Học giả Nguyễn Đổng Chi: “Andersen của Việt Nam”

Thứ Năm, 07/05/2015 16:53 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều học giả cho rằng, nếu không có học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi thì có thể sẽ không có Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà người Việt chúng ta đang thừa hưởng hiện nay.

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 7/5, tại TP.HCM, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ đã tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm sinh học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984), với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đến từ khắp mọi miền đất nước.

Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 6/1/1915 tại một vùng quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh. Do gia đình ông nằm trong “sổ đen” của chính quyền thực dân Pháp, nên thường xuyên bị gây khó dễ khiến kinh tế gia đình khó khắn. Vì vậy ông chỉ học hết năm thứ ba bậc trung học một trường tư thục ở Vinh. Tuy nhiên, ông hạ quyết tâm học ở sách vở và trường đời. Ông cạo trọc đầu nhiều năm liền để ở nhà đọc sách. Khoảng năm 1942 khi ra Hà Nội, ông cũng dành nhiều năm đọc sách ở Thư viện Viễn Đông Bác cổ.

Một số tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi vừa được NXB Trẻ tái bản

Bản thân học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi cũng có mặt trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc rất sớm. Năm 1936 ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh. Tháng 8/1945, ông tham gia lãnh đạo cướp chính quyền huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cuối 1946, ông trực tiếp cầm súng đánh Pháp tại phía Nam Hà Nội…

Sự nghiệp của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi gắn liền với nghề viết: báo, văn, nghiên cứu văn hóa dân gian…, để lại hàng ngàn chục ngàn trang sách. Đặc biệt là bộ sách 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được ông sưu tập và viết từ 1958 - 1982, chưa kể khoảng 20 năm trước đó tích lũy tư liệu và nghiễn ngẫm cũng như sau này tái bản bổ sung. Giới học thuật đánh giá bộ truyện này với đóng góp của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi sánh ngang với công lao của anh em nhà Grimn (Đức), A.N.Afanassiev (Nga), H.C.Andersen (Đan Mạch) và của Pourrat (Pháp). 

Hoàng Nhân



Đọc thêm
  • Xem thêm  ›