Những thay đổi về mặt trọng lực giữa các hành tinh khác Trái Đất cũng khó có thể giúp con người sở hữu siêu sức mạnh như Superman.
Những định luật vật lý, nguyên tắc khoa học thường không quá quan trọng trong các tác phẩm thuộc thể loại siêu anh hùng. Chỉ khi bỏ qua những quy tắc logic này, thế giới siêu anh hùng mới có thể trở nên hấp dẫn hơn, với nhiều mạch truyện sáng tạo hơn, ví dụ như chuyến du hành ngược thời gian của Biệt đội báo thù trong Avengers: Endgame, hay khả năng đu tơ tài tình của Người nhện trong các bộ phim Spider-Man.
Superman cũng không phải ngoại lệ trong việc chống lại những quy tắc khoa học thông thường để có thể sở hữu những siêu năng lực ấn tượng đến mức hư cấu nhất. Chàng Siêu Nhân nhà DC có thể dễ dàng tải được đến 2 tỷ tấn mà không tốn một giọt mồ hôi, có thể di chuyển một quãng đường dài chỉ với một cú bật nhảy, có thể nung chảy những vật liệu rắn chắc nhất với tia nhiệt phóng ra từ mắt, đó là chưa kể đến khả năng bay lượn và di chuyển đầy tốc độ.
Tuy nhiên, xét theo những quy tắc, hoạt động của lực hấp dẫn trên Trái Đất, liệu những sức mạnh của Superman có thực sự khả thi hay không? Con người liệu có thể trở thành một siêu nhân đúng nghĩa ngoài đời thực, thông qua công nghệ cường hóa cơ thể hoặc du hành đến một hành tinh khác, hay không? Rất nhiều nhà khoa học hành tinh, ví dụ như Paul Byrne, từng đào sâu vào vấn đề này, và đa số đều đồng tình rằng: Toàn bộ các sự mạnh của Superman là quá hư cấu trong thực tế.
Siêu sức mạnh thể chất của Superman có thực sự khả thi trên Trái Đất hay không?
Trong truyện tranh, Kal-El/Clark Kent chủ yếu hấp thụ năng lượng từ mặt trời. Thế nhưng, siêu sức mạnh thể chất của anh lại đến từ khác biệt giữa trọng lực tại Trái Đất với quê nhà Krypton.
Cụ thể, Krypton là một hành tinh có kích thước lớn hơn rất nhiều so với Trái Đất, và tác dụng của lực hấp dẫn tại đây cũng mạnh hơn rất nhiều. Trong điều kiện trọng lực thấp hơn của Trái Đất, được gọi là 1g, chàng Siêu Nhân có thể dễ dàng thực hiện được những hành động khó tin đến siêu phàm như bẻ cong một thanh thép dày, vì lực hấp dẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến anh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hành tinh lại cho rằng trọng lực không phải là lý do thuyết phục để giải thích cho siêu sức mạnh. Byrne cho biết: “Lực hấp dẫn sẽ không có bất cứ tác động hay hiệu ứng nào đối với khía cạnh này”. Byrne so sánh trường hợp của Superman với những phi hành gia du hành đến Mặt Trăng, nơi mà trọng lực chỉ tương đương khoảng 16% trọng lực của Trái Đất. Tại đây, con người sẽ nặng bằng 1/6 trọng lực thực tế của họ tại hành tinh quê nhà.
“Đúng là khi ở một hành tinh có trọng lực nhỏ hơn Trái Đất, bạn có thể nhảy cao hơn một chút. Lực hấp dẫn hướng xuống dưới lúc này sẽ ít cản trở bạn hơn", Byrne cho biết. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ trong khi trọng lượng của bạn thay đổi, khối lượng của bạn lại giữ nguyên. Trọng lượng thay đổi trên các hành tinh khác nhau vì nó có liên quan đến mức độ lực hấp dẫn tác động lên cơ thể, còn khối lượng chỉ đơn giản là lượng vật chất bên trong cơ thể mà thôi.
Vì vậy, đúng là bạn có thể nâng các vật nặng một cách dễ dàng hơn, thế nhưng bạn sẽ không thể sở hữu siêu sức mạnh thể chất tại một hành tinh khác, và chắc chắn là sẽ không đạt đến cảnh giới của Superman - bẻ cong một thanh thép đơn giản là bởi lực hấp dẫn trên Trái Đất quá thấp.
“Độ bền của thép vẫn sẽ được giữ nguyên trên Mặt Trăng hay ở bất kỳ đâu trong vũ trụ, không khác gì Trái Đất. Vì vậy, những thay đổi về lực hấp dẫn cũng không có quá nhiều ý nghĩa, ngay cả khi gia tốc trọng trường tại Krypton cao gấp 6 lần Trái Đất”.
Con người có thể đạt được siêu sức mạnh thể chất khi du hành đến một hành tinh khác hay không?
Những đầu truyện về Superman cũng đã khiến người hâm mộ đặt ra giả thuyết rằng rất có thể tại một hành tinh nào đó trong vũ trụ rộng lớn, con người sẽ trở thành siêu nhân đúng nghĩa, với sức mạnh được cường hóa cùng với khả năng bay lượn dễ dàng nhờ thay đổi về trọng lực. Thế nhưng, một lần nữa, các nhà khoa học lại khẳng định điều đó là vô cùng phi lý.
