Sau khi thi đấu không thành công tại vòng loại Olympic khu vực châu Á tại Trung Quốc vào cuối tuần qua, Taekwondo Việt Nam đã chính thức trắng tay trong chiến dịch săn vé dự Olympic 2024.
Ghi nhận nỗ lực vượt khó rất lớn của các võ sĩ Việt Nam trong thi đấu tại Trung Quốc song kết quả chung cuộc đã chỉ ra, sự chênh lệch về trình độ chuyên môn là lý do dẫn đến thất bại trong cuộc so tài với các đối thủ cùng châu lục.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của Bạc Thị Khiêm khi để thua ngược Ozoda Sobirjonova (Uzbekistan) trong trận đấu quyết định khả năng giành vé ở hạng 67kg nữ. Bạc Thị Khiêm đã dẫn trước đối thủ trong hiệp 1 và thời gian đầu của hiệp 2, nhưng võ sĩ Uzbekistan là người giành thắng lợi chung cuộc với sự hiệu quả hơn ở thời điểm quyết định.
Trong khi đó, Trương Thị Kim Tuyền (49kg nữ), Nguyễn Hồng Trọng (58kg nam) và Lý Hồng Phúc (68kg nam) đều thi đấu không thành công. Thậm chí, niềm hy vọng số 1 Trương Thị Kim Tuyền còn dừng bước ngay sau trận đầu tiên với thất bại trước Tachiana Mangin (Philippines) chỉ mới có kinh nghiệm qua 12 trận đấu ở cấp độ thiếu niên và trẻ.
Kết quả giành được trong suốt quá trình thi đấu tranh vé dự Olympic 2024 của ĐTQG Taekwondo đã bộc lộ những hạn chế về chuyên môn và là tiếng chuông báo động đối với môn võ từng là mũi nhọn của thể thao Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.
Tại Olympic Sydney 2000, Taekwondo gây tiếng vang lớn với tấm HCB của Trần Hiếu Ngân (cũng là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam trong lịch sử tham dự Thế vận hội) và thường xuyên có đại diện tham dự các kỳ Đại hội sau đó.
Cụ thể, tại Olympic Athens 2004 có 2 VĐV, Olympic Bắc Kinh 2008 có 3 VĐV, Olympic London 2012 có 2 VĐV, Olympic Tokyo 2020 có 1 VĐV.
Sự sa sút về chuyên môn ở các nội dung đối kháng cũng thể hiện qua kết quả ở các giải đấu của khu vực và châu lục. Đơn cử như tại SEA Games 32, ĐTQG Taekwondo chỉ giành 2 HCV và giành 1 HCĐ cá nhân, 1 HCĐ đồng đội hỗn hợp tại ASIAD 19.
Thực tế cho thấy, Taekwondo Việt Nam thiếu sức cạnh tranh do lực lượng mỏng. Cả chiến dịch săn vé dự Olympic chỉ có 3 VĐV nữ, 2 VĐV nam và khả năng tranh chấp không lớn nếu nhìn vào thành tích cụ thể ở các giải đấu quy mô khu vực và châu lục gần nhất.
Dù nằm trong số các môn được đầu tư trọng điểm, có chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ song kết quả giành được vẫn hạn chế và không ổn định. Lực lượng kế cận có trình độ tốt ngày càng thiếu hụt, qua việc hầu như không có hy vọng mới ngoài các gương mặt kỳ cựu.
Kể từ Olympic Sydney, đây là lần thứ 2 Taekwondo Việt Nam thất bại trong chiến dịch săn vé dự Olympic (lần đầu là tại Olympic Rio), kể cả khi mục tiêu đặt ra đã ở mức tối thiểu chỉ là có 1 đại diện.
Taekwondo cũng đã bị "hạ bậc" trong danh sách ưu tiên đầu tư của ngành thể thao, từ nhóm I xuống nhóm II, một phần do ít khả năng tranh vé hoặc thành tích cao ở châu lục, một phần do có quá ít gương mặt triển vọng.
Giống như một vòng luẩn quẩn, từ sa sút chuyên môn, dẫn đến việc được đầu tư ít, gần như không có hy vọng cải thiện thành tích với cách làm hiện tại và không tìm kiếm được gương mặt triển vọng hơn.
Không chỉ lỗi hẹn với Olympic 2024, thất bại trong chiến dịch vừa qua là tiếng chuông cảnh báo cho nguy cơ "tụt dốc không phanh" của một môn mũi nhọn, từng có quá khứ huy hoàng của thể thao Việt Nam hơn 2 thập kỷ trước đây.
Tags