Sung vì Thái Sung, lỗi do ai?

Thứ Bảy, 01/11/2014 14:41 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Không ai ngờ một cầu thủ ít tên tuổi như Thái Sung, thậm chí có thể coi là một điểm mờ trong mắt người hâm mộ (vì thực sự chẳng mấy ai đã chứng kiến Thái Sung chơi bóng thế nào) lại tạo nên cơn sốt truyền thông đến thế. 

Tất cả, từ người hâm mộ cho tới chính Thái Sung; từ báo giới cho tới CLB chủ quản… đều bỗng dưng muốn sung lên vì cái tên 20 tuổi ấy. Lỗi thực sự do ai???

Lỗi đầu do truyền thông

Truyền thông, với cái tâm lúc nào cũng sẵn sàng cám cảnh cho một số phận nào đó, luôn có thể hành động kiểu “Lục Vân Tiên” với hy vọng con chữ của mình có thể đánh động dư luận ngõ hầu giúp cho mảnh đời éo le ấy vượt qua khó khăn. 

Nhưng cái tâm tốt không phải đã đủ để làm điểm tựa cho hành động. Ai cũng cần phải có cả sự tỉnh táo, khách quan. Trường hợp của Thái Sung cho thấy rõ ràng giới truyền thông chưa tỉnh táo phân tích rạch ròi để rồi đã thể hiện lòng tốt của mình quá vội.

Thực tế, cái danh Aspire, với chút gắn kết nào đó (mang tính thương mại chẳng hạn) với lò La Masia của Barca chưa đủ để nói chất lượng cầu thủ trẻ ở đó ở tầm Barca. Trong lịch sử đào tạo của Aspire, chưa từng có một tài năng nào của Học viện này trở thành ngôi sao đẳng cấp châu lục ở trời Âu vì thế, chuyện tài năng của Thái Sung tại Aspire cũng cần phải được đánh giá thẩm định lại một cách kỹ lưỡng. 

Nên nhớ, bản thân Aspire cũng tạo nên tranh luận những năm qua khi nhiều cáo buộc cho rằng Học viện đó là một trong những phương tiện mà Qatar ‘mua phiếu đăng cai World Cup’ từ các LĐBĐ nhỏ nhờ vào các chương trình hợp tác đầy hỗ trợ của mình.

Chất lượng của Aspire là thứ chưa đủ để bảo chứng cho một ngôi sao. Bản thân Thái Sung, qua trao đổi với các HLV ở Đà Nẵng về những gì được học ở Aspire, cũng thừa nhận rằng ở đó anh chỉ được luyện tập kỹ năng cá nhân là chủ yếu. Mà bóng đá, kỹ năng cá nhân chưa đủ cấu thành một cầu thủ chuyên nghiệp bởi khi chơi trong một tập thể, phục vụ tập thể, anh không chỉ dựa vào kỹ năng cá nhân để làm nên tất cả. 

Bóng đá không phải thứ vui vui như bộ phim ‘Đội bóng Thiếu Lâm’ hay cuốn truyện tranh Tsubasa. Như vậy, việc truyền thông đẩy câu chuyện lên đến mức độ Thái Sung như một “Messi của Việt nam” đã vô tình giết chết một phần tương lai của chính Thái Sung và làm tổn hại cả đến uy tín của CLB chủ quản SHB.Đà Nẵng cùng những con người đang làm việc tại đó.

Nguy hiểm hơn nữa, khi truyền thông dấy lên câu chuyện ‘nếu không dùng được Thái Sung thì CLB nên giải phóng cho Sung’, họ vô tình hướng dư luận về quan điểm SHB.Đà Nẵng đang làm hại, đang ém tài một cầu thủ trẻ. 

Vấn đề đi hay ở còn nằm ở ràng buộc hợp đồng, một văn bản mang tính pháp lý. Do đó, để giải quyết văn bản pháp lý ấy, người ta phải làm cho có lý, chưa vội nói đến chuyện đạt tình. Vả lại, bóng đá cũng là một thị trường và nó cần tuân theo quy luật của thị trường. Đó là người bán phải có kẻ mua và nếu kẻ mua trả chưa đúng giá, người bán có quyền lắc đầu từ chối. 

Nếu đúng là Sporting Lisbon mê mẩn Thái Sung, tại sao họ không trả được đúng cái giá trị mà Đà nẵng đưa ra và không theo đuổi tới cùng nếu Sung là một tài năng lớn? Và cho tới lúc này, bản thân Thái Sung không nhận được sự quan tâm đặc biệt từ một CLB nào ở Việt Nam thì Đà Nẵng không thể bán anh cũng là đúng. Việc họ giữ anh lại là bởi họ vẫn còn nuôi hy vọng Thái Sung có thể phát huy được ở tương lai nếu anh cải thiện được chính mình. 

Nếu chúng ta ở vào cương vị của người điều hành CLB Đà Nẵng, chúng ta có buông tay hay không? Đào tạo một cầu thủ tốn kém nhiều tiền của công sức suốt nhiều năm trời và cuối cùng để ra đi tự do là đáp án chẳng bao giờ được chọn lựa.

Đấy, chính truyền thông đã khơi mào để công luận bỗng dưng sung lên vì câu chuyện Thái Sung theo cách như thế.

Và lỗi ở những người cưng nựng U19

Phải thừa nhận, lứa U19 của HA.GL hấp dẫn quá, đẹp mắt quá và đáng yêu quá. Họ thổi vào bóng đá Việt nam một luồng gió mới với những hy vọng rất cụ thể. Niềm tin yêu của người hâm mộ đã chứng thực cho chất lượng của lứa cầu thủ tương lai ấy. Song, những người làm bóng đá lại sử dụng chính cái tin yêu của người hâm mộ để làm quá lên và dẫn tới những phản ứng từ chính giới cầu thủ. 

