(Thethaovanhoa.vn) - Bình Định được xem như một trong những cái nôi của ca kịch bài chòi. Còn loại hình văn hóa dân gian bài chòi có sức sống mãnh liệt và rất sâu sắc trong lòng dân Bình Định, nhất là các vùng duyên hải, nó song song với nghệ thuật hát bội.
- Hội đánh bài chòi - Nhìn từ một phiên chợ đặc biệt
- Ly kỳ nguồn gốc của bài chòi
- Niềm vui của bài chòi khi được công nhận Di sản thế giới
- Những điều ít biết về 'kiệt tác' bài chòi vừa được công nhận Di sản thế giới
Trong thời gian chiến tranh có gián đoạn, nhưng không vì vậy mà mất đi, hễ có dịp là bà con khắp nơi, nhất là các vùng quê lại cùng nhau cất chòi, cất sân khấu để “hô” bài chòi.
Các thế hệ anh chị hiệu luôn luôn được kế thừa, đến khi không gian hội đánh bài chòi hình thành một loại hình là bài chòi lớp thì các anh chị hiệu lại thoát ra hình thành một loại hình sân khấu dân gian đó là sân khấu hô bài chòi. Đó cũng là tiền thân cho nghệ thuật ca kịch bài chòi ngày nay.
Nghệ thuật diễn xướng dân gian bài chòi dù trải qua bao năm tháng thăng trầm cũng như chiến tranh nhưng được tầng lớp nhân dân mến yêu gìn giữ và phát triển tốt vì tính dân gian rất gần gũi với nhân dân lao động. Các câu thai được hô trong hội bài chòi là những câu ca dao, tục ngữ đậm tính giáo dục và nhân văn, các nội dung khuyên dạy nhau theo truyền thống dân tộc. Hoặc sự tỏ tình nhau của đôi lứa gái trai, hoặc cảnh trái ngang của môn đăng hộ đối... Nói chung là những thơ ca dân gian được truyền khẩu, đả kích có, hóm hỉnh trào phúng có, phê phán quan quyền có… qua những lời hô của anh chị hiệu đã gửi gắm tâm tư vào thế sự.
Là loại hình nghệ thuật được ra đời sau hát bội, nhưng bài chòi cũng tồn tại song song cùng hát bội trên một mảnh đất. Hát bội đi vào cung đình và phát triển trở thành môn nghệ thuật bác học, còn bài chòi đi vào dân gian được dân gian cưu mang nuôi dưỡng. Tất nhiên với nhịp sống phát triển theo thời đại, nhất là đô thị hóa thì các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc dân gian cũng dần co lại và mai một...
Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì bài chòi vẫn tồn tại và đang dần hồi phục ở đô thị. Ví như nhà hàng Anh Nhật Gia Viên vẫn tổ chức hội đánh bài chòi vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, thành phố Quy Nhơn vẫn duy trì đêm chơi bài chòi ở tại quảng trường trung tâm thành phố, tổ chức biểu diễn các trích đoạn bài chòi cổ, tập huấn về môn nghệ thuật này cho các phường xa. Các huyện khác như An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn cũng tổ chức bảo tồn và phát huy môn nghệ thuật này trong cộng đồng.
Hoàng Việt
Tags