(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 6 vừa qua đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một cột mốc vô cùng đáng nhớ khi đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại vòng loại thứ 3 của một kỳ FIFA World Cup. Và khá thú vị, khi cột mốc lịch sử ấy được 14 phóng viên thể thao của nước nhà trực tiếp ghi lại trên đất nước UAE, giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Là một trong 14 phóng viên có vinh dự được đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử này, tôi đã có cơ hội được ghi lại những khuôn hình, được kể những câu chuyện mà chắc chắn sẽ là kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời làm báo của mình.
Trước khi lên đường cùng đội tuyển Việt Nam vào cuối tháng 5 trên chuyến chuyên cơ của hãng hàng không Bamboo Airways, tôi không phải không có những suy nghĩ lo lắng về việc có nên thực hiện hành trình này hay không, khi nỗi lo về dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi (cho đến thời điểm đó thì mỗi ngày UAE vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca nhiễm mới và tình trạng này đã kéo dài suốt từ cuối tháng 5), trong lúc vẫn còn việc riêng rất quan trọng ở gia đình, và bản thân tôi cũng chưa kịp tiêm mũi vaccine nào do vướng lệnh cách ly tại nhà vì từng đi Đà Nẵng hồi đầu tháng 5.
Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thông tấn quốc gia, tôi tự nhận thấy mình phải hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan giao phó là có mặt tại UAE cùng đội tuyển Việt Nam để sẵn sàng ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi được lên chuyên cơ cùng thầy trò HLV Park Hang Seo mà chúng tôi đã có trải nghiệm này ở VCK U23 châu Á năm 2018 và AFF Cup 2018 với 2 hãng hàng không khác nhau, nhưng chuyến đi ngày 26/5 thì thật đặc biệt, bởi đây là hành trình được thực hiện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Vì thế, mọi quy trình thủ tục cũng được tiến hành theo cách không như bình thường để bảo đảm các quy chuẩn an toàn trong mùa dịch.
Trong suốt hành trình từ Hà Nội sang Dubai, các thành viên đội tuyển Việt Nam được yêu cầu không rời khỏi vị trí ngồi khi không có việc cần thiết và trừ đội ngũ tiếp viên, không ai được phép tiếp cận các cầu thủ nếu không có sự cho phép của HLV Park Hang Seo.
Cũng vì thế mà dù rất nhiều phóng viên mong muốn được ghi hình ảnh Ban huấn luyện, các cầu thủ đội tuyển Việt Nam sinh hoạt trên khoang VIP trên hành trình đầu tiên với nhà tài trợ vận chuyển Bamboo Airways, nhưng sau khi Bamboo Airways tham khảo ý kiến của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thì chỉ có duy nhất phóng viên của báo Thể thao và Văn hoá (Thông tấn xã Việt Nam) và một quay phim của Đài truyền hình Việt Nam VTV được chỉ định chụp ảnh và quay phim các tuyển thủ trên khoang, nhưng trước khi thực hiện cũng phải nhờ trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa nói chuyện với ông Park và HLV người Hàn Quốc còn cử cán bộ truyền thông đi theo đội giám sát tại khoang VIP cho tới khi công việc này hoàn tất.
Nhưng để cảm nhận thực sự của chúng tôi về việc đi tác nghiệp mùa dịch chỉ đến khi máy bay giảm dần độ cao để hạ cánh xuống sân bay Dubai. Số là trước khi chuẩn bị hạ cánh, cơ trưởng đã thông báo mọi thành viên trên máy bay phải mặc trang bị bảo hộ toàn thân theo yêu cầu của nước chủ nhà trong mùa dịch.
Công việc này được thực hiện trước khi máy bay bắt đầu giảm độ cao và đến khi cơ trưởng cho máy bay tiếp đất thì tất cả các thành viên trên máy bay đều đã kín mít trang phục bảo hộ, kể cả đội ngũ tiếp viên, cho dù họ không xuống mặt đất nghỉ ngơi như thông lệ mà trở về Việt Nam ngay trong đêm cùng với đội tuyển futsal Việt Nam, những người cũng vừa lần thứ hai giành quyền tham dự VCK FIFA Futsal World Cup lịch sử ngay trên đất UAE.
Vậy là đội tuyển Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Dubai trong trang phục bảo hộ kín như bưng, vì tất cả đều đội mũ áo, đeo kính nên rất khó phân biệt ai với ai.
Tại sân bay Dubai vào tối ngày 26/5 đó thì gần như chỉ có duy nhất đội tuyển Việt Nam và các phóng viên là tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề bảo hộ cho tới khi về tận khách sạn, còn xung quanh sân bay là khung cảnh gần như bình thường, và khác biệt duy nhất so với mọi khi chỉ là ở đây các hành khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ việc giãn cách.