Đội bóng nào cũng chỉ là tập hợp những con người bình thường, có cảm xúc, có yêu ghét, có ghen tuông vị kỷ.

Những mặc cảm, ẩn ức của các cầu thủ không-phải-U19 đã xuất hiện. Ít ai biết, trước trận U19 đá bán kết với U21 báo Thanh Niên Việt Nam, đã có người xuống gặp BHL của U21 để bày tỏ quan ngại rằng trận đấu sẽ căng thẳng. Hành động đó chẳng khác gì đi ‘lobby’ trước cho U19 và nó không khỏi khiến ẩn ức của lứa U21 càng lớn hơn. 

Khi một cầu thủ U21 đã phải tuyên bố một câu than trời rằng “chúng em có tội gì đâu” thì người hâm mộ nên hiểu, và thương cho họ thay vì chỉ trích họ với cái điểm tựa so sánh là U19 HA.GL. Và ngay sau giải đấu ở Cần Thơ mấy ngày, đội tuyển Việt Nam lặng lẽ thi đấu tập huấn ở sân Thống Nhất với khán đài trống vắng hơn hẳn và thậm chí đang đá còn phải dừng vì mất điện trên sân. 

Sự quan tâm theo kiểu ‘bàn tay ngón ngắn ngón dài’ đã là một xúc tác làm Thái Sung tủi thân, tủi thân đến mức độ phải nói những lời thèm thuồng thực sự khi nhắc đến những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Anh nghĩ rằng nếu được chơi cùng họ, anh sẽ hoà nhập tốt. Nhưng câu chuyện ấy kết thúc bằng điều gì? 

Chính những người hâm mộ đã và đang kêu gọi bầu Đức cứu lấy Thái Sung trên các diễn đàn đã nhận thấy rằng bầu Đức chẳng màng gì đến cái cầu thủ từ Aspire ấy. Cũng dễ hiểu thôi, nhận Thái Sung về, bầu Đức để anh đá ở đâu? Nếu anh có hoà nhập được đi nữa, anh cũng chẳng thể nào phế truất chỗ của Công Phượng, cầu thủ đã thành biểu tượng của thế hệ HA.GL tương lai. Và nếu chúng ta thử đặt ra một câu hỏi cho ông Đoàn Nguyên Đức rằng “ông đánh giá chất lượng Thái Sung thế nào?”, chắc câu trả lời mà chúng ta nhận được đủ khiến những người ủng hộ Thái Sung sẽ phải chưng hửng.

Nói một cách nào đó, chính việc suy tôn U19 như một thần tượng vượt trội đã khiến bản thân Thái Sung bỗng dưng sung lên, để rồi thở than này nọ, để rồi gặp tai bay vạ gió trước dư luận và truyền thông.

Từ chính những người trong cuộc 

Đây là những người trong cuộc ở Đà Nẵng, những người cũng khiến câu chuyện bỗng ‘sung’ thêm bội phần.  

Đầu tiên là chính Thái Sung, với những than thở, phát ngôn không đáng có về thân phận của mình. Là một cầu thủ chuyên nghiệp, hơn ai hết, Sung phải hiểu rõ quy chế phát ngôn của CLB. Than thở tất nhiên là quyền của mỗi người nhưng than thở trước công chúng những điều có ảnh hưởng đến người khác lại là chuyện cần phải cân nhắc kỹ. Vả lại, là một VĐV thể thao chuyên nghiệp, ở một bộ môn thể hiện khá rõ rệt sức mạnh thể chất và ý chí, việc than thở chỉ cho thấy rõ những yếu kém tâm lý của chính VĐV ấy.

Tất nhiên, là một cầu thủ, Sung cũng có những khát vọng lớn, với mong muốn thể hiện phẩm chất của mình. Nhưng bóng đá là cạnh tranh và cạnh tranh vị trí bộc lộ rất rõ ở phong độ trên sân tập, trên sân thi đấu. Thái Sung chưa phải là cầu thủ không thể thiếu của U21 Đà Nẵng và anh mới chỉ ‘tiến bộ hơn hẳn’ trong thời gian gần đây theo như lời HLV Lê Huỳnh Đức nhận xét về anh. 

Những tiến bộ hơn hẳn ở lứa U21 đó không đồng nghĩa với việc Sung đủ tầm vóc để được trao cơ hội thi đấu chính thức tại V - League mùa giải tới. Muốn được chơi bóng, hãy luyện tập để HLV tin tưởng ở mình cái đã. Sung chắc không nhìn vào Công Vinh, với câu chuyện mới đây ở Bình Dương. 

Là một ngôi sao không thể thiếu ở đội tuyển Việt Nam, Công Vinh vẫn phải chấp nhận cạnh tranh vị trí với Anh Đức tại Bình Dương vì đơn giản, không có Vinh, Bình Dương vẫn chơi rất tốt ở V league mùa vừa qua.

Kết lại câu chuyện này, có lẽ chúng ta nên đọc phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức rằng “Thái Sung vẫn là một cầu thủ trẻ của Đà Nẵng. Em nó chưa phải một ngôi sao lớn đến mức báo chí phải làm lớn chuyện đến vậy. Cứ để cho em nó phấn đấu bình thường như những cầu thủ khác thì hay hơn”…

Hà Quang Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›