Chỉ có may mắn mới cứu được 3 người trên chiếc ô tô con bị xe đầu kéo đâm bẹp dúm và ép chặt vào thành cầu ở ngã tư quốc lộ thuộc Thọ Xuân, Thanh Hóa hôm 13/8, chỉ một ngày sau vụ xe của các thành viên đội HAGL bị kẹp nát bởi xe ben và xe tải cùng/ngược chiều. Nếu tai nạn của xe HAGL có thể hy hữu thì tình huống dẫn tới tai nạn không kém thảm khốc tại Thanh Hóa được xem là rất phổ biến liên quan tới thói quen "không biết biển báo STOP là gì" của tài xế Việt.
Xem video quay lại vụ việc, những ai đã từng lái xe tại châu Âu, Mỹ đều sẽ phải kêu lên sợ hãi khi chứng kiến cảnh hai chiếc xe đi từ hai hướng vuông góc không hề thay đổi tốc độ khi vào giao lộ, thậm chí xe đầu kéo còn có khuynh hướng tăng tốc. Dường như giao lộ này cũng không có biển cảnh báo STOP, loại biển cảnh báo giao thông có lẽ là được sử dụng nhiều nhất trên đường ở các nước và vi phạm sẽ bị phạt lỗi nặng.
Cảnh báo này thường xuất hiện cùng lúc 2 dạng: hình bát giác màu đỏ với chữ STOP màu trắng cắm tại các giao lộ, và dòng chữ STOP lớn kẻ sơn trắng xuống mặt đường. Biển này hướng dẫn lái xe về quyền ưu tiên và đảm bảo các nguyên tắc an toàn tránh tai nạn. Khi nhìn thấy biển và dòng chữ này ở làn đường của mình, lái xe bắt buộc phải DỪNG hoàn toàn theo nguyên tắc tối thiểu 3 giây và chỉ đi tiếp nếu đường phía trước thông thoáng. Điều luật này cũng được đưa vào bài thi lấy bằng nên không ít lái xe kinh nghiệm từ Việt Nam qua Mỹ thi lấy bằng vẫn trượt chỉ vì "quên STOP" khi thấy đường không có xe nào!
Ở Việt Nam STOP lại là loại biển báo ít thấy nhất ở những nơi nó cần phải có (từ ngõ nhỏ, đường nhỏ ra đường lớn, tại các giao lộ) và các tài xế cũng ít quan tâm nhất, có lẽ vì không có qui định bị phạt hay "giam" bằng! Tại "giao lộ tử thần" ở Thọ Xuân, Thanh Hóa trong vụ va chạm nói trên vốn không có đèn giao thông điều khiển, lại chỉ có gờ giảm tốc độ nên các lái xe cứ … vô tư đi. Chắc là không còn sớm nữa để chúng ta - từ người cầm lái tới các cơ quan quản lý đường bộ - quan tâm một cách nghiêm túc tới loại biển báo DỪNG để an toàn này.