việc chăm chỉ và ngay thẳng thì con cái bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn bạn. Chúng tôi không giàu có về tài chính, nhưng giá trị chúng tôi mang đến là một của cải”… Bà luôn nhắc các con khoản đầu tư thông minh. Kamala biết mục tiêu của mẹ còn lớn hơn thế. Bà nuôi ước mơ có một ngôi nhà bình yên cho con cái từ lúc nhỏ và phải nhiều năm sau mới có tiền đặt cọc nhà… Kamala sung sướng khoe với bè bạn “Đây là nhà của tớ”…
Tháng 2/2009, mẹ Kamala qua đời để lại khoảng trống rất lớn cho con gái. Năm sau, Kamala bước vào chiến dịch cam go dài hơi mới bắt đầu. Kamala nghĩ nhiều đến mẹ. Cuộc bầu cử này có ý nghĩa rất lớn với mẹ: “Tôi ước gì mẹ có thể tận mắt chứng kiến”…
Kamala khắc ghi câu nói yêu thích của mẹ như phương châm ứng xử trong cuộc đời mình: “Đừng để người khác nói cho con biết con là ai. Con hãy cho họ biết con là ai”.
Kamala đã học được từ gia đình, từ mẹ để trở thành người phụ nữ bản lĩnh, chính trực, giàu lòng nhân hậu, luôn hành động vì sự công bằng của xã hội…
- Nhà văn Mỹ George Saunders đoạt giải Man Booker 2017
- Tan biến nỗi sợ các nhà văn Mỹ thống trị giải Man Booker
- Ra mắt cuốn "Một thành phố rồng thiêng" của nhà văn Mỹ Jim Goodman
Câu chuyện từ cuộc sống
Là cuốn hồi ký của một nữ chính khách, một nhà lãnh đạo chính trị quyền lực của Hoa Kỳ, nhưng bạn đọc không có cảm giác khô khan bởi những vấn đề chính trị. Câu chuyện được kể hết sức chân thực như chính tác giả khẳng định đây không phải cương lĩnh chính trị, càng không phải danh sách liệt lê những điều phải làm, mà đây là những câu chuyện từ cuộc sống của chính mình và những người Kamala đã gặp. Có thể nói đây là một cuốn sách lôi cuốn, mang đến cái nhìn sâu sắc về những tác động mà cuộc đời của Harris mang đến cho xã hội Mỹ.
Cuốn hồi ký vì thế sẽ mang đậm tính cá nhân của một phụ nữ da màu quyền lực, con gái của những người dân nhập cư kể lại câu chuyện của chính mình và mang tới hy vọng cho tương lai của nước Mỹ.
Cuốn sách sẽ thỏa mãn cho những ai muốn tìm hiểu chân dung một công tố viên cứng rắn, một chính khách Kamala Harris... Qua hồi ký này, Kamala Haris đã cho thấy không chỉ là một chính khách, một công tố viên cứng rắn… mà bà còn thể hiện tư chất thông minh, tố chất của một nhà văn.
Tôi thực sự xúc động khi đọc lời cảm ơn của Kamala cuối cuốn sách: “Cuốn sách này là lời tri ân để con thể hiện sự trân trọng của con dành cho mọi người. Cuộc đời con đã được mọi người định hình nên. Mọi người thực sự quan trọng với con. Mẹ ơi, mẹ là tâm điểm của cuốn sách này vì mẹ là lý do cho tất cả. Đã gần 10 năm kể từ ngày mẹ ra đi, con đã nhớ mẹ rất nhiều. Con vẫn chưa thể quen cuộc sống không có mẹ. Nhưng con tin mẹ đang dõi theo chúng con. Mỗi khi con đối mặt với một quyết định khó khăn con tự hỏi và nghĩ mẹ vẫn đang hiện diện ở đây. Con thật sự hy vọng cuốn sách sẽ giúp những người chưa bao giờ gặp mẹ hiểu được mẹ là người thế nào. Là Shyamala Harris thì sẽ ra sao. Và là con gái của bà thì sẽ ra sao”.
Sự thật ta nắm giữ - Một hành trình xuyên nước Mỹ là cuốn sách rất nên đọc. Bạn sẽ tìm thấy "nhiều trong một" ở nữ Phó Tổng thống thứ 49 của Mỹ thông minh, giàu nội lực, bản lĩnh, sự quyết đoán… Bạn cũng sẽ tìm thấy trong đó sự đằm thắm, dịu dàng, chân thành của một người phụ nữ, một người vợ. Bạn cũng sẽ tìm thấy yếu tố văn hóa của con người hợp huyết 2 châu lục xa xôi. Bạn sẽ không thất vọng khi phụ nữ đang yêu ở tuổi 20 hay 50 vẫn cứ xanh bền không tuổi như thế...
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Tags