Tác giả Sơn Tùng: "Luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực"

Thứ Tư, 21/08/2024 07:30 GMT+7

Google News

Nguyễn Sơn Tùng sinh năm 1990, viết báo từ những năm 20 tuổi và gắn bó với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã 13 năm. Sơn Tùng chủ yếu dịch thuật và viết bài tổng hợp mảng thể thao từ thông tin quốc tế. Hành trình tìm kiếm thông tin trên Internet là một thế giới thăm thẳm mà anh thích đắm mình trong đó.

Sơn Tùng là cây bút có năng suất rất ấn tượng, với rất nhiều bài báo, nhưng việc một trong số đó xuất hiện trong sách giáo khoa với anh là niềm vui quá bất ngờ. Bài Báo Thái chỉ ra 5 nguyên nhân giúp bóng đá Việt Nam thống trị Đông Nam Á đăng trên báo Thể thao và Văn hóa vào cuối năm 2019 đã được đưa vào sách Tiếng Việt 6, tập 2, bộ Cánh diều, với tựa mới là Điều gì giúp bóng đá Việt Nam chiến thắng?

Viết với niềm phấn khích

Những năm 2018 - 2019, người hâm mộ bóng đá Việt Nam được sống trong niềm vui với những thành tích của Đội tuyển U23 cũng như Đội tuyển quốc gia như: Á quân tại vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, Huy chương Vàng SEA Games năm 2019... Đó là khoảng thời gian truyền thông trong nước và quốc tế không ngại dùng nhiều mỹ từ ca ngợi những chàng trai có biệt danh "Những chiến binh sao vàng".

Tác giả Sơn Tùng: "Luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực" - Ảnh 1.

Tác giả Sơn Tùng

Tất nhiên, một người yêu bóng đá như Sơn Tùng không sống ngoài niềm vui chung của người hâm mộ. Sau mỗi trận thắng, anh thường lên mạng tìm xem báo chí quốc tế nói gì về những cầu thủ và "thấy sướng" khi biết họ tán thưởng các chàng trai của chúng ta. Tuy nhiên, với tư duy của một người viết báo, Sơn Tùng thích tìm những bài viết phân tích khách quan, chứ không chỉ mang tính cảm xúc.

Cuối năm 2019, tờ Smmsport của Thái Lan đã có một bài viết về 5 lý do khiến bóng đá Việt Nam có nhiều trận thắng liên tiếp. Đồng ý với những phân tích ấy, Sơn Tùng đã phản ánh lại trên tờ báo anh đang làm việc. Sơn Tùng chia sẻ rằng anh viết bài này trong niềm vui, phấn khích về những thành công của bóng đá Việt Nam tại thời điểm ấy. Các cầu thủ đá với tinh thần tự tin, không chùn bước, mang về những trận thắng thuyết phục cả giới chuyên môn và người hâm mộ trung lập.

Bài báo dài được đưa lại đầy đủ, nằm trọn 3 trang sách, mang lại cho tác giả của nó một niềm vinh dự. Nó đã vượt qua tính chất thời sự vốn có của báo chí mà được lưu trữ lâu hơn và hằng năm sẽ được gặp các em học sinh. Khi đến với học sinh, bài viết này đã mang một ý nghĩa khác, lớn hơn. Hy vọng khi học, các em sẽ hiểu để có những thành tích tốt, cả trong thể thao cũng như mọi lĩnh vực khác, đều phải cần có những sự tập trung đồng bộ và hơn hết, khi đã chọn việc gì thì làm nó bằng ý chí mạnh mẽ và sự hết lòng.

Viết những điều tích cực

Hỏi Sơn Tùng rằng mê bóng và đã viết bài với niềm yêu mến đội tuyển, vậy thì có buồn không khi thành tích tốt chỉ kéo dài chưa đến 5 năm, bóng đá Việt Nam dần đi xuống. Anh đã trả lời: "Cũng có buồn, nhưng tôi luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Bóng đá dường như có tính chu kỳ, rồi đội tuyển chúng ta lại sẽ có những thành tích tốt hơn trong tương lai".

Tác giả Sơn Tùng: "Luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực" - Ảnh 2.

Bài trên báo “Thể thao và Văn hóa” của Sơn Tùng được đưa vào sách “Tiếng Việt 6”, tập 2, bộ Cánh diều

Đó cũng là quan điểm làm việc của Sơn Tùng, thích viết những điều tích cực. Khi viết bài về việc huấn luyện viên cầu lông người Thái Lan Pakkawat Vilailak đã xuống sân chỉ đạo tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh của chúng ta ở giải Super 500 Phần Lan mở rộng 2023 (Arctic Open 2023), dù đây là một sự kiện gây tranh cãi, nhưng Sơn Tùng vẫn thích chọn phản ánh góc tích cực. Không chỉ tìm xem các báo nước ngoài viết gì về việc này, đặc biệt là báo Thái Lan, Sơn Tùng còn tìm đến trang Facebook của vị huấn luyện viên người Thái Lan nói trên và rất tâm đắc khi ông viết: "Tôi muốn tất cả những ai yêu thể thao hiểu rằng thể thao là cái đẹp. Thể thao là tình bạn, biết cách giành chiến thắng cũng như chấp nhận thất bại, biết cách tha thứ".

