Nói đến những cửa ô Hà Nội, nhiều người thuộc câu hát trong bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao: "Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh". Những lời ca theo thể hành khúc lại có dáng vẻ trữ tình đặc biệt.
1. Nói đến Hà Nội, chúng ta có hẳn một tập hợp các số đếm cho các hình thái không gian, thực hành văn hóa. Thường thì tập hợp ấy mang hình chóp, từ "vạn nẻo" thu lại "năm ngả đường" để đi vào "năm cửa ô" để đến đúng một điểm: Hà Nội, như một bài thơ nổi tiếng Thương về năm cửa ô xưa đã chỉ ra. Các con số đầy phiếm định hơn là chính xác theo thống kê, nghĩ thoáng đã thấy vậy. Bởi lẽ, như con số 5 cửa ô đã ít hơn con số ta có thể đếm được, thậm chí thống kê ra, có thể lên tới 21. Vì sao lại có sự lựa chọn ấy?
Trước tiên, cửa ô vốn dĩ chính là các cổng ra vào thành, nhưng cái tên gắn với một cách gọi nôm của từ "ổ môn" - với ổ nghĩa là ụ thành, để rồi có từ cửa ô.
Thuật ngữ này xuất hiện trong các văn bản địa chí chính thức như Bắc thành dư địa chí do tổng trấn Lê Chất tổ chức biên soạn dưới thời Minh Mạng, sau đó là một số văn bản vào thời Tự Đức còn nói hẳn có 21 cửa ô: "Đến năm Kỉ Tỵ [1749] đời Cảnh Hưng, cho rằng Kinh sư vốn là vùng đất căn bản, bá quan lục quân đều đóng ở đấy, thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn, bèn lệnh cho dân ở các huyện ven kinh kỳ khởi công đắp thành... Nay thành ấy còn lại di chỉ dài 7762 tầm, với 21 cửa ô" (Dương Bá Cung, "Hà Nội địa dư", soạn theo sắc chỉ của Tự Đức, 1851, Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập địa chí tập 1, Nxb. Hà Nội 2010: 114).
Các cửa ô có tên có thể kể ra như sau, căn cứ các bản đồ trong thế kỷ 19: Yên Hoa (Yên Phụ), Yên Tĩnh (Hàng Than, Yên Định, Yên Ninh), Thạch Khối (Nghĩa Lập), Nguyên Khiết (Yên Ninh, Hàng Khoai, Nghĩa Khiết), Phúc Lâm (Nghĩa Dũng, Hàng Đậu, Tiền Trung), Đông Hà (Quan Chưởng), Trừng Thanh (Ưu Nghĩa, Hàng Mắm), Mỹ Lộc (Nghĩa Lập), Hàng Bạc, Đông Yên (Thương Chánh, Hàng Cau), Trung Liệt (Ông Tượng), Tây Luông (Cựu Lâu, Tràng Tiền, Trường Long, Tây Long), Nhân Hòa (Hàng Dê), Thanh Lãng (Lương Yên, Đống Mác, Lãng Yên), Yên Thọ (Cầu Dền, Yên Ninh, Thịnh Yên), Kim Hoa (Kim Liên, Đồng Lầm, Cầu Muống), Thịnh Quang (Thổ Quan, Chợ Dừa, Thịnh Hào), Thanh Bảo (Vạn Bảo, Cầu Giấy, Kim Mã), Thụy Chương (Quán Thánh, Tây Hồ).
Dĩ nhiên, nhiều cửa ô đã có từ thời Lý, Trần với tên gọi trong các pho sử là các cửa thành, chẳng hạn cửa Tây Dương ứng với ô Cầu Giấy, cửa Chợ Dừa hay cửa Cầu Dền giống với tên ở Hoa Lư thời là kinh đô trước khi Lý Công Uẩn dời đô ra Đại La. Điều quan trọng của các cửa ô và bức tường lũy La thành này là chúng ra đời vào giai đoạn Thăng Long - Kẻ Chợ định hình một không gian đô thị dù chịu nhiều biến động của chiến tranh loạn lạc, nhưng vẫn làm nên một kinh kỳ sầm uất trong một mạch tiếp nối nhiều đời.
Nhưng con số 21 gần như không lưu truyền trong dân gian, và thực tế thì trong số này, chỉ có độ một chục cửa ô còn gắn với những địa danh hoặc đóng vai trò cửa ngõ trên các tuyến đường quan trọng.
Ngoài ra những cửa ô Đồng Lầm, Đống Mác, Tây Long (Tràng Tiền), Phúc Lâm (Hàng Đậu), Nguyên Khiết, Hàng Than, Thụy Chương… vẫn còn hiện diện trong hệ thống địa danh hay hình ảnh tư liệu còn lại.
