(Thethaovanhoa.vn) - Cả miền Đông Bắc Hoa Kỳ chìm trong đêm đen. Mọi người bị giam chân trong văn phòng, thang máy, tàu bè. Tổng thống Johnson dự đoán có cuộc tấn công của Liên Xô, hoặc từ ngoài Trái đất…
Dan Ingram
... người dẫn chương trình của kênh radio WABC 77 vừa cho chạy đĩa Everyone‘s Gone To The Moon, một bài sến ướt rượt của Jonathan King, thì âm thanh chợt nhão ra, và trong khi chưa ai kịp phản ứng thì ánh đèn nhấp nháy loạn xạ, rồi tắt hẳn.
Không chỉ trong phòng phát thanh, mà cả thành phố triệu dân New York chợt ngừng thở vào đúng 17 giờ 20. Giữa lúc tan tầm, đèn giao thông tắt phụt, hàng vạn cửa sổ của các nhà chọc trời chợt tối đen như mắt ma, toàn bộ thang máy của tòa Empire State Building mắc kẹt, và các bảng biểu của thị trường chứng khoán phố Wall trống trơn.
Giờ vàng của các thợ nhiếp ảnh, vì đã bao giờ có cảnh New York tối đen như vậy? Đối với các phi công đang bay lòng vòng đợi lệnh hạ cánh, có lẽ tình cảnh đó không vui vẻ gì.
Tàu điện ngầm trôi đi mấy mét cuối cùng và biến thành những lồng sắt nhốt khoảng 800.000 hành khách dưới lòng đất sâu hàng chục mét. Và như có linh tính mách bảo, ai cũng lờ mờ nhận ra, đây không chỉ là một vụ cháy cầu chì kéo dài vài phút.
Lịch sử Hoa Kỳ chưa bao giờ trải qua một vụ mất điện ở diện rộng như hôm 9/11/1965 đó, từ New York, Massachusetts và Connecticut qua New Hampshire, Rhode Island, Vermont cho đến tận đất Ontario của Canada. Hàng mấy chục năm sau các nhân chứng còn bàng hoàng nhớ lại kỷ niệm đen tối ấy và lên Internet tranh luận.
Một người kể trên YouTube giây phút mẹ ông ấn nút máy nướng bánh, đúng lúc cả khu nhà tắt điện, và bố ông hét toáng lên: “Trời ơi, bà lại làm trò gì thế?“. Ở nơi khác, hậu quả không nhẹ nhàng như thế: tại Bệnh viện Thánh Vincent đang có ca mổ não, và người ta phải gọi cảnh sát đem máy nổ đến.
Quân đội Mỹ
... bật báo động đỏ. Tổng thống Lyndon B.Johnson đang nghỉ dưỡng bệnh ở trang trại riêng sau phẫu thuật túi mật thì nhận được tin dữ. Ông điện ngay cho Buford Ellington, Trưởng phòng Hoạch định các tình huống khẩn cấp, sau đó gọi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara tại Lầu Năm Góc.
Nửa tiếng sau, đường dây điện thoại đỏ nối ngay với Moskva để xác định, liệu có sự nhầm lẫn nào đó hay quân đội Liên Xô vừa mở cuộc tấn công. Trong lúc chờ đợi, toàn bộ các đơn vị trực tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã vào vị trí chiến đấu. Bộ máy đầu não của Chính phủ họp khẩn cấp tại Nhà Trắng.
Người ngoại tỉnh không về nhà được, xếp hàng rồng rắn để gọi điện báo cho gia đình.
Lúc này vầng trăng rằm tròn vành vạnh đang tỏa ánh sáng bàng bạc xuống thành phố không bao giờ ngủ, giá ở những lúc đèn sáng tưng bừng thì chẳng ai để ý, nhưng giờ đây làm cho cảnh tượng càng thêm phần ma quái. Người ta quan sát hàng chục máy bay quần đảo đợi lệnh hạ cánh, và hành khách trên mây sửng sốt nhòm xuống biển nhà chọc trời tối mò.
Chuyên cơ của Thủ tướng Thụy Điển Tage Erlander cũng bay lòng vòng mất mấy tiếng trên bầu trời New York. Một máy bay hết xăng phải liều đáp xuống phi trường không đèn đóm, hôm sau phi công kể lại: “Tôi tưởng có một trận Trân Châu Cảng mới!“.
