(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, UBND huyện Nông Sơn và xã Quế Ninh (Quảng Nam) đã long trọng tổ chức khánh thành Nhà bia tưởng niệm 21 liệt sĩ vô danh hy sinh ở địa phương. Câu chuyện những người dân bình thường, vì thương cảm các liệt sỹ đã thác mà linh hồn tản mác, tìm kinh phí xây một nhà bia tưởng niệm khang trang, hương khói cho các anh, thực sự cảm động.
1. Đó là những người lính của Mặt trận 44 Quảng Đà. Cuối năm 1969, Mỹ mở những đợt càn quét khốc liệt lên mảnh đất này, nhiều chiến sỹ bị thương được chuyển lên bệnh xá 78 Hòn Tàu. Hôm ấy, các thương binh đang được cáng qua hành lang Trại Tiệp thì gặp phục kích của Mỹ. 21 thương binh thuộc trung đội 31, Sư đoàn 2 (QK5) hy sinh tại chỗ. Đa số là bộ đội từ miền Bắc vào. Nghiệt ngã hơn, địch thu đốt hết mọi giấy tờ tuỳ thân của các anh, rồi cử lính ở lại canh không cho dân lấy xác. Mãi đến khi thi thể các anh bị heo rừng ủi xới, chúng mới chịu rút đi.
Đấy là câu chuyện thương tâm, đeo đuổi và ám ảnh rất nhiều người dân dưới chân núi Cà Tang gần 50 năm qua. Nhưng người dân và chính quyền địa phương không bao giờ lãng quên các liệt sĩ vô danh. Có những người dân thi thoảng khi làm nương, mang theo bi đông rượu để mời, bái vọng, thủ thỉ trò chuyện với vong linh các anh.
Năm 2009, nhân dân thôn Ninh Khánh 1- Xã Quế Ninh đã góp được tổng cộng 14 triệu đồng, đến năm 2012 dựng được tấm bia ghi công có mái che mưa nắng. Nhưng, tấm bia nhỏ bé đó vẫn khuất lấp trong màu xanh của rừng núi, vẫn chưa xứng với những hy sinh của các liệt sĩ.
Khi chị Nguyễn Thị Bích, một người con địa phương sau khi lên thăm bia tưởng niệm, đã nung náu ý tưởng phải tạo dựng một quần thể tưởng niệm khang trang hơn, tạo điều kiện để mọi người đến thắp hương tưởng vọng, ôn lại những ký ức bi tráng, hào hùng của chiến trường này. Chị Bích lên núi theo du kích từ năm 15 tuổi, sau hòa bình làm ở ngành giao thông. Chính chị đã kỳ công tìm được hài cốt liệt sĩ Trần Kim Báu – người đại đội phó dũng cảm hy sinh trong trận cảm tử vào đồn Pháp ở Thu Bồn – Nông Sơn cuối xuân 1947.
Người anh hùng được dân làng mai táng trên một nương đất cao, gắn bia cẩn thận. Chinh chiến dâu bể khiến mất dấu mộ liệt sĩ Báu. Vậy mà gần 50 năm sau, có thể thần giao cách cảm cùng quen thuộc núi rừng, chị Bích đã tìm ra mộ của ông, rồi lặn lội đi tìm thân nhân của liệt sỹ này để báo tin…
2. Lặn lội từ Nam đến Bắc, có lẽ cảm thông tấm lòng người nữ du kích năm nào, việc tìm tài trợ đã thuận lợi đến bất ngờ. Trên 5 tỷ đồng đã được các Mạnh Thường Quân đóng góp. Một con đường bê tông rải hàng km đến nhà bia. Khu tưởng niệm rộng rãi nằm giữa phong cảnh núi rừng hữu tình.
“Hôm nay, mong linh hồn các anh tề tựu về đây để chứng kiến tấm lòng thành của hậu sinh. Không ai được phép lãng quên những hy sinh của các liệt sĩ đã ngã xuống, để đất nước và huyện Nông Sơn có được như ngày hôm nay”, chị Bích lầm rầm khấn vái trước bia tưởng niệm.
Chúng tôi không khỏi cảm động khi chứng kiến cảnh khói hương nghi ngút tỏa trên những gương mặt xúc động đến hân hoan trong lễ khánh thành. Ngay sau khi làm lễ xong, trời bất chợt đỏ mưa tầm tã, ai đó nói đấy là điềm lành.
Để làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với người có công, rõ ràng cần sự chung tay của những người dân bình dị, cần tấm lòng của các doanh nghiệp. Giờ thì linh hồn 21 liệt sỹ đã có nơi trú ngụ. Nhưng, làm sao để “trả lại tên”, tuổi cho các anh, vẫn là một đoạn trường khó khăn phía trước. Mong sao tất cả mọi người, đặc biệt các đồng đội cũ thuộc trung đội 31 Sư đoàn 2 (QK5) hãy tiếp tục nỗ lực để xác định danh tính cho các liệt sỹ. Để, người thân các anh còn biết mà vào thắp hương lúc xuân thu nhị kỳ.
Và chỉ khi ấy thì linh hồn các anh mới thực sự an yên nơi chín suối.
Bài, ảnh: Hữu Quý
Tags