(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một tuần sau khi có mặt tại Dubai để sát cánh cùng đội tuyển Việt Nam trong hành trình chinh phục tấm vé tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, các phóng viên Việt Nam vẫn phải vật lộn với vô số khó khăn trong quá trình tác nghiệp mùa dịch bệnh.
Kết quả vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á bảng G:
* UAE 4-0 Malaysia
* Thái Lan 2-2 Indonesia
-----
Lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á bảng G:
* 23h45 ngày 7/6 Việt Nam vs Indonesia (VTV6, VTV5)
* 23h45 ngày 7/6 UAE vs Thái Lan
* 23h45 ngày 11/6 Malaysia vs Việt Nam (VTV6, VTV5)
* 23h45 ngày 11/6 Indonesia vs UAE
* 23h45 ngày 15/6 UAE vs Việt Nam (VTV6, VTV5)
* 23h45 ngày 15/6 Thái Lan vs Malaysia
* Xếp hạng bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á:
* Xếp hạng các đội nhì bảng:
Trong danh sách ban đầu, có tới 26 phóng viên Việt Nam đăng ký tác nghiệp tại vòng loại World Cup 2022 được nước chủ nhà UAE cấp duyệt visa, nhưng đến ngày đội tuyển Việt Nam lên đường thì chỉ còn 14 phóng viên, bao gồm đầy đủ các loại hình thông tin như phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình, phóng viên viết và cả YouTuber.
Các lượt trận còn lại của bảng G vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được khống chế và ở Dubai mỗi ngày vẫn ghi nhận gần 2000 ca nhiễm mới nên BTC địa phương thực hiện rất gắt gao những quy định y tế.
Nỗi ám ảnh xét nghiệm RT-PCR
Ngày 2/6 vừa rồi, khi một số phóng viên Việt Nam xuất hiện tại phòng họp báo trước trận của 2 lượt trận đầu bảng G diễn ra vào ngày 3/6 thì được yêu cầu trưng ra kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ gần nhất, và khi trả lời rằng các phóng viên đang chờ kết quả xét nghiệm được thực hiện vào sáng cùng ngày thì lập tức bị mời ra, bất chấp việc đã trình thêm cả giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine tại Việt Nam.
Quy định của BTC địa phương là các phóng viên khi tham dự sự kiện do BTC như họp báo trước trận, họp báo sau trận, buổi tập chính thức hoặc trận đấu đều phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ gần nhất, không có ngoại lệ, và có tiêm vaccine hay không thì cũng vậy.
Mà việc tìm được chỗ xét nghiệm RT-PCR tại Dubai cũng chẳng phải là việc đơn giản. Sau khi sang đât, các phóng viên nhận được danh sách một số bệnh viện có thể cung cấp dịch vụ xét nghiệm RT-PCR theo yêu cầu do đại diện Liên đoàn bóng đá UAE chuyển cho.
Tuy nhiên, đến khi liên lạc thì có bệnh viện hồi đáp nhưng không cung cấp thông tin cụ thể, còn có bệnh viện thì thậm chí còn không trả lời điện thoại. Cuối cùng sau một quá trình sục sạo tìm kiếm thì các phóng viên Việt Nam tại Dubai đã tìm được cơ sở xét nghiệm RT-PCR là một phòng khám chuyên thực hiện dịch vụ này cho các thuỷ thủ hoặc nhân viên phục vụ trên các du thuyền sang trọng ở Dubai.
Mức giá chung cho dịch vụ xét nghiệm RT-PCR ở Dubai vào khoảng 130-150 DHS (đơn vị tiền tệ UAE), tương đương 800.000đ tới 1.000.000đ Việt Nam, và tất nhiên các phóng viên phải tự mình chi trả khoản phí này chứ không có bất cứ sự hỗ trợ nào từ nước chủ nhà.
Xét nghiệm RT-PCR tại Dubai trong bối cảnh dịch bệnh ở quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi cũng là một trải nghiệm khó khăn khác. Số là khi các phóng viên Việt Nam ngồi lên taxi và thông báo điểm đến là Onboard Clinic, địa điểm chuyên xét nghiệm RT-PCR, lái xe taxi tỏ ra ngần ngừ, quay sang hỏi chúng tôi: “Các anh đến đó để xét nghiệm Covid-19?”Và khi nhận được câu trả lời là có và dù nhìn thấy chúng tôi đều đeo khẩu trang chuẩn N95, lái xe taxi vẫn vội vã mời chúng tôi xuống với lý do đang bận việc gấp!?
Trước khi lên máy bay sang Dubai cùng đội tuyển Việt Nam, các phóng viên đã phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR và ngay khi vừa hạ cánh ở Dubai là thêm một lần xét nghiệm RT-PCR khác nữa. Nếu làm đúng theo quy định của BTC địa phương là 3 ngày xét nghiệm RT-PCR một lần để được vào sân hoặc vào phòng họp báo thì số lần phải thực hiện lên tới con số 4. Đó là chưa kể thêm ít nhất 4 lần xét nghiệm RT-PCR nữa sau khi trở về Việt Nam. Nói xét nghiệm RT-PCR là nỗi ám ảnh có lẽ cũng chẳng quá lời, dù biết phải làm để đảm bảo sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng.
Chuyến công tác mang theo cả... bỉm người lớn!
