(Thethaovanhoa.vn) - Viết từ câu chuyện thật, Khúc đắm say tuyệt vọng của Camelia Dương khiến nhiều độc giả xúc động với cách mà cô chia sẻ về tình yêu của mình.
- Nhà văn Trần Chiến và 'Chín bỏ làm mười': Vừa thử độc giả, vừa... thử mình
- NXB Hội Nhà văn: Hào quang 'tác phẩm mới'
- Nhà văn Đặng Hiển đã 'Đọc, Viết - Học' như thế!
Chỉ dày hơn 100 trang, Khúc đắm say tuyệt vọng (vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành) là câu chuyện về tình yêu của một thiếu phụ vừa trở về Việt Nam. Khởi đầu, tới cao trào rồi vĩnh viễn dừng lại, tình yêu ấy vừa có những rung cảm rất mực đắm say, vừa có cả sự cay đắng pha lẫn tuyệt vọng của một người đang theo đuổi thứ không thuộc về mình.
Sinh năm 1985, từng sống và làm việc tại Czech, Camelia Dương (Dương Hương Trà) có cuộc trò chuyện với Thể thao &Văn hóa (TTXVN)
* Nhiều độc giả đánh giá rằng “Khúc đắm say tuyệt vọng” làm họ xúc động và tìm thấy ở đó một phần câu chuyện của mình. Bạn có bất ngờ khi biết điều này?
- Tôi nghĩ, câu chuyện có thật với cảm xúc thật bao giờ cũng dễ đi vào lòng người và tạo ra sự đồng cảm từ độc giả. Sau khi tôi viết sách, có rất nhiều người liên lạc với tôi và chia sẻ câu chuyện của mình. Họ bảo, cuốn sách làm mình nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ, khi từng yêu một ai đó hết dạ hết lòng đến quên cả bản thân mình.
Thật ra, trong xã hội có rất nhiều tình yêu như vậy, nhưng người trong cuộc không đủ can đảm để kể lại hoặc viết ra. Họ, bằng cách này hay cách khác, đều muốn xếp câu chuyện của mình vào một góc sâu kín nào đó trong trái tim - để rồi có một dịp nào đó lại được gợi mở và tìm về những mảnh ký ức đẹp đẽ trong quá khứ.
Tôi hiểu điều ấy, nhưng vẫn bị bất ngờ, khi có những người đọc tin tưởng và trải lòng với tôi về những câu chuyện rất riêng tư - mà họ có lẽ đã nghĩ mình sẽ không thể nói được với ai. Đó là phần thưởng, và cũng là một sự động viên để tôi tin vào cuốn sách của mình.
* Vậy bạn có viết cuốn sách này dựa trên một hình mẫu hoặc cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết nào không?
- Hoàn toàn không. Khi viết, tôi chỉ hồi tưởng lại ký ức và mối tình tuyệt vọng đã từng tồn tại của mình. Cảm xúc như một dòng chảy liền mạch. Lúc ấy, tôi muốn lưu giữ lại những mảnh ghép của quá khứ để cho tất cả những đớn đau và đẹp đẽ ấy không bao giờ biến mất. Tức là viết cho chính mình và cho người ấy, chứ không phải để xuất bản.
Tình cờ, tôi có nhờ nhà văn Tạ Duy Anh đọc và sửa chữa lỗi kết cấu cho bản thảo. Chú nói với tôi: "Đọc sách, có những lúc muốn thời gian ngưng lại, nén một tiếng thở dài, nhìn đồng hồ và chỉ ước quay ngược lại được kim đồng hồ... Hãy cho cuốn sách được xuất bản đi, vì đó là một chuyện tình yêu quá đẹp”. Cái tên Khúc đắm say tuyệt vọng cũng là do chú Tạ Duy Anh đặt, vì chú nói cuốn sách giống như một khúc nhạc làm người ta ám ảnh, day dứt.
* Văn chương là hư cấu, nhưng tại sao bạn luôn nhấn mạnh rằng mình viết sự thật? Và điều gì khiến bạn chọn cách tiếp cận ấy, dù nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của bạn?
- Tôi là người yêu văn học cổ điển từ nhỏ. Tôi yêu văn học lãng mạn dựa trên những câu chuyện có thật. Với tôi, bản thân sự thật của những câu chuyện đã mang một sức nặng nhất định và có sức mạnh lay động tâm trí người đọc.
Tôi cũng là người thích đọc tiểu thuyết hư cấu nhưng với tư cách người viết, tôi không thể bịa đặt ra được một câu chuyện mà không có cảm xúc thật. Tôi cũng đã thử việc đó vài lần và luôn luôn cảm thấy không hài lòng với chính bản thân mình. Nó giống như bạn cứ phải nói dối tất cả mọi người để tìm sự cảm thông vậy, nên tôi đã bỏ đi và chọn những điều có thật để viết.
* Nghĩa là cuốn sách tuyệt đối không có hư cấu gì?
- Tôi đã gần như để nguyên bản sự thật ở mọi tình tiết, từ những câu thoại, tin nhắn tới những hành động được ghi nhớ trong lòng mình. Cả những kỷ vật được nhắc tới trong cuốn sách cũng đều tồn tại.
Thật nhất trong cuốn sách có lẽ là nỗi đau. Giống như tôi viết: “Cảm giác đau đớn nhất chính là cảm giác yêu một người mình không thể yêu, nhớ một người mà mình không được phép nhớ, bất lực với chính bản thân mình. Nó giày vò bản thân đến cùng cực...". Với tôi, chỉ nỗi đau mới có thể biến cảm xúc thành văn chương theo cách ấy.”Giả sử tôi và nhân vật nam chính hạnh phúc với nhau thì cuốn sách có lẽ không bao giờ ra đời, và nó sẽ không chạm được vào cảm xúc.
* Cuối cùng, bạn có định tiếp tục đi theo con đường viết văn không?
- Tôi là người rất tin vào nhân duyên. Và tôi tự thấy mình là người có duyên và nhạy cảm với nghệ thuật. Tôi nghĩ tôi sẽ có đủ sự kiên trì để theo đuổi đam mê của mình. Còn lại, tôi hi vọng vào những điều may mắn ở phía trước.
* Cám ơn Camelia Dương về cuộc trò chuyện.
Sơn Tùng
Tags