(Thethaovanhoa.vn) - Sven Goran Eriksson chắc chắn là HLV tên tuổi nhất từng dẫn dắt một đội tuyển bóng đá Đông Nam Á. Nhưng liệu nhà cầm quân 70 tuổi này có thực sự là một cú hích của đội tuyển Philippines?
Sven Goran Eriksson là một trong những HLV lão làng nhất của bóng đá thế giới hiện tại. Ông bắt đầu sự nghiệp huấn luyện từ năm 1977, đã dẫn dắt một loạt những CLB (Benfica, Roma, Fiorentina, Lazio, Man City, Leicester) và đội tuyển quốc gia (Anh, Mexico, Bờ Biển Ngà) có tiếng. Và chiến lược gia này đang sở hữu 17 danh hiệu lớn nhỏ.
18 năm không danh hiệu
Đỉnh cao của Sven Goran Erikson là quãng thời gian gắn bó với Lazio, khi ông giúp đội bóng này giành cú đúp Serie A và Coppa Italia 1999-2000, cũng như Siêu Cúp Italia 2000. Nhưng kể từ đó, ông chưa giành thêm bất kỳ danh hiệu nào. Cho dù danh hiệu không phải yếu tố duy nhất để đánh giá sự tiến bộ của một đội bóng, việc một HLV không giành nổi danh hiệu nào suốt gần hai thập kỷ thì khó có thể gọi là thành công.
Thành tích tốt nhất của Eriksson cùng tuyển Anh là hai lần lọt vào tứ kết World Cup, cùng chiến thắng 5-1 trước kình địch Đức vào năm 2001. Nhưng “thành tích” đáng nhớ hơn cả lại là những lùm xùm về đời tư. Dù đã gần 60 tuổi, Eriksson vẫn rất đào hoa, khi đi lại với Nancy Dell’Olio, Ulrika Jonson, và cả cô thư ký liên đoàn Faria Alam. Vì những lùm xùm đó mà ông mất việc.
Quãng thời gian sau đó là những cuộc phiêu bạt qua Man City, Mexico, Bờ Biển Ngà, Leicester, trước khi dưỡng già ở Trung Quốc. Tại Quảng Châu R&F, Eriksson từng giúp đội bóng này đứng thứ ba Super League để qua đó lần đầu tiên dự AFC Champions League. Điều tương tự cũng đến với Thượng Hải SIGP khi Eriksson giúp họ giành vị trí á quân Super League 2015. Cuộc phiêu lưu của Eriksson trên đất Trung Quốc tiếp tục với Thâm Quyến FC ở giải hạng Nhất, nhưng lần này thì ông không mấy thành công, và bị sa thải hồi năm ngoái, sau chuỗi 9 trận liên tiếp không thắng.
Eriksson có phù hợp với Philippines?
Chỉ thời gian mới có thể trả lời câu hỏi đó, nhưng có một điều chắc chắn, Eriksson có quá ít thời gian để làm quen với các học trò mới. Hơn một tuần nữa là AFF Cup 2018 sẽ khai mạc, và chiến lược gia lão làng này thậm chí còn chẳng có một trận giao hữu chính thức nào để khởi động cả.
Sau ba giải liên tiếp lọt vào bán kết, Philippines đã dừng bước ngay vòng bảng ở kỳ AFF Cup gần nhất năm 2016. Tuy nhiên, chiến tích lần đầu tiên lọt vào đến VCK Cúp châu Á, khi đứng đầu bảng F (cùng Yemen, Tajikistan, và Nepal) khiến LĐBĐ nước này tương đối phấn khích, và việc mời gọi HLV Eriksson với mức lương 80 nghìn USD/tháng (gấp 4 lần HLV Park Hang Seo) được coi là một động thái đầy tham vọng. Dẫu sao, ông cũng từng hai lần đưa tuyển Anh lọt vào tứ kết World Cup. Bản hợp đồng 6 tháng với Eriksson cũng cho thấy rõ ý định của các quan chức LĐBĐ Philippines. Họ muốn xem hiệu ứng từ ông ra sao ở hai giải đấu quan trọng là AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, trước khi ký một hợp đồng dài hơi hơn.
Không khó để suy đoán rằng ông Eriksson chưa thể tạo ra được đột biến về mặt lối chơi đối với đội tuyển Philippines chỉ sau hơn một tuần dẫn dắt. Mặc dù mang danh nghĩa HLV trưởng, nhưng có thể vai trò của ông Eriksson giống một cố vấn hoặc giám đốc kỹ thuật hơn, còn chỉ đạo trực tiếp thì vẫn là Scott Cooper, người đã lùi từ vị trí HLV tạm quyền xuống làm trợ lý. Ông Cooper cũng từng là HLV đội trẻ Leicester, hồi Eriksson còn làm việc ở đây.
“Tất cả đều rất phấn khích khi ông Sven Goran Eriksson nhận lời dẫn dắt ĐT Philippines. Chúng tôi đã làm tất cả và phải cạnh tranh với rất nhiều đội bóng để có cái gật đầu của Sven. Với danh tiếng, kinh nghiệm và kiến thức của ông ấy, sẽ chẳng có sự nghi ngờ nào về việc bóng đá Philippines sắp vươn lên tầm cao mới", Dan Palami, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Philippines tỏ ra rất hồ hởi. Còn về phần các cầu thủ, có lẽ sự hiện diện của Eriksson là một liều doping lớn về tinh thần, thay vì là một cú hích lập tức về chuyên môn.
Nhưng dù sao, đó cũng là một tín hiệu tích cực. Và với tinh thần như thế, có thể Philippines sẽ là một ẩn số đáng chú ý ở AFF Cup 2018 này.
Tuấn Cương
Tags