Ngày 14/7 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày phát hành "Mario Bros." - trò chơi điện tử "trụ cột" trong ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và củng cố sức hấp dẫn của một trong những nhân vật văn hóa đại chúng mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử.
Đầu những năm 1980, công ty trò chơi điện tử Nintendo của Nhật Bản đã thành lập cơ sở hoạt động tại Mỹ tại một nhà kho nhỏ ở bang Washington.
Tên Mario được lấy cảm hứng từ ông chủ đòi tiền thuê nhà
Tại một thời điểm trong quá trình phát triển trò chơi điện tử mang tính đột phá "Donkey Kong", chủ nhà kho - một người đàn ông người Mỹ gốc Italy tên là Mario Segale - đến đòi số tiền thuê nhà đã quá hạn.
Người đàn ông có ria mép này không hài lòng lắm với những người thuê nhà của mình và đã mắng mỏ Minoru Arakawa - người đứng đầu cơ sở Nintendo ở Mỹ - trước mặt những người khác.
Nhưng hóa ra chuyến "đòi nợ" của ông chủ nhà đã mang lại một khoảnh khắc truyền cảm hứng sâu sắc cho những người tạo ra "Donkey Kong", trong bối cảnh họ vẫn đang bế tắc cho việc tìm kiếm một cái tên cho nhân vật anh hùng của họ: một hình người dễ nhận biết với khả năng nhảy vượt trội.
Cho đến thời điểm đó, anh ta được biết đến với biệt danh "Jumpman (Người nhảy) và "Ossan" (một cụm từ có phần tiêu cực đối với "người đàn ông trung niên" trong tiếng Nhật). Khi chủ nhà rời đi, tất cả đều đồng ý rằng Jumpman nên lấy tên của chủ nhà là Mario.
Mario trở nên nổi tiếng đến mức vào năm 1983 nhân vật này đã có trò chơi của riêng mình, cùng với anh trai - Luigi - trong "Mario Bros.".
Vào ngày 14/7/1983, trò chơi lần đầu tiên được phát hành để bán công khai tại quê hương Nhật Bản.
Kể từ đó, Mario đã trở thành một hiện tượng thương mại và văn hóa không gì sánh bằng trong thế giới trò chơi.
Thương hiệu "Mario", bao gồm nhiều tựa game từ "Super Mario" đến "Mario Kart", đã bán được hơn 800 triệu bản, trở thành thương hiệu trò chơi điện tử bán chạy nhất mọi thời đại.
Sức hấp dẫn của trò chơi này kéo dài sang nhiều thế hệ. Bằng chứng cho thấy là việc phát hành The Super Mario Bros. Movie năm nay gặt hái thành công lớn về mặt thương mại.
Cho đến nay, bộ phim này đã thu về 1,3 tỷ USD (1,1 tỷ euro) tại phòng vé toàn cầu và có doanh thu mở màn toàn cầu lớn nhất cho một bộ phim hoạt hình trong lịch sử.
Nintendo sẽ khác nếu không có Mario
Câu chuyện thành công của Mario thực chất là câu chuyện thành công của Nintendo.
Đây là công ty trò chơi điện tử hoạt động lâu đời nhất trên thế giới, có nguồn gốc từ năm 1889 và thời điểm đó công ty này kinh doanh thẻ bài.
Đến những năm 1970, công ty đã đa dạng hóa sang lĩnh vực điện tử và trò chơi máy tính.
Chính trong thập kỷ đó, Shigeru Miyamoto - người cuối cùng đã nảy ra ý tưởng tạo ra "Super Mario" - đã gia nhập công ty.
Theo Jeff Ryan - tác giả cuốn Super Mario: Nintendo chinh phục nước Mỹ như thế nào? – thì không có Mario, Nintendo là một công ty hoàn toàn khác.
Ryan cho rằng Nintendo có thể đã trở thành một trong những công ty trò chơi nhỏ hơn nhiều của Nhật Bản, chẳng hạn như Taito hoặc Bandai.
Thay vào đó, thành công liên tục của Mario đã khiến Nintendo tiếp tục là một trong những công ty game hàng đầu trên thế giới.
Vào năm 2022, xét về doanh thu trò chơi, Nintendo đứng thứ 4 trên toàn cầu sau Sony, Microsoft và Tencent, với doanh thu 13,8 tỷ USD - theo dữ liệu do Statista thu thập.
Ảnh hưởng của Mario trong thế giới game
Theo hầu hết các phân tích, ngành kinh doanh trò chơi toàn cầu hiện có giá trị hơn 200 tỷ USD mỗi năm.
Công ty nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights ước tính "Super Mario" có thể trị giá hơn 600 tỷ USD vào năm 2030.
"Super Mario" đã góp phần không nhỏ vào sự thăng tiến vượt bậc đó. Ryan cho biết trò chơi "Donkey Kong" - lần đầu tiên giới thiệu Mario - đã đi tiên phong trong việc kể chuyện trong trò chơi điện tử thời kỳ đầu.
Lối chơi "tường thuật" vốn có trong nhiều trò chơi Mario - giúp người thợ sửa ống nước vượt qua chướng ngại vật - đã trở nên có ảnh hưởng cực kỳ lớn. Ảnh hưởng đó tiếp tục khi trò chơi "Mario" phát triển.
Ryan cho biết: "Có hơn 25 thương hiệu 'Mario' khác nhau vào thời điểm này. Bản thân trò chơi 'Mario Kart' (loạt trò chơi đua xe kart) đầu tiên, theo Sách kỷ lục Guinness thế giới, là trò chơi điện tử có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, bởi vì chỉ trong hai năm sau khi nó ra đời đã có hơn 50 trò chơi đua xe được tung ra".
Khi Mario bước sang tuổi trung niên, sức hấp dẫn của anh không hề có dấu hiệu suy giảm.
Ryan tin rằng Mario có thể so sánh với chuột Mickey về tầm ảnh hưởng của anh đối với văn hóa đại chúng trong thế kỷ qua.
"Đây là những nhân vật, hơn bất kỳ nhân vật nào khác, đã thành công trong việc nắm bắt được hệ tư tưởng chung".
Tags