Syria, vùng đất chết của phóng viên

Thứ Năm, 21/08/2014 07:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việc phóng viên Mỹ James Foley bị các chiến binh Hồi giáo chặt đầu đã khiến người ta không chỉ xót thương cho số phận của anh mà còn nhận ra thực tế nghiệt ngã: Syria là vùng đất chết đối với các nhà báo, đặc biệt đúng trong trường hợp hành nghề tự do như Foley.

Trong lễ Tạ ơn năm 2012, một phóng viên trẻ, đẹp trai có tên James Foley đã dừng lại bên một quán Internet cà phê tại Tây Bắc Syria, khi đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ hành quyết rùng rợn

Cuộc nội chiến đã tàn phá khu vực và Foley phải tuyển mộ một phiên dịch viên để giúp anh băng qua biên giới. 2 người đàn ông cùng vào trong quán và có khoảng 1 giờ làm việc, trò chuyện với bạn bè.

Sau khi rời quán, họ vẫy một chiếc taxi và bảo tài xế chạy thẳng tới biên giới. Ở nơi nào đó dọc đường, "một băng nhóm có tổ chức" đã dừng chiếc xe và bắt Foley. Cục Điều tra liên bang Mỹ nói rằng người phiên dịch cũng bị bắt nhưng được trả tự do sau đó. Foley không may mắn như thế.


Foley trong đoạn video có cảnh anh bị chiến binh IS chặt đầu

Gần 2 năm trôi qua và chẳng ai biết anh đang ở đâu. Foley đơn giản là biến mất cho tới ngày 19/8 này. Trong một đoạn video được tung lên mạng, Foley mặc bộ đồ màu cam, quỳ bên cạnh một chiến binh thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) mặc đồ đen. Trong đoạn video, Foley có bài phát biểu ngắn lên án chính quyền Mỹ do đã không kích các mục tiêu IS, trước khi thốt lên: "Sau rốt, tôi ước mình không phải là người Mỹ".

Đoạn video đột ngột tối đen. Khi nó có hình trở lại, người ta thấy chiến binh IS đứng cạnh Foley và nói giọng Anh rất nặng, đang cầm một con dao. Gã này chặt đầu Foley, trước khi camera quay sang một phóng viên Mỹ khác.

Tên anh là Steven Sotloff. Anh đã đưa tin ở Syria, Ai Cập, Lybia và bị bắt cóc hồi tháng 8/2013. Gã chiến binh IS nắm lấy áo của Sotloff và tuyên bố: "Obama, mạng sống của công dân Mỹ này, phụ thuộc vào quyết định tiếp theo của ông".

Các phóng viên chiến trường kiểu mới

Đoạn video khủng khiếp này cho thấy một thực tế rằng cả Sotloff và Foley đều dũng cảm đón nhận rủi ro để đưa tin về những gì đang diễn ra ở Syria. Nhưng họ là một kiểu nhà báo khác, không giống các phóng viên chiến trường thế hệ trước - những người dựa vào khoản tiền lương đều đặn và đội ngũ cộng tác viên đông đảo để đưa tin về các cuộc xung đột, từ Việt Nam tới Kuwait.

Sotloff và Foley là các phóng viên tự do. Sotloff đã viết bài cho tạp chí Time, National Interest và tờ Christian Science Monitor. Foley, một phóng viên truyền hình kỳ cựu, làm việc cho trang tin GlobalPost.

Việc họ bị bắt cóc và vụ hành quyết Foley đã nêu lên câu hỏi mới về cách thức báo chí đưa tin liên quan tới các cuộc xung đột lớn nhất hiện nay. Nó cũng khiến người ta phải nhìn vào mối nguy hiểm mà các phóng viên tự do phải đối diện, khi họ mải mê tìm kiếm các đề tài giá trị, với hy vọng tên mình được xuất hiện trên một tờ báo, một hãng tin nào đó.


Phóng viên tự do Austin Tice (phải) trước khi bị bắt cóc

Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) đã gọi Syria là "đất nước nguy hiểm nhất thế giới với các phóng viên". Theo thống kê gần đây nhất của tổ chức này, đã có 69 nhà báo thiệt mạng khi đưa tin cuộc xung đột ở Syria, với đa phần là người bản địa. Hơn 80 nhà báo đã bị bắt cóc tại đây và khoảng 20 người vẫn đang mất tích. Rất nhiều người được cho là đã rơi vào tay IS. Vấn đề là các phóng viên tự do nhiều khi lại nằm ngoài những thống kê này.

Sau cái chết của Marie Colvin vì trúng đạn pháo ở Homs hồi tháng 2/2012, phần lớn các tờ báo phương Tây đã không cử phóng viên tới đây đưa tin nữa. Thế chân họ là một lượng nhỏ các phóng viên tự do, với thu nhập còm cõi, được trang bị thiếu thốn, nhiều khi chỉ vào cuộc với một cuốn sổ tay và chiếc điện thoại di động.

Nhận rủi ro lớn vì ít tiền

Một trong số đó là Austin Tice, cựu đại úy Lính thủy đánh bộ Mỹ quê ở Houston. Anh đã đổi khẩu súng trường lấy cuốn sổ tay phóng viên vào tháng 5/2012. Anh liên lạc với lực lượng Quân đội tự do Syria và vào Syria bằng cách chui qua rào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

“Rất nhiều chuyện đáng chú ý diễn ra mỗi ngày" - anh viết trên Twitter - "Nếu có ai đó muốn thuê tôi thì tuyệt". “Đã vào Syria" - anh viết trong tin nhắn khác, trước khi viết tiếp vào ngày hôm sau - "Tôi đi qua nhiều điểm kiểm soát của quân đội Syria để tới cơ sở gần Hama. Viết lách như thằng hâm, chụp hình liên tục, làm việc như điên".

Tice đã viết vài bài cho tờ Washington Post và một số tờ báo khác. Tuy nhiên anh vẫn muốn được gắn bó hơn với 1 tờ báo. "Tôi thích làm việc cho một hãng tin hơn là làm tự do" - anh viết trên trang LinkedIn - "Tôi có thể viết, quay phim, chụp ảnh, phát biểu. Vì thế nếu hãng tin của bạn đang cần một phóng viên sẵn sàng tham gia hoàn toàn vào một cuộc xung đột và viết bài trong khi người khác không dám, hãy gọi tôi".

Trong ngày 13/8/2012, Tice đã biến mất. Ngoại trừ một đoạn video có cảnh Tice bị bịt mặt và bị các chiến binh có vũ trang giam cầm, người ta đã không còn nghe được tin gì từ anh.

Hiện không rõ chuyện gì đã xảy ra với Tice nhưng các phóng viên tự do khác ở Syria nói rằng họ vẫn thường chấp nhận rủi ro lớn khi tác nghiệp. "Bởi thu nhập bèo bọt đâm ra anh phải tăng tối đa rủi ro, thay vì giảm thiểu" - phóng viên Italy Francesca Borri viết trên tờ Columbia Journalism Review - "Anh chẳng những không có tiền mua bảo hiểm - tới gần 1.000 USD mỗi tháng - mà còn chẳng có tiền để thuê người giúp đỡ hoặc phiên dịch viên. Anh thấy mình đơn độc tại một nơi hoàn toàn xa lạ... Nếu anh bị thương nặng, anh thường hy vọng mình không thể sống sót, đơn giản bởi bị thương là lựa chọn xa xỉ mà anh không có đủ tiền để trả cho việc điều trị".

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›