(Thethaovanhoa.vn) - Quốc văn giáo khoa thư được coi là bộ sách giáo khoa Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách do Nha học chính Đông Pháp xuất bản vào khoảng những năm 20, đầu thế kỷ 20. Tác giả Quốc văn giáo khoa thư gồm các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đình Phúc, Đỗ Thận - đều là những học giả tiếng tăm đương thời.
Bộ sách ra đời với mục đích dạy chữ quốc ngữ cho học sinh sơ cấp yếu lược (tương đương với ba năm đầu tiểu học ngày nay) từ Bắc vào Nam. Bộ sách gồm ba quyển: Quyển dành cho lớp Ðồng Ấu (Cours Enfantin) là quyển dạy về luân lý (Morale) qua các bài tập đọc và tập viết; quyển dành cho lớp Dự Bị (Cours Préparatoire); quyển dành cho lớp Sơ Ðẳng (Cours Elementaire). Hai quyển Dự Bị và Sơ Ðẳng gồm các bài tập đọc (lecture), chứa đựng nội dung bao gồm: Sử ký, Ðịa Dư, Cách trí, Vạn vật, Vệ Sinh, Ðạo Ðức, Gia Ðình...
Nội dung giảng dạy phong phú, có tính bền vững
Cách phân chia các bài học một bằng những câu chuyện ngắn mạch lạc, rõ ràng sau đó dẫn giải những từ ngữ khó hiểu, và để học trò luyện bài tập đọc, ngữ pháp, trả lời những câu hỏi về sự hiểu biết của mình, trải nghiệm suy nghĩ của mình qua câu chuyện tập đọc đã tạo nên khả năng tương tác cao giữa thầy và trò. Đồng thời những bài học đều mang nội dung sâu sắc, lại được thể hiện bằng ngôn ngữ đơn giản, khiến học trò dễ dàng tiếp thu.
Ví dụ như trong bài tập đọc Tối ở nhà:
“Cơm nước xong, trời vừa tôi. Ngọn đèn treo, thắp ở giữa nhà. Cha ngồi đọc nhật báo. Anh đang ngồi cúi xuống xem sách hay làm bài. Mẹ và chị, kim chỉ vá may. Ở bên cạnh hai đứa em nhỏ đang nghe bà kể chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại khúc khích cười với nhau rất vui vẻ.
Ban ngày đi làm ăn khó nhọc; tối đến cả nhà được đông đủ, sum vầy như vậy, tưởng không có cảnh nào vui bằng”
Bài tập đọc ngữ nghĩa rõ ràng, từ ngữ đơn giản, học trò nhỏ tuổi đọc vào sẽ hiểu rất nhanh, bởi cảnh tượng ấy, ít nhất các em đã từng thấy trong gia đình mình.
Sau bài đọc sẽ có phần giải nghĩa những từ khó, và bài tập để học trò có thể tập đọc và tập viết văn với những câu hỏi khơi gợi nhiều vùng suy nghĩ như “cái cảnh một nhà sum vầy với nhau như thế, anh nghĩ làm sao?”
Mỗi bài học đều mang giá trị giáo dục rất sâu sắc, dù được truyền tải vô cùng giản dị. Như bài đọc ở trên, thể hiện tình yêu thương, đoàn kết của gia đình lại được đặt ngay bên cạnh bài Ông Lê Lai liều mình cứu chúa, ấy là để học trò có những cái nhìn đa chiều hơn đồng thời thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa việc nước và việc nhà.
Những điều cốt lõi về việc dung dưỡng nhân cách làm người cũng như những đức tính vốn quý của dân tộc đều lần lượt được trình bày dưới dạng các bài học, vừa giúp học trò có thêm kiến thức, vừa bồi dưỡng giàu có thêm phần tâm hồn rộng mở, trong sáng.
Như trong bài Học để làm gì có viết:
“Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ cho thân thể khỏe mạnh. Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện”.
Chính là nương theo sợi dây ấy mà những bài học tựu chung lại cũng đều nhằm bồi đắp nhân cách con người. Chính điều đó cũng tạo nên tính bền vững có giá trị cho bộ sách.
Giữa đời sống hiện đại, đọc lại Quốc văn giáo khoa thư
Là bộ sách cổ, ra đời cả trăm năm nay, dù đã có nhiều tư tưởng có phần cũ kỹ so với tư tưởng thời hiện đại, nhưng nội dung, văn phong, tinh thần của bộ sách vẫn toát lên vẻ đẹp của đức độ, phẩm hạnh của con người. Xét về mặt giá trị, bộ sách có tầm vóc của một tác phẩm kinh điển, đến ngày nay vẫn còn phải xem xét, học hỏi nhiều điều.
Nói về cách phân hóa các bài giảng, bộ sách có sự phân chia rất logic, mang tính hàm ý cao, tạo nên cái nhìn đa chiều về đời sống. Tức là không phải học về văn mà chỉ phiến diện nhìn một mặt đẹp đẽ của con người, phủ nhận những đức tính xấu. Bởi thế mới có chuyện đặt bên cạnh những câu chuyện về lòng thảo hiếm có của Mẫn Tử Khiên, lòng kính yêu chị của Lý Tích, một người anh tốt Thôi Lượng là chuyện về anh nói khoác, người say rượu, người nghiện thuốc phiện, kẻ ham mê cờ bạc; bên cạnh những học trò chăm học, học trò tốt cũng có những học trò lười biếng, học trò xấu…
Đó là tính đa chiều của việc dạy, không che mắt học trò, cũng không nhồi nhét vào đầu học trò những ảo tưởng của đời sống, trang bị cho học trò những kiến thức cơ bản để nhận diện việc tốt, việc xấu, hành xử đẹp, hành xử xấu, để học trò từ ấy mà làm giàu cho tâm hồn, trí tuệ, tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân mình.
Đó chẳng phải là điều cốt yếu của việc dạy quốc văn hay sao?
Ở lần tái bản năm 2019, Nhà xuất bản Kim Đồng chủ yếu dựa vào bản in năm 1935, kể cả phần học vần và tập viết của quyển dành cho lớp Đồng ấu. Một số bài có nội dung không còn phù hợp đã được lược bỏ. Những cách viết theo kiểu cũ đều được chữa cho phù hợp với cách viết của tiếng Việt hiện tại, chẳng hạn, không dùng dấu gạch nối giữa các từ ghép; những lỗi in sai, nhầm lẫn đều được chỉnh sửa. Riêng phần tranh minh họa, Nhà xuất bản đã xử lí mỹ thuật công phu hơn, làm cho rõ nét hơn.
Trong xã hội hiện đại hôm nay, khi rất nhiều những giá trị nhân văn đang dần mai một đi, những câu chuyện dung dị nhưng đầy sâu sắc trong bộ sách Quốc văn giáo khoa thư vẫn là tài liệu tham khảo cần thiết cho thế hệ học trò, bởi những giá trị bền vững trong việc bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách của bộ sách. Với tinh thần và cốt cách đẹp đẽ, Quốc văn giáo khoa thư xứng đáng xếp vào loại “cổ học tinh hoa” trong lịch sử giáo dục và lịch sử sách giáo khoa quốc văn Việt Nam.
Thủy Nguyệt
Tags