Ngày 16/4, Hội chợ thương mại công nghiệp lớn nhất thế giới đã khai mạc tại thành phố Hannover của Đức. Thông qua trí tuệ nhân tạo và công nghệ “vũ trụ ảo” (metaverse), các nhà triển lãm muốn cho người xem có cái nhìn mới về cách giải quyết các vấn đề đe dọa nền kinh tế toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, năm nay, hơn 4.000 đơn vị triển lãm đến từ 63 quốc gia trên thế giới đã có mặt tại hội chợ, trưng bày những công nghệ mới nhất từ các ngành công nghiệp điện, kỹ thuật số và kỹ thuật.
Riêng vấn đề năng lượng, hơn 300 công ty đến từ 25 quốc gia đã có mặt để trưng bày các giải pháp liên quan đến hydro xanh, một quá trình mà nhiều người hy vọng có thể mở rộng quy mô để cung cấp cho các ngành công nghiệp một giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vốn đang làm Trái Đất nóng lên. Trước đây, các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép và xi măng đòi hỏi nhiệt độ cực cao và do đó cần một lượng lớn năng lượng và nguồn nhiệt này thường tạo ra từ than có nhiều carbon.
Hội chợ năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và lao động, đồng thời các công ty công nghiệp đang nỗ lực để ứng dụng kỹ thuật số nhiều hơn trong khi tránh xa nhiên liệu hóa thạch. Sản xuất nhiên liệu carbon trung tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hydro và công nghiệp 4.0 là một số “sản phẩm” chính tại hội chợ mang chủ đề là “Các giải pháp đối mặt với những thách thức thời đại”.
Tiến sĩ Jochen Kockler, Chủ tịch hội đồng quản trị tại Deutsche Messe, nhà tổ chức hội chợ, cho biết: “Chỉ bằng cách kết hợp các công nghệ này với nhau, chúng ta mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng bền vững trong khi theo đuổi mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu”.
Năm nay, ngoài số lượng lớn các nhà triển lãm đến từ các nước công nghiệp hàng đầu như Đức, Mỹ, Italy, Trung Quốc, còn có sự góp mặt của Indonesia, quốc gia đảm nhận vai trò là quốc gia đối tác tại hội chợ năm nay. Hiện Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với phương châm “Making Indonesia 4.0”, quốc gia này sử dụng nền tảng của mình để thể hiện chuyên môn và tham vọng ngày càng tăng trong lĩnh vực số hóa và công nghiệp hóa. Indonesia đặt mục tiêu trở thành một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Tags