Hôm vừa rồi có một đồng nghiệp trong nước gọi sang Dubai để thăm hỏi, nhằm thực hiện một chuyên đề đặc biệt về quá trình tác nghiệp của phóng viên nhân Ngày Báo chí 21/6 sắp tới. Trò chuyện xong xuôi mới nhận ra rằng chuyến đi này của chúng tôi thật sự quá sức đặc biệt, bởi hành trang mang sang Dubai lần này không chỉ có mì gói, đồ hộp mà còn rất nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn, bộ đồ bảo hộ và đặc biệt là có cả... bỉm dành cho người lớn!
Tất nhiên, chẳng ai muốn... đóng bỉm! nhưng đó là thứ không thể thiếu trong hành lý của các phóng viên bởi chặng bay từ Dubai về TP.HCM ngày giải đấu kết thúc sẽ kéo dài khoảng 7 giờ đồng hồ và khó ai có thể nhịn đi vệ sinh trong quãng thời gian dài như vậy nếu không muốn cởi bỏ bộ đồ bảo hộ.
Một đặc trưng nữa của báo chí trong nước cũng khiến quá trình tác nghiệp tại UAE của chúng tôi thêm gặp khó khăn, bởi hầu hết phóng viên Việt Nam bây giờ đều có khả năng kiêm nhiệm nhiều hơn 1 công việc, chẳng hạn có người vừa viết vừa chụp ảnh, hoặc có người vừa chụp ảnh vừa quay phim…
Tuy nhiên, với AFC và BTC địa phương của vòng loại World Cup thì đấy lại là điều cấm kỵ, bởi mỗi phóng viên đều chỉ được thực hiện công việc theo đúng chức năng mà mình đã được đăng ký, như phóng viên ảnh thì chỉ được chụp ảnh, không được tham dự họp báo như phóng viên viết và tuyệt đối không được quay phim dưới mọi hình thức, dù là bằng điện thoại hay máy ảnh cũng đều bị cấm. Bất cứ sai phạm nào cũng có thể dẫn tới hậu quả tức thì là bị tước thẻ tác nghiệp.
Thế nhưng, khó khăn hơn cả vẫn là việc BTC địa phương chỉ cho 5 phóng viên ảnh, 5 phóng viên viết vào sân ở mỗi trận đấu, và điều này khiến cho nhóm phóng viên Việt Nam ở Dubai lâm vào thế khó, vì có tới 8 phóng viên ảnh mà chỉ có 2 phóng viên viết.
Mỗi một phóng viên sang được đến Dubai đều đã tiêu tốn một khoản kinh phí rất lớn của cơ quan chủ quản và cùng với đó là tinh thần vượt khó, không ngại dấn thân, thậm chí là mạo hiểm với tính mạng bản thân, nên để lựa chọn ai được vào sân ai không được vào sân là điều mà chẳng người nào muốn thực hiện.
Ngoài khó khăn về tác nghiệp thì mức giá sinh hoạt đắt đỏ tại Dubai cũng là một thử thách khác dành cho các phóng viên Việt Nam. Do đặc trưng của xứ sở dầu lửa nên hầu hết những sản phẩm thiết yếu của UAE đều được nhập từ nước ngoài, thậm chí nhập từ những nước rất xa xôi như Brazil hay Ecuador nên giá cả của chúng cũng ở mức trên trời.
2 năm trước, chúng tôi từng tới UAE để tác nghiệp tại VCK Asian Cup 2019 và thử thách khi đó với chúng tôi chỉ là mức giá sinh hoạt đắt đỏ ở đây, còn 2 năm sau, Covid-19 đã đem tới thêm cho chúng tôi những thử thách còn nặng ký hơn nữa, mà chỉ có máu nghề mới giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Tại Dubai chỉ có một vài siêu thị lớn mới bán thịt lợn vì đây là sản phẩm không dành cho khách hàng là tín đồ Hồi giáo, nhưng nhìn vào bảng giá thịt lợn thì nhiều người có thể sẽ rất sốc, bởi giá một kg thịt lợn lên tới 600.000 đồng và nguyên nhân là bởi thịt này được nhập khẩu trực tiếp từ Anh. Hay hoa quả cũng là một câu chuyện giật mình khác, bởi tuyệt đại đa số hoa quả ở các siêu thị lớn tại Dubai được nhập về từ châu Âu, Nam Mỹ nên giá cả cũng tương xứng với xuất xứ của chúng, khi một quả dưa hấu không hạt có giá tới 600.000 đồng chỉ vì nó được đưa về từ Tây Ban Nha. Đó là chuyện ăn, còn chuyện di chuyển cũng đau đầu chả kém. Dĩ nhiên bạn không thể kỳ vọng vào việc sẽ có cước phí dễ chịu với taxi, khi tất cả các xe taxi ở Dubai đều là Toyota Camry đời mới, dòng xe thuộc phân khúc D, phân khúc hạng sang ở Việt Nam với giá lăn bánh là hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, cước phí taxi ở Dubai tuy đắt đỏ là thế nhưng vẫn được xem là rẻ nếu so với cước phí Uber, bởi cùng một quãng đường di chuyển nhưng cước phí của Uber đắt gấp đôi so với taxi thông thường, bởi tham gia ứng dụng gọi xe này là những cái tên như Lexus hay BMW. |
Huy Anh
Tags