(Thethaovanhoa.vn) - Nhà viết tiểu sử Claire Harman nói rằng Emily Bronte, tác giả cuốn tiểu thuyết bất hủ Đồ gió hú (Wuthering Heights) có thể mắc chứng tự kỷ sau khi nghiên cứu về một số đặc điểm tính cách của bà.
- Cuộc đời chị em tác giả tiểu thuyết ‘Đồi gió hú’ lên phim
- Bond Girl Gemma Arterton đóng phim “Đồi gió hú”
Nữ văn sĩ Anh Emily Bronte (1818-1848)
Một trong những cơn nóng giận "khét tiếng" nhất của Emily đã được nhà viết tiểu sử đầu tiên đồng thời là nhà văn đồng nghiệp Elizabeth Gaskell ghi lại trong cuốn tiểu sử hồi năm 1857, rằng con chó của gia đình Emily đã bị "mù dở và bị làm cho u mê đần độn" sau khi Emily đấm vào mặt chú chó vì nó đã làm bẩn đống quần áo đã giặt. Harman cho biết, vụ việc mà Gaskell kể “chỉ là một dấu hiệu trong cá tính rất mạnh của Emily".
“Tính cách của Emily thật sự rất đáng lo ngại. Tôi nghĩ các chị em của nhà văn và mọi người đều sợ hãi Emily. Tôi nghĩ Emily mắc chứng tự kỷ. Bà là một thiên tài và có tự do tưởng tượng... Emily là người rất hấp dẫn, tuy nhiên trong gia đình sự hiện diện của bà luôn bị coi là gây phiền hà" – Harman nói.
Tại sự kiện nêu trên, Harman còn bác bỏ những giả thuyết cho rằng các cuốn sách của chị em nhà Bronte đều do một người viết và em trai của Emily là tác giả một phần trong tiểu thuyết Đồi gió hú. Harman cho rằng sở dĩ có giả thuyết như vậy bởi Đồi gió hú là cuốn sách quá đặc biệt".
Tiểu thuyết "Đồi gió hú" được xuất bản bằng tiếng Việt
"Mọi người có xu hướng đa cảm hóa Emily. Họ nói rằng cuốn tiểu thuyết lãng mạn yêu thích của họ là Đồi gió hú. Tuy nhiên, tôi không coi đây là cuốn tiểu thuyết lãng mạn bởi đó trong đầy những chi tiết bạo lực" – Harman nói.
Emily có nhiều đặc tính giống người cha Patrick của mình. "Ông truyền đạt cho các con những mối quan tâm của mình trong ngày. Những đứa con của Patrick chẳng thích gì khác ngoài việc đọc báo cáo của quốc hội xung quanh lò sưởi. Ông Patrick không hạn chế các con về mặt trí tuệ, song ông là người rất lạnh lùng và có thái độ kỳ lạ. Ông là người rất tự cao tự đại và tôi nghĩ ông cũng hơi mắc chứng tự kỷ".
Sau khi hoàn thành cuốn tiểu sử về nữ văn sĩ Charlotte nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của bà, Harman cho biết bà đang háo hức được thấy cuốn tiểu sử về Emily trong vòng 2 năm tới.
"Năm 2018 là kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh Emily (30/7/1818), song tôi e là hơi trễ để viết cuốn tiểu sử về Emily, nhưng tôi nóng lòng được thấy cuốn tiểu sử của bà do các cây bút khác viết, bởi Emily là một con người cực kỳ đặc biệt" – Harman bày tỏ.
Cảnh trong phim "Đồi gió hú" (1939) của đạo diễn William Wyler
Emily là người thứ tư trong số 6 người con của Patrick Bronte và Maria Branwell. Tháng 5 năm 1826, hai người chị cả, Maria (sinh 1814) và Elizabeth (sinh 1815), chết vì bệnh lao. Trong hoàn cảnh đó, năng khiếu văn học của mấy chị em nảy nở một cách lạ thường. Suốt thời thơ ấu sau khi mẹ mất, ba chị em và người em trai Patrick Branwell Bronte sáng tạo ra những vùng đất tưởng tượng, các địa điểm này được dùng trong tác phẩm của họ về sau. Rất ít tác phẩm của Emily trong thời này còn được lưu lại, ngoại trừ những bài thơ được đọc bởi các nhân vật trong Thời thơ ấu nhà Brontes (Fannie Ratchford - 1941).
Năng khiếu thơ của Emily được Charlotte phát hiện. Sau đó ba chị em cùng in chung một tập thơ năm 1846, Tuyển tập thơ của Currer, Ellis và Acton Bell. Năm 1847, Emily tự xuất bản cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, Đồi gió hú.
Đồi gió hú kể về mối tình không thành giữa Heathcliff và Catherine Earnshaw. Tuy nhiên, sự đam mê không thể hóa giải giữa hai người đã tiêu diệt chính họ và cả những người thân khác xung quanh.
Tác phẩm này được coi là một tiểu thuyết kinh điển của văn học Anh với một cấu trúc rất sáng tạo. Đồi gió hú đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, nhạc kịch và được nhắc tới cả trong các ca khúc.
Giống như các chị em của mình, sức khỏe của Emily suy yếu rõ rệt do thời tiết khắc nghiệt. Bà bị nhiễm lạnh trong lễ tang chôn cất em trai và mắc bệnh lao. Emily kiên quyết không dùng thuốc và qua đời ngày 19/12/1848.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp
Tags