Câu chuyện nhạc sỹ đáng kính Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thân chinh đến tận nơi diễn ra liveshow Khánh Ly tại Đà Nẵng sát giờ diễn để đòi tiền tác quyền đã được một số cư dân mạng ví von như hành động của “cánh dân phòng bắt hàng rong”.
Điều đáng nói là không có nhiều người lên án về hành vi vi phạm bản quyền của ban tổ chức liveshow Khánh Ly, mà đa số tập trung vào hành động thực thi pháp luật theo cách “không giống ai” của Giám đốc Trung tâm VCPMC. Kẻ khen, người chê, bấy nhiêu cũng đủ cho thấy chuyện vi phạm tác quyền đã trở nên quá quen thuộc với công chúng đến mức không nhiều người cho rằng đó là câu chuyện to tát nữa.
Ngay mới đây thôi, trong đêm liveshow Khánh Ly ngày 2/8 tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đã đến tận nơi yêu cầu ban tổ chức liveshow thực hiện nghĩa vụ bản quyền và đã được mời vào phòng họp riêng để “thương lượng” tiền tác quyền. Cũng nhờ vậy mà số tiền tác quyền mà ban tổ chức phải trả đã được giảm từ 268 triệu đồng xuống còn 170 triệu đồng (chưa bao gồm thuế) cho khoảng 20 bài hát sử dụng trong chương trình.
Đã có rất nhiều bình luận khác nhau xung quanh công cuộc thu tác quyền “không giống ai” của Giám đốc Trung tâm VCPMC. Có người tỏ ra thông cảm và chia sẻ với sự dấn thân vất vả của vị nhạc sĩ già trước tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay. Tuy nhiên, cũng không ít người đã than về sự phản cảm trước hành động nhiệt tình, quyết liệt thực thi công vụ của vị Giám đốc VCPMC đến mức không khác gì “đòi nợ thuê”…
Khoan bình luận chuyện đúng hay sai, nên hay không nên trước hành động thân chinh đi đòi tác quyền của vị Giám đốc Trung tâm VCPMC, mà từ câu chuyện ầm ĩ này, chúng ta dễ dàng nhận thấy bức tranh tùy tiện và rất thiếu chuyên nghiệp trong việc bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Việt Nam. Không hề có một quy chuẩn nào trong việc thực thi tác quyền âm nhạc. Việc bảo vệ tác quyền âm nhạc thành công hay không chủ yếu vẫn dựa trên ý thức tự giác của cá nhân, tổ chức. Và từ vụ việc tại liveshow Khánh Ly cũng cho thấy, ngay việc tính biểu giá tác quyền sản phẩm âm nhạc của VCPMC, dù được cho là xây dựng dựa trên cơ sở của Nghị định 61/2002/NĐ-CP, vẫn có thể “thương lượng giảm giá” sau khi ban tổ chức than “ế vé”!
Trước vụ việc này, đã từng có không ít ý kiến kêu ca cách tính biểu giá tiền tác quyền của VCPMC tùy tiện và quá cao so với thực tế, trong khi số tiền thực sự mà các nhạc sĩ nhận được lại chưa tương xứng. Nhiều người cũng cho rằng đây chính là nguồn cơn khiến các đơn vị tổ chức chây ỳ, thiếu hợp tác khi bàn về chuyện thực hiện tác quyền âm nhạc.
Một bầu sô từng than thở rằng: “Với tư cách là trung tâm được các tác giả âm nhạc uỷ thác tác quyền, trung tâm phải làm việc với những tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm bằng quan hệ dân sự mang tính chất thoả thuận, thuận mua vừa bán. Song cách làm của VCPMC mang tính áp đặt hơn là thoả thuận. VCPMC không đưa ra một barem cố định nào cho mức phí này. Cùng một ca khúc với cùng một tính chất chương trình nhưng có lúc thu đến 4 triệu đồng, có lúc chỉ 700 ngàn đồng. Hoặc VCPMC đưa ra mức giá 3 triệu đồng, đơn vị biểu diễn thoả thuận xuống 2 triệu đồng thì được đồng ý y như đi chợ bị nói thách. Không có một căn cứ nào để ra giá cao hay thấp mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự ra giá của VCPMC”.
Có lẽ, chính vì hiện nay việc bảo vệ tác quyền âm nhạc đều trông đợi vào ý thức tự giác và những quy định mang tính tùy tiện như vậy nên mới có chuyện ông Giám đốc Trung tâm VCPMC phải đi đòi công lý theo cách của “cánh dân phòng bắt hàng rong”, còn các bầu sô chây ỳ, cố tình lờ việc thực hiện tác quyền, thậm chí “mặc cả” mức giá tác quyền như ngoài chợ.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, vấn đề thu tác quyền nhạc trên mạng Internet và điện thoại di động được đặt ra rất nghiêm túc với sự bắt tay hợp tác của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Cổ phần Tập đoàn MV (MVCorp) cùng 5 trang nhạc trực tuyến hàng đầu trong nước. Những tưởng câu chuyện bảo vệ tác quyền nhạc số tại Việt Nam sẽ có một tương lai xán lạn hơn khi có sự vào cuộc đầy quyết tâm của những “ông lớn” trong làng nhạc như vậy, song chỉ sau 6 tháng thử nghiệm thu phí, MVCorp đã chính thức bỏ cuộc dù hợp đồng hợp tác ban đầu kéo dài 3 năm.
Dù lý do mà MV Corp đưa ra là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán ở Việt Nam còn thiếu và yếu, trong khi ý thức người sử dụng còn rất kém, song một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ việc thu phí nhạc bản quyền chưa thực sự hiệu quả là do các nhà cung cấp đã chuẩn bị không kỹ càng dẫn đến “làm khó” cho người dùng. Mặc dù chỉ có 5 website tham gia thí điểm thu phí nhưng mỗi website áp dụng một hình thức thanh toán khiến không ít người cảm thấy phiền toái.
Từ câu chuyện này có thể thấy rằng, dù mục tiêu bảo vệ tác quyền âm nhạc là đúng đắn và đáng hoan nghênh, song nếu những điều kiện, quy định đặt ra làm khó “người tiêu dùng” thì mục tiêu đó cũng khó đạt hiệu quả.
Câu chuyện thu tác quyền của Trung tâm VCPMC có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vẫn biết rằng động thái đi tiên phong trong việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là điều đáng hoan nghênh nhằm bảo vệ quyền của các nhạc sĩ, đồng thời góp phần nâng cao ý thức về tác quyền trong cộng đồng.
Tuy nhiên khi mà việc bảo vệ tác quyền âm nhạc đang được thực hiện thông qua một đơn vị duy nhất đại diện cho rất nhiều các nhạc sĩ như VCPMC, thì cần có một quy chuẩn rõ ràng, minh bạch và hợp lý trong việc tính toán biểu giá cũng như cách thu chi tiền tác quyền để đảm bảo tính công bằng cho mọi cá nhân, tổ chức cũng như đảm bảo tính chuyên nghiệp trong việc thực thi tác quyền âm nhạc Việt Nam.
Đã từng có nhạc sỹ đề xuất nên thành lập thêm nhiều trung tâm bảo vệ tác quyền cho tác phẩm nghệ thuật để mở rộng biên độ các tác giả được bảo vệ tác quyền mà còn tạo điều kiện cho các tác giả nghệ thuật nói chung và nhạc sỹ nói riêng có nhiều sự lựa chọn để gửi gắm, uỷ thác tác quyền. Đồng thời còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trung tâm, góp phần thúc đẩy môi trường nghệ thuật biểu diễn phát triển, tôn trọng sở hữu trí tuệ. Có lẽ đây cũng là một ý tưởng đáng tham khảo để câu chuyện bảo vệ tác quyền tại Việt Nam dần dần trở nên chuyên nghiệp và dựa trên cơ sở tự nguyện của “người tiêu dùng” chứ không phải là cảnh “dân phòng bắt hàng rong” trong âm nhạc nữa.
Báo Điện tử Tổ Quốc
Tags