2. Nếu chọn 5 ngả theo phương vị các cửa ô thì sẽ có: Bắc từ ô Yên Phụ, Đông từ ô Quan Chưởng, Tây từ ô Cầu Giấy, và hai ngả còn lại cân xứng: Đông Nam - ô Cầu Dền và Tây Nam - ô Chợ Dừa. Ngoài việc ứng với các con đường thiên lý và thượng đạo đi ra các vùng tứ trấn phên dậu thời xưa, 5 ngả này có cấu trúc hình sao 5 cánh.
Hình tượng 5 cửa ô dường như mới chỉ xuất hiện sau ngày Lễ tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Các thi sĩ và nhạc sĩ là những người đầu tiên nhìn ra sự tương đồng giữa hình tượng ngôi sao năm cánh trên lá quốc kỳ của nước Việt Nam mới với phương vị 5 cửa ô, họ đã dùng thủ pháp chập hình ảnh trên tấm bản đồ Hà Nội như một bài hát hồi tưởng ngày độc lập đã viết: "
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô" (Ba Đình nắng - Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch, 1947). Hình ảnh này đã nhấn mạnh tính chất quy tâm của Hà Nội như một ý niệm chính trị, văn hóa, mặt khác "ngôi sao - năm cửa ô" tạo ra một truyền thống mới về khắc họa tư duy sử thi cho nơi chốn, mà các cuộc kháng chiến sau đó bồi đắp tiếp.
Có thể kể ra một loạt những ngữ liệu thi ca lấy năm cửa ô làm đại diện nơi ra đi và trở về, ngoài bài ca của Văn Cao còn có: "Năm cửa ô reo bước quân ca vang" (Sẽ về thủ đô - Huy Du, 1948), hoặc chứng kiến những sự đổi thay: "Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô" (Hà Nội niềm tin và hy vọng - Phan Nhân, 1972), "Hà Nội ngàn xưa, năm cửa ô mỗi ngày thêm mới" (Tình yêu Hà Nội - Hoàng Vân, 1983).
Đến giờ thì con số 5 đã thành một số đếm cùng hệ thống với 36 phố phường, thập tam trại hay tứ trấn, tứ quán, những con số thoát thai từ số thực thành những từ làm nên một không gian mang tính văn hóa. 5 cửa ô là một hàm nghĩa biểu tượng cho Hà Nội, nói như thuật ngữ của nhà xã hội học Pháp Henri Lefebvre, đã không gian hóa Hà Nội (spatialization), nghĩa là đứng ra đại diện cho chính Hà Nội.
5 cửa ô là một hàm nghĩa biểu tượng cho Hà Nội, nói như thuật ngữ của nhà xã hội học Pháp Henri Lefebvre, đã không gian hóa Hà Nội (spatialization), nghĩa là đứng ra đại diện cho chính Hà Nội" - Nguyễn Trương Quý
3. Cửa ô Hà Nội trong một thời gian dài đã phân chia không gian nội thành và ngoại ô, giữa khu vực "văn minh" và "nhà quê". Địa thế Hà Nội tuy vậy không thật sự rõ ràng bên trong những cửa ô như một sự tách biệt đảo chiều.
Theo mô hình các thành thị phổ biến thời trung đại, các vòng thành rộng bao ngoài (La thành) sẽ tương đối đồng dạng hoặc cân xứng với phần lõi là các vòng bên trong, nhất là với kiểu tam trùng thành quách cho kinh đô với La thành làm phạm vi Kinh thành, rồi đến Hoàng thành và Tử cấm thành bên trong.
La thành của Thăng Long - Hà Nội dường như không quá chặt chẽ về phong thủy mà nương theo hình thế sông ngòi, được đúc kết trong câu ca dao quen thuộc: "Nhị Hà từ bắc sang đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này". Những dòng sông vừa là thủy lộ, vừa là hào nước tự nhiên cho các bức tường lũy, nhưng dường như mờ dần chức năng phòng thủ, nhất là từ sau khi đắp bức tường lũy năm 1749, thành Thăng Long - Hà Nội không ghi dấu một chiến tích nào nhờ vào sự hiểm yếu hoặc kỳ công của kiến trúc quân sự này. Các cuộc tập kích đánh thành Thăng Long của quân Tây Sơn năm 1789 hay quân Pháp đánh thành Hà Nội cuối thế kỷ 19 lại hầu hết cho thấy tòa thành này khá "vô dụng" về mặt phòng thủ.
Mặc dù được xem như một bản sao quy hoạch của Paris và các thành phố Pháp theo kiểu Haussmann, trong số các công trình tương đồng chức năng cho đô thị, Hà Nội không có một Khải hoàn môn như các đô thành châu Âu.
