Sửng sốt với 'thế hệ đánh mất' của Nhật Bản

Thứ Bảy, 18/07/2015 09:28 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, người Việt sửng sốt với thông tin về “thế hệ đánh mất” của Nhật Bản được truyền thông phương Tây phản ánh, với khoảng 1 triệu người trẻ tuổi đang tách mình khỏi xã hội trong hoàn toàn cô độc.

Đây là một trong những thông tin tiêu cực ít ỏi về đất nước Mặt trời mọc mà người Việt Nam tiếp thu được. Lâu nay, hình ảnh người Nhật ở Việt Nam vẫn rất tích cực với một xã hội tri thức cao, nền văn hóa sâu đậm, con người đầy tính kiểu mẫu. Nhưng có lẽ, thông tin đó chỉ mới với những ai ít đọc những cuốn sách từ Nhật Bản, hoặc chỉ đọc… Doraemon.

Không phải cuốn sách nào của nước Nhật cũng phản ánh xã hội đầy nhân văn như trong Doraemon. Một trong những tiểu thuyết vẽ nên hình ảnh nước Nhật xấu xa nhất từng xuất bản ở Việt Nam là Xâu (Natsuo Kirino). Đây là cuốn sách hay nhưng nghiệt ngã với những ai yêu mến đất nước và con người Nhật Bản.

Cuốn sách tập hợp những gì xấu xa nhất về nước Nhật nói riêng, về thẳm sâu bản chất con người nói chung: người đẹp như tiên có nhân cách tồi tệ, người xấu như quỷ nhân cách cũng chẳng khá hơn. Chị em trong gia đình căm ghét nhau đến tận xương tủy. Bạn thân môi giới cho nhau làm điếm. Gần như chẳng có một chút nhân văn nào trong cuốn sách, một tác phẩm văn học có giá trị phản ánh xã hội Nhật Bản.


 Hình ảnh trong bộ phim tài liệu về hơn 1 triệu thanh niên Nhật thuộc thế hệ đánh mất, được gọi là “Hikikomori”

Và thế hệ sau của những con người đó, một cậu trai đẹp đẽ thông minh nhưng bị mù, không quan tâm đến bất cứ ai và chìm đắm trong những bản nhạc hiphop thời thượng của Mỹ, lập hàng rào cho thế giới của riêng mình.

Đó chính là bóng dáng của hơn 1 triệu người trẻ Nhật hôm nay, mà khi cuộc sống của họ được phản ánh qua một phóng sự truyền hình và những bức ảnh, người dân Việt Nam mới giật mình tự nhủ, lâu nay mình biết quá ít về nước Nhật.

Năm 2015, khoảng 1 triệu thanh niên Nhật, hầu hết là nam, thường thông minh và con nhà khá giả, nhốt mình trong những cánh cửa căn phòng nhỏ hẹp, cắt đứt quan hệ với thế giới bên ngoài. Tình trạng của họ được gọi bằng một thuật ngữ là “Hikikomori”. Có trình độ nhất định nhưng không thể cống hiến cho xã hội, họ thấy cuộc đời vô nghĩa.

Còn về xã hội, giới nghiên cứu Nhật Bản đã dùng thuật ngữ “xã hội vô cảm” để chỉ thế hệ này, hiện tượng được văn chương Nhật dự báo từ hàng chục năm. Ở Nhật, công nghệ cùng những loại máy móc thay thế con người đã sản sinh ra một thế hệ cô độc và ngày càng cô độc hơn.

Chúng ta cũng từng “gặp” những người trẻ đó trong tiểu thuyết của Haruki Murakami. Họ khóa mình trong ngôi nhà của mình theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng, không giao thiệp với hầu hết xã hội trừ số ít ỏi nhân vật còn lại trong cuốn tiểu thuyết.

Hơn thế, cuộc sống của hơn 1 triệu con người này có gì tương đồng với cuộc sống của chính giới trẻ Việt Nam, vốn cũng đang dành nhiều thời gian cho thế giới ảo?

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›