(TT&VH) - Sau công văn mới nhất (ra ngày 25/4/2011) từ Cục Bản quyền, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang xúc tiến tổ chức một cuộc hội thảo để... trình bày vấn đề trước dư luận và các nhà quản lý. Trước đó, tổ chức này đã tuyên bố tạm ngừng sản xuất vì không chấp nhận mức phí bản quyền mới mà đại diện các nhạc sĩ Việt Nam đưa ra.
Cục Bản quyền: VCPMC có quyền “ra giá”
Sau khi yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) báo cáo, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã có công văn số 59 gửi lên Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL (ngày 25/4/2011). Dẫn theo Luật Sở hữu trí tuệ, công văn cho biết: “Bất cứ tổ chức, cá nhân nào sử dụng tác phẩm đều phải thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chật khác. VCPMC là tổ chức đại diện cho các nhà soạn nhạc, soạn lời, được ra đời hợp pháp, thực hiện các công việc theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Biểu giá được nâng lên cho giai đoạn 2011 - 2012 do VCPMC đưa ra là cơ sở cho việc thỏa thuận giữa bên có quyền và bên sử dụng quyền để được sử dụng tác phẩm”.
Liệu người mua có quay lưng lại với băng đĩa nhạc trong nước nếu tăng giá? (ảnh có tính chất minh họa)
Trước đó, với một loạt công văn trong 2 tháng gần đây, phía VCPMC yêu cầu RIAV từ đầu năm 2011 tăng 100% mức phí sử dụng tác phẩm âm nhạc so với biểu giá trước đó. Theo yêu cầu này, các nhà sản xuất phải trả 1.000.000 đồng/ca khúc khi sản xuất các đĩa CD, VCD và 1.500.000 đồng/ca khúc cho đĩa DVD (mức phí cũ là 500.000 đồng và 700.000 đồng). Sau khi không thể đàm phán với VCPMC về mức phí này, RIAV- đại diện của 56 đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc - đã chủ động ngừng sản xuất các chương trình băng đĩa mới.
“Trước đây, trung bình mỗi tháng, các trung tâm của RIAV ra mắt khoảng 50, 60 chương trình mới” - bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV, giải thích với TT&VH - “Nhưng nếu áp theo mức phí bản quyền mới, chúng tôi phải bù thêm khoảng 5-7 triệu đồng cho mỗi chương trình. Hiện tại, do “bão giá”, mức băng đĩa chúng tôi bán ra chỉ còn khoảng 15% so với trước đây, nếu cộng thêm số tiền phát sinh này thì... càng làm càng lỗ”.
RIAV: Như vậy là “bắt bí” và “cạn tình quá”!
“Ngừng sản xuất chương trình mới, chúng tôi và người tiêu dùng thiệt thòi đã đành. Nhưng, rất nhiều chương trình sản xuất hàng năm có nội dung khơi gợi tình cảm tích cực của người nghe đối với tổ quốc, thậm chí là minh họa cho những chủ trương, chính sách của Nhà nước bằng âm nhạc. Nếu vậy thì người thiệt là ai?” - bà Kim Dung cho biết.
Một mặt khẳng định việc RIAV có trách nhiệm tuân thủ việc chi trả tác quyền, một mặt bà Dung vẫn khẳng định mức giá mà VCPMC đưa ra là quá nặng và không phù hợp với thực tế. Theo lời bà, trong quá trình đàm phán, phía VCPMC có nói tới việc sẽ “xem xét và cân nhắc” lại mức biểu giá mới, tuy nhiên văn bản cuối cùng của Trung tâm vẫn quyết định giữ nguyên mức phí trên.
“Tôi có nghe anh Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC nói trên báo rằng các nhạc sĩ chủ động đưa mức giá mới thì cũng như ông nông dân có quyền “phát giá” cho đống thóc của mình. Thật lòng, nói như vậy là “bắt bí” và cạn tình quá” - bà Dung nói - “Sao anh Phương không nghĩ tới tới việc các hãng băng đĩa tổ chức giúp nhạc sĩ biến bản nhạc trên giấy thành sản phẩm đến được với đại đa số người nghe? Vấn đề ở đây là cách hợp tác và chia sẻ cùng nhau, chứ không phải chuyện mặc cả như mua mớ rau ngoài chợ”.
Hiện, trong khi chờ Bộ VH,TT&DL đưa ra quyết định cuối cùng, phía RIAV dự kiến sẽ sớm tổ chức một hội thảo để trình bày rõ mọi khó khăn của mình trước báo chí và các cơ quan quản lý. Cái lý mà tổ chức này đưa ra là mức phí bản quyền quá cao sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới giá bán đĩa trên thị trường, trong khi RIAV luôn được các cơ quan chức năng yêu cầu ổn định mức giá đĩa theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát.
“Chúng tôi sẽ chấp nhận mức phí mới, nhưng chắc chắn không phải là mức phí tăng 100% như thế. Ngoài ra, phía VCPMC cũng cần cho chúng tôi một thời gian để chuẩn bị cho mức phí mới, đồng thời cung cấp lộ trình tăng phí bản quyền của mình. Nếu lấy lý do trượt giá, sang năm 2012 họ lại nâng mức phí bản quyền lên 200% thì chúng tôi sẽ xử lý thế nào?” - bà Dung nói.
Chiêu Minh