Tại sao 'không thể cùng nhau'?

Thứ Ba, 19/05/2020 07:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đời sống giải trí vừa chứng kiến một câu chuyện thú vị quanh MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy. Chỉ vài ngày sau khi công bố, MV này đã sắp chạm tới mốc 10 triệu lượt view, đồng thời xuất hiện trên tab thịnh hành của một số quốc gia.

MV ‘Không thể cùng nhau suốt kiếp’ của Hòa Minzy kể về mối tình bi kịch của Nam Phương Hoàng hậu

MV ‘Không thể cùng nhau suốt kiếp’ của Hòa Minzy kể về mối tình bi kịch của Nam Phương Hoàng hậu

MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" của Hòa Minzy ra mắt tối 13/5 sau 2 năm vắng vóng, kể lại chuyện tình bi kịch của Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại trong lịch sử.

Đó không phải là câu chuyện đơn thuần của một sản phẩm âm nhạc - khi mà song song với sự xuất hiện của MV, một vấn đề tưởng như thuần túy thuộc về lịch sử bỗng được “hâm nóng” trở lại: Số phận của Hoàng hậu Nam Phương, bà hoàng cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, hay vẻ đẹp kiến trúc của Cung An Định (Huế)…

Đơn giản, bởi Không thể cùng nhau suốt kiếp được lấy cảm hứng từ câu chuyện tình buồn giữa vua Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương trong bối cảnh từ những năm 1934 đến năm 1946. Cụ thể hơn, MV gắn với khoảng thời gian Hoàng hậu Nam Phương sống tại Cung An Định (Huế) cùng các con, kể trên góc nhìn nhiều suy tư của bà về việc chồng đã dành tình cảm cho người phụ nữ khác.

Để rồi, như những gì được ghi nhận, các khán giả của MV cũng lập tức “đổ xô” đi tìm kiếm các thông tin về Hoàng hậu Nam Phươngvua Bảo Đại trong lịch sử. Và, từ nhu cầu có thật ấy, không gian mạng cũng tràn ngập những bài viết được chia sẻ về sự khác biệt giữa câu chuyện của lịch sử và tình tiết trong MV, về xứ Huế hay về Cung An Định - nơi diễn ra câu chuyện.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp"

Tất nhiên, sẽ hơi vội nếu nói rằng Không thể cùng nhau suốt kiếp là chuẩn mực về cách khai thác chất liệu lịch sử vào đời sống văn hóa nghệ thuật. Với tất cả những gì đang diễn ra, câu chuyện ấy vẫn sẽ tiếp tục là một bài toán dài hơi, và có nhiều đáp số cho mỗi tình huống đặc trưng.

Nhưng xem MV, chúng ta cũng không thể phủ nhận: Phía thực hiện Không thể cùng nhau suốt kiếp đã cố gắng làm việc một cách chỉn chu nhất có thể. Chỉ riêng câu chuyện được chia sẻ trên các mặt báo về việc các bộ trang phục trong MV đã được bỏ công nghiên cứu và thiết kế trong cả năm trời, sao cho gần nhất với lịch sử, đã là ví dụ thuyết phục nhất về sự nghiêm cẩn này.

Và nữa, xem Không thể cùng nhau suốt kiếp, chúng ta lại có cơ hội để nhìn lại một câu chuyện mới mà cũ: Lịch sử Việt Nam không thiếu những điều thú vị chờ “đánh thức”. Đó có thể là câu chuyện về kiến trúc vô cùng đặc biệt của Cung An Định, về trang phục cung đình hay đơn giản, là những câu chuyện rất đời thường của các nhân vật trong quá khứ.

Những chất liệu ấy đều có thể được tái hiện một cách sống động và giàu xúc cảm trong đời sống nghệ thuật, miễn là được tái hiện bởi sự tìm tòi và cầu thị, thay vì với tư duy hoặc chụp giật, hoặc rập khuôn và máy móc.

Dù sao, bước đầu thành công của Không thể cùng nhau suốt kiếp cũng giúp chúng ta tự tin hơn rằng: Một lĩnh vực từng bị coi là khô cứng như lịch sử hoàn toàn có thể được “tiếp thị” với khán giả hiện đại bằng con đường của nghệ thuật và giải trí. Nghĩa là, 2 lĩnh vực ấy vẫn “có thể cùng nhau” để song hành.

Sơn Tùng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›