Nhưng việc phải mặc bộ đồ bảo hộ tại sân bay chẳng thấm tháp gì so với thông tin mà chúng tôi vừa nhận được khi mới hạ cánh, là chủ nhà UAE chỉ cho 5 phóng viên ảnh vào sân tác nghiệp ở mỗi trận đấu tại vòng loại World Cup để bảo đảm yêu cầu phòng dịch.
Tin này thật chẳng khác nào "sét đánh ngang tai", vì có tới 8 phóng viên ảnh từ Việt Nam sang UAE, ai cũng phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro để đến Dubai, chưa kể còn áp lực tin bài từ cơ quan, làm sao chọn được 5 người vào sân và 3 người ở nhà đây?
Không những thế, trước đó, theo quy định ban đầu mà UAEFA (Liên đoàn bóng đá UAE) gửi sang cho VFF thì tất cả các buổi tập của đội tuyển Việt Nam ở UAE đều là tập đóng, không cho phép phóng viên có mặt để ghi hình, chỉ duy nhất 3 buổi tập chính thức làm quen sân trước mỗi trận đấu mới mở cửa 15 phút cho phóng viên tác nghiệp mà thôi.
Những thông tin này khiến các phóng viên vô cùng lo lắng, vì thời gian chúng tôi ở Dubai lên tới 21 ngày mà chỉ được tác nghiệp ở 3 buổi tập và 3 trận đấu, lại còn giới hạn số lượng phóng viên ảnh được phép vào sân, thì không đủ để đáp ứng nhu cầu thông tin về đội tuyển Việt Nam từ quê nhà.
Thế rồi, bằng nhiều biện pháp vận động khác nhau, trong đó không thể không kể tới sự hỗ trợ tận tình của ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực VFF, cũng như HLV Park Hang Seo, các phóng viên đã được tác nghiệp đầy đủ ở mọi hoạt động của đội tuyển Việt Nam cũng như các đội tuyển còn lại ở bảng G, tất nhiên là với điều kiện tuân thủ mọi quy định của nước chủ nhà.
Nhờ thế, chúng tôi đã có cơ hội ghi lại đầy đủ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của đội tuyển Việt Nam trong hành trình lịch sử tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.
Khác biệt vì Covid-19 và xét nghiệm PCR Cách đây 2 năm, chúng tôi đã từng tới UAE để tác nghiệp tại VCK Asian Cup 2019, song ở lần trở lại này, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi tất cả, và vì thế quy trình tác nghiệp của phóng viên cũng đã bị điều chỉnh hoàn toàn để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, các phóng viên Việt Nam chỉ được xét nghiệm PCR Covid-19 miễn phí theo quy định của cơ quan quản lý sân bay Dubai ngay khi hạ cánh và nhập cảnh tại sân bay Dubai, và phải ở lại trong khách sạn cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính vào hôm sau mới được phép ra ngoài. Đối với những lần xét nghiệm PCR tiếp theo theo quy định (3 ngày/lần đối với phóng viên ảnh và phóng viên truyền hình có bản quyền; 7 ngày/lần đối với phóng viên báo chí), phóng viên sẽ phải tự thanh toán chi phí do UAEFA không hỗ trợ, mà họ chỉ có thể hỗ trợ cung cấp thông tin về những trung tâm xét nghiệm được công nhận để thực hiện test. Chi phí cho mỗi lần xét nghiệm PCR rơi vào khoảng 150 DHS (tiền UAE), tương đương với hơn 940.000 đồng (940.000Đ). Thông báo ban đầu là như vậy nhưng cuối cùng tất cả các phóng viên ảnh, phóng viên viết và phóng viên truyền hình đều phải tiến hành xét nghiệm PCR với thời hạn 3 ngày/lần, vì ở mọi hoạt động tác nghiệp của giải đấu như buổi tập của đội tuyển Việt Nam, họp báo, trận đấu của đội tuyển Việt Nam cũng như của các đội tuyển còn lại ở bảng G thì việc trình ra kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi vào cửa là thủ tục bắt buộc với mọi phóng viên. Ngày 2/6, khi một số phóng viên Việt Nam xuất hiện tại phòng họp báo trước trận của 2 lượt trận diễn ra vào ngày 3/6 thì được yêu cầu trưng ra kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ gần nhất, và khi trả lời rằng các phóng viên đang chờ kết quả xét nghiệm được thực hiện vào sáng cùng ngày thì lập tức bị mời ra khỏi phòng họp báo, bất chấp việc đã trình thêm cả giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine tại Việt Nam. Quy định của BTC địa phương là các phóng viên khi tham dự sự kiện do BTC như họp báo trước trận, họp báo sau trận, buổi tập chính thức hoặc trận đấu đều phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ gần nhất, không có ngoại lệ, và không liên quan tới việc có tiêm vaccine hay không. |
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hoàng Linh (Phóng viên TTXVN)
Tags