Trong trường quay của kênh NBC
... máy phát điện không đủ mạnh, khiến các biên tập viên phải thắp thêm nến mà vẫn không đọc ra chữ. Tờ New York Times cử phóng viên huyền thoại Peter Kihss dẫn đầu một nhóm đồng nghiệp để kịp sáng hôm sau cho ra một tờ nhật báo vỏn vẹn 10 trang.
Phát thanh viên Dan Ingram may mắn hơn: sau 15 phút thì máy nổ chạy. Nói chung các kênh truyền thanh và truyền hình phục hồi nhanh nhất, nhưng đối với đa số khách hàng thì chẳng có ý nghĩa gì, vì họ không có điện để chạy máy thu.
Ở New York toàn bộ cảnh sát bị điều ra đường để điều khiển giao thông và canh chừng nạn cướp bóc. Các tuyến xe bus chở miễn phí. Và điều lỳ lạ, đúng như Hãng thông tấn Liên Xô TASS nhận định, là người dân còn bình tĩnh hơn Chính phủ - người New York tỏ ra làm chủ tình hình rất tốt.
Người ta đổ vào các nhà hàng và thắp nến... liên hoan. Thanh thiếu niên đốt các thùng rác lấy ánh sáng và nghịch ngợm hô “Quân Nga tấn công!“. Ga Grand Central Station biến thành một nhà trọ khổng lồ, vì những người bên ngoài thành phố không có tàu chở về nhà nữa.
Do đèn giao thông tắt đúng giờ cao điểm, đường phố New York biến thành một điểm kẹt xe khổng lồ.
12 tiếng đằng đẵng
... chậm chạp trôi qua, cho đến khi vùng Đông Bắc Hoa Kỳ hồi sinh. Khoảng 7 giờ sáng ngày 10/11, khi dần dần dòng điện chảy lại trong huyết quản của các đô thị triệu dân, người ta mới tự hỏi vì sao mất điện lâu thế.
Quả là dịp tốt cho các thuyết âm mưu ghê gớm nhất. Một sĩ quan không lực cam đoan đã thấy dấu hiệu một vụ nổ nguyên tử trên màn hình radar.
Hàng trăm người báo đã thấy đĩa bay, trong số đó có cả một phi công gọi điện thẳng đến Đài NBC cho Trưởng ban Thời sự Frank McGee, kể là đã chứng kiến một vật thể tròn sáng rực trên trời. Ngay cả tờ New York Times cũng đánh hơi ra dịp kiếm tiền qua những tin vịt kiểu đó và tung ra nhiều tin sởn tóc gáy.
Thực tế thì nguyên nhân tai nạn khủng khiếp đó thật lãng xẹt: một tổ thợ điện gần thác nước Niagara đã đấu nhầm rơ-le bảo vệ. Một đường điện bị cháy, khiến mạng lưới xung quanh quá tải, và chỉ bốn phút sau là toàn bộ nguồn điện từ Massachusetts đến Boston tắt ngóm - hậu quả của hiệu ứng domino tai hại.
Và dù đêm mất điện hôm ấy không có gì lãng mạn, nó vẫn sản xuất ra một huyền thoại dai dẳng: 9 tháng sau đó, số trẻ em ra đời tăng cao đột biến! Nhà nghiên cứu J.Richard Udry đã xem lại các thống kê và cho thấy đó là tin đùa nghịch thất thiệt. Người New York đã không tận dụng thời gian mất điện cho các trò giải trí bất đắc dĩ...
Thác nước Niagara vĩ đại là nơi bắt đầu tai họa lúc 17 giờ 16. Ở một nhà máy điện gần đó, công nhân lắp sai một rơ-le bảo vệ và đẩy 30 triệu người vào cảnh tăm tối 12 giờ liền.
Ít nhất thì ánh sáng nổi tiếng nhất của Mỹ đã không bị tắt trong đêm tai họa lịch sử đó: ngọn đuốc của Nữ thần Tự do chiếu sáng thế giới hôm ấy vẫn kiêu hãnh rực cháy, không hổ danh được gắn cho kỳ vọng từ ngày đứng ở cửa biển đón các tàu thủy đầy người nhập cư (Liberty Enlightening The World)! Nguồn điện cho đảo Liberty Island đến từ New Jersey.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags