(Thethaovanhoa.vn) - LTS: “Với những bài xẩm mới mang hơi thở thời đại, cho dù có tạo một không gian gần gũi với người nghe đương thời, từ âm nhạc và lời ca, thì vẫn phải đậm chất xẩm, vẫn là những câu xẩm nối dài từ truyền thống”. Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người vừa cho ra mắt album xẩm Trách ông nguyệt lão. Bài viết của anh dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã cho thấy “tôn chỉ” làm xẩm của anh và nhóm Xẩm Hà Thành, có lẽ nhờ đó mà họ đã góp phần tạo nên sức bật cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Không có loại hình nghệ thuật nào được sinh ra từ đời sống mà lại tự nhiên mất đi mà không có lý do, kể cả khi nó thuộc về quá khứ. Nghệ thuật truyền thống chỉ mất đi khi nó không có sự đón nhận của cộng đồng từ các yếu tố môi trường, khán giả và nghệ sĩ. Trong đó yếu tố nghệ sĩ và sự sáng tạo hết sức quan trọng. Nó quyết định sự thăng hay trầm của nghệ thuật.
Đi cùng thời đại
Ngay từ ngày đầu khi cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa sáng lập nhóm Xẩm Hà Thành, chúng tôi cũng đã có quan điểm phải thổi hơi thở mới mang tính thời đại cho những câu xẩm. Chỉ có con đường như vậy, mới mong xẩm được đón nhận ở đời sống hôm nay một cách đúng nghĩa. Tức là, người đi xem hát xẩm là để thưởng thức, không phải đến với tâm thế của một người nghe vì trách nhiệm với truyền thống, với di sản dân tộc mà cần phải nâng niu, trân trọng và cùng góp phần vào việc bảo tồn. Nếu chỉ như vậy sẽ thật nguy, vì vô hình trung, di sản đã bị đóng băng.
Cũng từ suy nghĩ ấy mà hàng loạt các vấn đề thời sự được đưa vào xẩm trong những năm qua thông qua các tác phẩm của nhóm như Bài Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển ra mắt năm 2014 khi vấn đề biển đảo đang nóng; Xẩm Trà đá năm 2015 đề cập trực diện vào một số tồn tại của xã hội như ý thức nơi công cộng, nạn chặn gỗ phá rừng, rồi nạn bạo hành, buôn bán trẻ em… tới năm 2016 tiếp tục ra mắt Xẩm Đường lưỡi bò lên án yêu sách vô lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn trên Biển Đông…
Rồi cũng từ suy nghĩ ấy mà những vẻ đẹp khó cưỡng lại của những loài hoa ứng theo mỗi mùa của Hà Nội đang làm say đắm biết bao người cũng được đưa vào xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội một cách tươi mới và vẫn ngập tràn sắc màu truyền thống; hay những nét ẩm thực đặc trưng của Hà Nội, gần gũi với mọi lớp người nơi đây từ trong quá khứ tới hiện tại như phở, bún chả, bún đậu và bánh tôm cũng được đưa vào một cách đầy tự hào trong bài xẩm Tứ vị Hà thành.
Không chỉ có những đề tài mang tính thời sự, tôn vinh nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người mà nhóm Xẩm Hà Thành còn tự làm giàu “vốn” bài của mình bằng cách sáng tạo nhiều bài xẩm mới về đề tài tình yêu như: Trách ông Nguyệt Lão, Duyên phận tơ vòng, Ơ này em gì đấy ơi… hay lồng điệu xẩm vào những bài thơ phù hợp như Thôi em cứ việc lấy chồng (thơ Hồng Thanh Quang), Chồng say (thơ Nguyễn Quang Hưng)… Và đã thành thói quen từ nhiều năm nay, cứ hễ Xẩm Hà Thành “tung” bài mới nào ra, đều có may mắn được công chúng đón nhận.
“Tăng cường” hơi thở mới
Đề tài mới mang tính thời đại là một yếu tố quan trọng, thêm một yếu tố nữa cũng không thể bỏ qua đó là tính chất âm nhạc. Khác hẳn với cách nghe của khán giả từ 100 năm hay 50 năm trước, giờ đây khán giả có nhu cầu nghe như thế nào, nhịp điệu ra làm sao cũng là một vấn đề mà khi sáng tác những bài xẩm hơi thở mới nhóm Xẩm Hà Thành tính đến.
Và vì thế, với những bài mang tính tươi vui, rộn ràng toát lên tinh thần lạc quan, yêu quê hương, đất nước con người thì nhóm khai thác tiết tấu của những điệu xẩm vui, đồng thời có nhiều khi đẩy nhanh hơn nữa tiết tấu để tạo hơi thở âm nhạc phù hợp.
Thậm chí, có những thử nghiệm còn cho thêm những chất liệu dân gian khác vào, chẳng hạn như trong bài xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội có đoạn đồng dao được đọc với tiết nhịp nhanh, tạo một âm hưởng rất tương đồng với rap mà giới trẻ đang nghe hiện nay.
Hay khai thác nhiều yếu tố dí dỏm đặc trưng của xẩm và đặt vào những thời điểm hợp lý trong một số tác phẩm. Chẳng hạn như trong bài Tứ vị Hà thành, người nghe đang hòa mình vào với điệu xẩm tàu điện chuẩn mực dù phần lời ca và cách trình bày cũng đã pha chút dí dỏm, nhưng bỗng nhiên xuất hiện một giọng nữ cao- rất chua thốt lên hai từ “Mắm tôm” hai lần liên tiếp khiến người nghe vừa ngỡ ngàng, thậm chí có thể phát phì cười. Ngay khi khán giả chưa định thần thì câu nhạc dạo lưu không của điệu xẩm vang lên và không lâu sau đó, khán giả mới biết, hóa ra, đó là báo hiệu của món bún đậu dân dã của đường phố Hà Nội: “Bún đậu phải có mắm tôm/ Phải thêm húng Láng, tía tô, kinh giới vào…”.
Đôi khi, trong những bài xẩm, nhất là bài xẩm dài kể nhiều đoạn chuyện khác nhau, sẽ thêm những đoạn chen, tán tỉnh của anh chàng xẩm với cô gái xinh đẹp. Chẳng hạn như ngay đầu bài Xẩm Trà đá đã xuất hiện anh nghệ sĩ bất đắc dĩ, tán cô chủ quán trà cóc: “Này này cô em xinh tươi/ Cho anh đây một chén trà/ Trà xanh hơi ấm như làn môi em/ Trà mà em cất hôm qua/ Để hôm nay anh uống/ cho say men nồng”. Chưa hết, anh xẩm tiếp tục tán tỉnh mạnh dạn hơn: “Ghé miệng nhấp miếng trà thơm/ Vương vương hơi ấm anh mơ mộng nhiều”. Nhưng ngay sau đó, anh bạn xẩm khác nhắc nhở và câu chuyện chính thức của Xẩm Trà đá mới được bắt đầu. Thậm chí, khi sáng tạo Xẩm Hà Thành cũng chẳng ngần ngại chọn chủ đề phù hợp với xu hướng nghe của giới trẻ hiện nay, chẳng hạn như bài xẩm rất mới Ơ này em gì đấy ơi.
Luôn đi đúng “đường ray”
Nói như vậy không có nghĩa, với nghệ thuật truyền thống muốn làm gì, khai thác gì, thay đổi thế nào cũng có thể được chấp nhận. Ranh giới giữa sáng tạo tiếp nối và phá giá trị truyền thống là hết sức mong manh.
Trên thực tế, để có thể sáng tạo thêm những yếu tố mới mang hơi thở thời đại vào trong một tác phẩm thuộc nghệ thuật truyền thống là điều không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người sáng tạo phải trải qua một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và nắm được tương đối kỹ về mỗi một nghệ thuật mà họ tham gia sáng tạo, để rồi những điều đó sẽ tựa như một đường ray chuẩn mực, dù sáng tạo thế nào, đi nhanh hay chậm, đi xa hay gần, sáng tạo ít hay nhiều thì nó vẫn hoàn toàn nằm trên đường ray cơ bản ấy. Nếu không như vậy, nó sẽ trở thành một thứ âm nhạc na ná với cái gốc mà không thể coi là gốc, hoặc có thể trở thành một tác phẩm phát triển khai thác chất liệu của nghệ thuật truyền thống, thậm chí nó chuyển sang hẳn một thể loại khác kiểu như âm nhạc đương đại.
Với những bài xẩm mới mang hơi thở thời đại của nhóm Xẩm Hà Thành cũng vậy, cho dù có tạo một không gian gần gũi với người nghe đương thời, từ âm nhạc và lời ca, thì vẫn phải đậm chất xẩm, vẫn là những câu xẩm nối dài từ truyền thống. Thậm chí trong lời ca cũng vậy, dù tính đương đại hiện hữu trong bài tương đối rõ bởi ngôn ngữ được sử dụng là ngôn ngữ thời nay nhằm tạo cho người nghe có thể tiếp cận và hiểu nội dung bài xẩm một cách dễ dàng, nhưng chất dân gian cũng rất đậm đà. Có thể bắt gặp ở bất cứ bài xẩm này, chẳng hạn “Chúng anh về…” (Bốn mùa hoa Hà Nội), “Mai sang mời bác mẹ trầu/ Một câu duyên phận bể sâu ân tình…” (Duyên phận tơ vòng)…
Cho nên, theo chúng tôi, câu chuyện sáng tạo là yếu tố tiên quyết thể hiện mạch nối của truyền thống trong đời sống đương đại. Nhưng sáng tạo như thế nào để những sáng tạo đó vẫn nằm trong đường ray của truyền thống, bồi đắp thêm cho mạch nối truyền thống mới là yếu tố cần đặc biệt chú ý.
Nguyễn Quang Long (Nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Tags