“Để sống sót trên một hành tinh khác, bạn cần phải trở nên khỏe hơn, bởi rất khó để có thể di chuyển tại đây. Tuy nhiên, không phải cứ du hành đến đó cơ thể bạn sẽ mặc định được cường hóa”, Richard Muller, giáo sư vật lý tại Đại học California, Berkeley chia sẻ.
Byrne cho biết chúng ta có một ví dụ rất rõ ràng về một hành tinh với lực hấp dẫn nhỏ hơn Trái Đất - đó chính là Mặt Trăng. Và chưa có phi hành gia nào có thể đạt đến cảnh giới siêu sức mạnh chỉ đơn giản bằng cách đặt chân lên hành tinh này. Và trên thực tế, chúng ta cần trọng lực 1g của Trái Đất để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Việc di chuyển đến một nơi có trọng lực thấp hơn sẽ làm cho chúng ta cảm thấy yếu hơn, thay vì khỏe hơn như nhiều người lầm tưởng.
“Cơ thể chúng ta là một hệ thống cơ bắp, và xương của chúng ta cần đến tác động của trọng lực”, Byrne cho biết. Nhà khoa học này giải thích rằng các phi hành gia cần phải luyện tập thể chất nhiều giờ mỗi ngày để bù đắp những tác động của mức trọng lực thấp đối với mật độ xương và khối lượng cơ bắp. Những tác động đó đối với cơ thể sẽ khiến những chuyến bay dài ngày tới Sao Hỏa có thể trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
“Con người chắc chắn sẽ gặp vấn đề khi tồn tại trong những trường trọng lực 1g theo thời gian. Và có lẽ điều này cũng áp dụng cho cả trường hợp của Superman", Byrne kết luận. Vậy thì nếu du hành giữa các hành tinh không giúp chúng ta sở hữu siêu sức mạnh, chúng ta có thể làm những gì khi còn ở trên Trái Đất?
Con người có thể trở thành Siêu Nhân trên Trái Đất hay không?
Về mặt lý thuyết, bạn vẫn có thể sở hữu sức mạnh “siêu phàm” trên Trái Đất. Giáo sư kỹ thuật sinh học Michael Regnier chia sẻ với NBC News rằng một người trung bình có thể nâng trọng lượng gấp 6 đến 7 lần trọng lượng cơ thể của họ. Điều này lý giải vì sao trong những trường hợp cấp bách, họ đột nhiên có khả năng nâng cả một chiếc ô tô để cứ người gặp tai nạn.
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta khai thác hết tiềm năng của mình thông qua tập luyện, gia tăng sức mạnh cơ bắp, chúng ta khó lòng có thể đạt đến đẳng cấp bẻ cong thép của Superman. Dẫu vậy, con người vẫn có thể tự vượt qua giới hạn tự nhiên của cơ thể với sự trợ giúp của những cánh tay, cẳng chân robot - những thiết bị có thể hỗ trợ con người trở nên mạnh hơn một cách tự nhiên. Điều này nghe có vẻ xa vời và giống như một ý tưởng trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, thế nhưng thực chất nó lại ở gần thực tế hơn bạn nghĩ.
“Tứ chi robot chắc chắn có tiềm năng khỏe hơn tứ chi của con người”, Philip Brey, giáo sư triết học và đạo đức công nghệ tại Đại học Twente, chia sẻ với Inverse. Trong khi đó, Robert Gaunt, phó giáo sư phòng thí nghiệm Kỹ thuật Thần kinh Phục hồi chức năng của Đại học Pittsburgh, cho biết rằng robot đã và đang giúp nhiều người khôi phục hoặc thay thế chức năng tứ chi của họ, một phần là qua giao diện não - máy tính (BCI), có tác dụng kết nối não bộ với các thiết bị bên ngoài.
“Sau tất cả, giao diện não - máy tính không thể khiến một người trở nên mạnh mẽ hơn một cách tự nhiên, giống như Superman. Nhưng về mặt lý thuyết, nó có thể được sử dụng để điều khiển cả một bộ đồ có kích thước tương đương cơ thể con người, giống như Iron Man vậy”, Gaunt giải thích.
“Chưa bao giờ chúng ta ở gần những công nghệ có thể cường hóa sức mạnh, tốc độ, thể lực tự nhiên đến vậy”, Tommaso Lenzi, phó Giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Utah nhận định. Ông cho biết hiện nay, đã có những robot khung xương ngoài có thể giúp gia tăng sức mạnh của con người lên đến 10 lần, chủ yếu được ứng dụng cho lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, những bộ xương này hiện còn quá nặng và tiêu tốn quá nhiều năng lượng để có thể sử dụng trong thực tế.
“Chúng ta đã có đầy đủ nguyên vật liệu xây dựng, từ động cơ, pin, đến hệ thống truyền tín hiệu, các bộ vi xử lý”, Lenzi giải thích thêm, “Chỉ là chúng ta chưa biết cách xây dựng chúng thành một hệ thống có thể hoạt động hỗ trợ cho cơ thể của con người mà thôi".
Ở thời điểm hiện tại, siêu sức mạnh có lẽ vẫn còn là một khái niệm quá xa vời chúng ta. Tuy nhiên, những phát triển công nghệ trong tương lai có thể đưa chúng ta tiến một bước gần hơn với việc trở thành Superman ngoài đời thực.
Tags