Bài báo này đã nhanh chóng gây được sự chú ý của bạn đọc, được các trang fanpage về thể thao dẫn lại, không chỉ vì một sự việc có tính tranh cãi, mà là vì nó cho thấy được vẻ đẹp và tinh thần cao thượng của thể thao.

Sơn Tùng hiện đang là cây viết năng nổ của báo Thể thao và Văn hóa, vì anh rất thích công việc mình làm, đặc biệt thích viết những bài cho thấy thế giới nhìn như thế nào về thể thao Việt Nam. Dù chủ yếu làm online, không trực tiếp tác nghiệp ở hiện trường, nhưng dịch, tổng hợp các thông tin trên báo chí nước ngoài để viết bài đã giúp Tùng thấy được cái nhìn ở nhiều góc độ, từ các nhà chuyên môn và phóng viên, từ đó có cái nhìn đa chiều và cách viết đa dạng hơn.

Tò mò hỏi Tùng học ngoại ngữ như thế nào để dịch nhanh và chính xác, anh chàng trả lời ngắn gọn, như tính kiệm lời của mình: "Tôi học ngoại ngữ cũng bình thường thôi, cố gắng dịch sao cho độc giả dễ hiểu và viết một cách khách quan nhất có thể. Dịch thể thao thì mềm mại hơn các lĩnh vực khác".

"Nghề báo luôn phải bám sát những diễn biến của cuộc sống, nên dù là ngồi một chỗ thì tôi vẫn sống với thời sự, luôn thấy cuộc sống có những thay đổi đa dạng, nên không chán đâu" - Sơn Tùng.

Học cách làm báo chuyên nghiệp

Quê ở Lạng Sơn, nhưng Sơn Tùng theo gia đình chuyển đến Hà Nội sống và học trung học ở đây. Khi ấy, gia đình và bạn bè xung quanh chẳng có ai làm báo, nhưng vì thích đọc những tin tức thể thao nên anh quyết định thi vào ngành báo chí. Năm 2012, Sơn Tùng xin về thực tập ở báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) khi còn là sinh viên Khoa Báo chí và Tuyên truyền của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tác giả Sơn Tùng: "Luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực" - Ảnh 4.

Tùng nói: "Tôi mê thể thao, hồi còn sinh viên ngày nào cũng đọc báo Thể thao và Văn hóa nên muốn xin về đây thực tập. Tôi rất thích môi trường làm việc ở đây. Tôi về làm ở phòng online, được sự dìu dắt tận tình của những người đàn anh như nhà báo Đức Lộc, Trần Giáp...".

Họ đã chỉ dẫn Tùng cách tìm thông tin hay, khai thác thông tin và biết đâu là thông tin độc đáo thu hút độc giả. Thể thao và Văn hóa gần như phát hành mỗi ngày, cùng với báo điện tử và các bản tin truyền hình, nên luôn cần lượng tin, bài vở rất lớn. Điều này đòi hỏi phóng viên phải có tác phong nhanh nhẹn để đảm bảo tính thời sự, làm việc chính xác.

Môi trường làm việc tuy áp lực nhưng cũng chính là nơi rèn luyện tốt, giúp anh nhanh chóng trưởng thành.

Bài Huấn luyện viên Thái Lan giải thích lý do xuống sân hỗ trợ "hot girl" cầu lông Việt Nam, được cổ động viên hết lời khen ngợi kể trên cũng là kết quả của sự nhanh nhạy như thế. "Đầu tôi nhảy số rất nhanh, rằng bạn đọc sẽ quan tâm" - lời Sơn Tùng nói vui về một trong những bài viết được nhiều người đọc nhất của mình.

Làm báo là một công việc đòi hỏi sự năng động, từ khi các tòa soạn phát triển mảng online thì đòi hỏi phóng viên làm việc "tốc độ" hơn và cũng đa năng hơn. Sơn Tùng rất vui vì được làm việc trong một môi trường làm báo chuyên nghiệp, thường xuyên đào tạo nghiệp vụ cho phóng viên như kỹ năng quay dựng clip, làm đồ họa và nhiều thứ khác liên quan đến công nghệ như ứng dụng Chat GPT vào công việc...

Trong mắt mọi người, phóng viên là người "lăn lộn" ở hiện trường, phỏng vấn nhân vật... nhưng Tùng thì đối diện với máy tính và khai thác thông tin trên mạng. Hỏi có chán không, Tùng cười hiền: "Tòa soạn phân công mỗi người một việc, ai mạnh về việc gì thì làm việc đấy. Nghề báo luôn phải bám sát những diễn biến của cuộc sống, nên dù là ngồi một chỗ thì tôi vẫn sống với thời sự, luôn thấy cuộc sống có những thay đổi đa dạng, nên không chán đâu".

Anh tâm sự thêm rằng: "Làm báo phải tự đòi hỏi mình khó hơn mỗi ngày, như lúc mới vào nghề chỉ cần có bài đăng báo là thấy vui rồi, nhưng giờ thì khác, tôi đặt ra tiêu chí cao hơn về độ lan tỏa, thu hút bạn đọc cao hơn trong mỗi bài viết của mình, nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa".

Vài nét về Sơn Tùng

Nguyễn Sơn Tùng sinh ngày 1/10/1990, quê Lạng Sơn. Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Tốt nghiệp Khoa Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Viết bài cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) từ năm 2013.

Lâm Hạnh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›