(Thethaovanhoa.vn) - Hôm rồi, cậu em đồng nghiệp chia sẻ một câu chuyện tưởng như rất bình thường. Ấy là khi cậu vừa nhặt được điện thoại rơi ra từ một người phụ nữ đi xe phía trước, thì ngay lập tức có một người đàn ông chạy đến và nhận là của mình.
Rất cảnh giác trước hiện tượng nhận vơ để hôi của, cậu em lột mặt nạ người đàn ông ấy bằng những câu hỏi mà ông ta chỉ có thể ấp úng và lúng túng khi trả lời, khi bị hỏi về những chi tiết có liên quan đến chiếc điện thoại ấy. Cuối cùng, chiếc điện thoại cũng đã trở về với chủ nhân của nó, khi cậu liên lạc được với người chồng của chủ nhân chiếc điện thoại.
Những chuyện như thế bây giờ hóa ra nhiều lắm, có vẻ như chẳng có gì to tát, vậy mà đáng suy nghĩ về thế thái nhân tình. Bởi từ lâu đã có không ít những câu chuyện được kể về việc kẻ xấu dựng cảnh đánh rơi điện thoại hay đánh rơi ví để cướp, cho thấy chúng lợi dụng lòng tham, sự tò mò và cả lòng tốt của người nhặt được của cho mục đích xấu.
Tôi tin rằng, ở xã hội mình, người tốt luôn nhiều hơn những kẻ xấu. Những người nhặt được đồ và tìm cách trả lại cho người mất như cậu em đồng nghiệp không ít.
Báo chí mới đây xôn xao về việc một sinh viên Đại học Điện lực chạy Grab bike trả lại 320 triệu đồng cho một khách đi xe bỏ quên. Và nữa, ở Đồng Nai, hai chị em nghèo đã trao 14 triệu đồng họ nhặt được. Họ là những tấm gương sáng về sự trung thực và tử tế đang bị mai một trong xã hội này, vì đôi khi, làm việc tốt cũng có thể khiến người ta gặp rủi ro, và nhiều người cho rằng, trung thực là “dại”.
Khi bạn nghĩ rằng, thứ mà bạn vô tình nhặt được thuộc về một ai đó chẳng may đánh rơi, mà người đó chắc chắn sẽ rất buồn, thậm chí đau khổ đến cùng cực khi phát hiện ra chúng đã rơi đâu đó và chưa chắc đã tìm lại được, lương tâm sẽ nói với bạn rằng, bạn cần tìm người đó để trao lại cho họ.
Nhưng nếu trong khoảnh khắc ấy, trong bạn nổi lên lòng tham, bạn chắc cũng sẽ làm như không có gì xảy ra: hoặc lấy số tiền đã có trong ví, xài tất cả những gì có thể xài được (và vứt đi những thứ không dùng được), hoặc nhận vơ là đồ của mình như người đàn ông đã nhắc đến ở đầu bài này, hay đơn giản hơn, là bắt khổ chủ phải chuộc.
Tiếc thay, những hành vi như thế ngày càng gia tăng. Đã tồn tại một quan niệm xấu lệch chuẩn (chẳng hạn ăn cơm bụi mà thấy trong đĩa rau có con sâu chết thì kiểu gì cũng nói đấy mới là sau sạch), rằng của rơi chính là “của trời cho”, tội gì mà không kiếm chác, rằng tiền rơi tiền vãi là “lộc”, tại sao phải chối từ. Và khi những hành vi ấy được nhân lên ở mức cao hơn nữa, không phải vì vài triệu, mà nhiều hơn nữa thế nữa, lặp đi lặp lại nhiều lần thì đấy là tội ác.
Tôi đọc tin về cậu sinh viên chạy xe ôm trả lại 320 triệu đồng đang ở trọ trong căn phòng 10 mét vuông và sau đó đọc những dòng tin về những cảnh sát và thanh tra giao thông “gom” tiền của các chủ phương tiện trên sông Đồng Nai mà thấy bức xúc. Và những chuyện “nhặt của rơi” như thế từ các nhân viên công quyền, quan chức hiện nay khá nhiều.
Khi người ta ca ngợi những tấm gương người tốt việc tốt, lòng trung thực của sinh viên, người dân nghèo, nhưng những người thuộc cơ quan công quyền đáng lý phải “mẫn cán” thì lại làm điều phi pháp ngược lại với lòng trung thực như các công an, thanh tra giao thông nêu trên. Đó là điều đáng buồn của xã hội chúng ta…
Trương Anh Ngọc
Tags