Khải hoàn môn là một dạng đài chiến thắng xuất phát từ thời La Mã cổ đại, có cấu trúc vòm cuốn trên những trụ cột lớn, đứng độc lập nơi quảng trường hay đại lộ, mà Khải hoàn môn ở quảng trường Ngôi Sao (nay là quảng trường Charles de Gaulle) ở Paris là phiên bản nổi tiếng nhất. Dường như hình thức này đã từng có như một cái cổng nghĩa trang Tây ở Hà Nội song không lưu lại dấu ấn trong chỉ dẫn bản đồ hay tư liệu, ngoại trừ một bức ảnh. Thứ gần gũi nhất còn đến giờ chính là ô Quan Chưởng, khi bức tường lũy La thành đã biến mất, và cửa ô với ba vòm gạch cuốn cùng một tòa lầu có mái đao cong bên trên phù hợp để trở thành một dạng Khải hoàn môn.
Nếu Khải hoàn môn Paris đã trở thành một biểu tượng đô thị đi vào phông cảnh văn hóa như tiểu thuyết của Erich Maria Remarque thì cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội cũng trở thành một Khải hoàn môn đón "trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về" như bài ca Tiến về Hà Nội của Văn Cao.
Chính Văn Cao cũng đã nhiều lần viết về cửa ô trong thơ, nhạc từ trước đó. "Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa. Bóng xưa ngàn năm hồ phai khi tàn mơ" (Thăng Long hành khúc ca, 1943). Những câu thơ viết về cửa ô Chợ Dừa, giáp với những xóm cô đầu phố Khâm Thiên, nơi Văn Cao gọi là phường Dạ Lạc tương phản trong cảnh nạn đói năm Ất Dậu:
Cửa ô đau khổ
Bốn ngả âm u
(Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu
Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)
("Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc", 1945)
Cảm xúc của con người đối diện với cửa ô thời khắc "loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương" của Văn Cao có phần chia sẻ với nỗi buồn lưu lạc và của Remarque ở một Paris chìm trong sương mù của ngày bại trận. "Trước mắt họ, Khải Hoàn Môn từ trong bóng tối lộ rõ ra, nổi bật trên nền trời giăng mưa bụi… Nó như đang giơ vai đỡ bầu trời buồn rười rượi và che chở cho ngọn lửa nhợt nhạt và đơn côi đang bập bùng trên phiến đá mộ người Lính Vô Danh: trong đêm thanh vắng, đó dường như là phần mộ cuối cùng của nhân loại" (bản dịch của Cao Xuân Hạo).
Cũng cửa ô của Văn Cao, khi bước vào cuộc kháng chiến, đã hiện diện với sắc thái đậm gắt như một bức tranh lập thể mà Văn Cao khi ấy đang hình thành bút pháp:
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
Ơi cửa ô, cửa ô dài dằng dặc
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao
… Xác anh vùi lửa đạn
Xác em vùi bên anh
Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh
Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành
("Ngoại ô mùa Đông 46", 1946)
4. Cho dù các cửa ô cuối cùng ngoài ô Quan Chưởng chỉ còn tồn tại muộn nhất đến năm 1896 như ô Cầu Dền, chúng chỉ còn ngữ nghĩa về mốc giới hành chính, vẻ bi tráng của cửa ô được thơ ca đắp lên hình hài bằng câu chữ, nhạc điệu.
Trong những bức tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái, ô Quan Chưởng cũng được vẽ tách biệt với nhà cửa xung quanh, tựa như một đài kỷ niệm của một thời quá khứ. Mặc dù di tích cửa Bắc của thành Hà Nội vẫn còn hiện diện trên mặt phố Phan Đình Phùng song việc không thể đi xuyên qua đã khiến cổng vòm đồ sộ này không có được sự gần gũi như ô Quan Chưởng.
Cửa ô giản dị mỗi ngày nhỏ bé hơn giữa những ngôi nhà nhiều tầng lân cận, nhẫn nại trong cuộc đua lưu giữ ký ức con người.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em năm cửa ô
Năm cửa gió…
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?
("Em ơi Hà Nội phố" - Phan Vũ)
Trong ký ức của nhà thơ Phan Vũ về khung cảnh bom đạn của tháng Chạp 1972, cửa ô vẫn tiếp tục được hiện diện như một sự bền bỉ, của thứ "ta còn em", của những thứ còn trong tâm tưởng. Sau cả nghìn năm xuất hiện và sau 275 năm tạo nên một hệ thống, chỉ còn lại duy nhất một nhưng đủ để làm nên hồn vía một thời, dường như cửa ô Hà Nội đã có được một vị thế ngang với những đền đài hay di tích hoành tráng hơn nhiều lần. Sự bồi đắp của văn học nghệ thuật và tình tự dân tộc khiến cho cửa ô đứng vững như một Khải hoàn môn trong mỹ cảm mang tên Hà Nội.
"Chỉ còn lại duy nhất một (ô Quan Chưởng) nhưng đủ để làm nên hồn vía một thời, dường như cửa ô Hà Nội đã có được một vị thế ngang với những đền đài hay di tích hoành tráng hơn nhiều lần" - Nguyễn Trương Quý.
Tags