Tại sao Lee Nguyễn không thành công ở Việt Nam?

Thứ Tư, 05/11/2014 13:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, cầu thủ gốc Việt Lee Nguyễn đang “làm mưa làm gió” tại giải nhà nghề Mỹ (MLS). Lee Nguyễn, cầu thủ từng có thời gian thi đấu tại Việt Nam, đã vinh dự được BTC MLS bình chọn là cầu thủ hay nhất tháng 10.

Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với các HLV Đặng Trần Chỉnh và Mai Đức Chung để lý giải cho câu hỏi: Tại sao Lee Nguyễn thi đấu không thành công ở Việt Nam?

Trong quá khứ, cả 2 HLV Đặng Trần Chỉnh và Mai Đức Chung từng có thời gian dẫn dắt Lee Nguyễn tại CLB B.Bình Dương từ năm 2009 đến năm 2011.

HLV Đặng Trần Chỉnh: “Đồng đội không cùng đẳng cấp với Lee Nguyễn”

“Trước hết, trong con mắt nhìn nhận của tôi, Lee Nguyễn là cầu thủ thực sự tài năng và có đẳng cấp cao. Không phải vì mới đây Lee Nguyễn tỏa sáng rực rỡ tại Mỹ tôi mới nói như vậy mà ngay ở thời điểm tôi dẫn dắt Bình Dương, khi đó Lee Nguyễn mới từ CLB HA.GL chuyển sang, tôi đã đánh giá rất cao cầu thủ này rồi.

So với mặt bằng chung của các cầu thủ Việt Nam lúc đó, Lee Nguyễn ở một tầm rất khác. Anh ta sở hữu những tố chất mà không nhiều những cầu thủ nội có được. Đặc biệt là phẩm chất kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật cực tốt.

HLV Đặng Trần Chỉnh (trái) và Lee Nguyễn khi 2 thầy trò còn ở B.Bình Dương. Ảnh: VSI

Một điều nữa là Lee Nguyễn luôn thể hiện sự chuyên nghiệp trong tập luyện cũng như thi đấu. Anh ta luôn rất nghiêm túc hoàn thành các bài tập và là một trong những người tập luyện hăng say, miệt mài nhất.

Còn việc tại sao Lee Nguyễn không thi đấu thành công tại Việt Nam thì theo tôi có những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, khi thi đấu ở Việt Nam, Lee Nguyễn không nhận được sự trợ giúp tốt từ các đồng đội. Không phải vì các cầu thủ Việt Nam không muốn phối hợp mà vì trình độ của họ chưa đủ để thực hiện những pha phối hợp sắc bén và giàu tính chiến thuật.

Còn ở Mỹ, các đồng đội đều ở trình độ tương đồng hoặc hơn Lee Nguyễn thế nên họ có thể đọc được suy nghĩ hay những pha xử lý tiếp theo của Lee Nguyễn để hỗ trợ một cách tốt nhất.

Thứ hai, ở Việt Nam, với khả năng của mình, Lee Nguyễn luôn là tâm điểm của trận đấu thế nên anh phải chịu sự “chăm sóc” đặc biệt của các cầu thủ đối phương. Nói thẳng ra là nhiều cầu thủ chủ động đá xấu nhằm hạn chế lối chơi thông minh của Lee Nguyễn.

Thử hỏi với những pha vào bóng quyết liệt và trên mức cần thiết thì Lee Nguyễn làm sao có thể tự tin để chơi bóng?

Thực tế, ở thời điểm đó nhiều trọng tài bắt còn nương tay với các pha vào bóng bạo lực thế nên nhiều cầu thủ không có được cảm giác an toàn khi thi đấu. Bên Tây thì khác, đá rắn hay đá láo là anh bị phạt, thậm chí phạt nặng.

Thứ ba, lúc trở về Việt Nam thi đấu Lee Nguyễn còn khá trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên sự hòa nhập với đồng đội, với lối chơi của các CLB Việt Nam là không tốt.

Thứ tư, khi Lee Nguyễn cập bến Bình Dương, anh đã gặp vấn đề với một vài chấn thương và không có được nền tảng thể lực sung mãn nhất. Do đó, thời điểm đó, màn trình diễn của Lee Nguyễn chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng”.

HLV Mai Đức Chung: “Lee Nguyễn chùn chân vì lối đá chém đinh chặt sắt”

“Lee Nguyễn đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng đặc biệt. Nếu tôi nhớ không nhầm là ở một trận đấu trên sân Hàng Đẫy giữa Thể Công và HA.GL, Lee Nguyễn đã chứng tỏ anh ta thực sự là một cầu thủ đẳng cấp. Ở trận đấu đó, Lee Nguyễn ghi bàn rất đẹp từ cự ly 30m. Chính vì vậy, sau đó tôi có đề nghị với BLĐ Bình Dương mua Lee Nguyễn.

Thêm nữa, tôi được biết thông tin rằng, theo số liệu thống kê của một bác sỹ thể thao ở ngôi trường bên Mỹ mà Lee Nguyễn theo học, Lee Nguyễn có tốc độ xuất phát 5m đầu tiên nhanh nhất so với các VĐV nước ngoài cùng khóa. Trong bóng đá, khả năng bứt tốc trong cự ly ngắn là một trong những yếu tố quan trọng.

Còn về câu hỏi của bạn vì sao Lee Nguyễn không thi đấu thành công tại Việt Nam nhưng lại tỏa sáng trên đất Mỹ thì tôi trả lời thế này:

Theo tôi, chính vì môi trường bóng đá ở 2 nước là khác nhau. Ở Mỹ, Lee Nguyễn được thi đấu với những cầu thủ ở đẳng cấp cao, khác hẳn với thời điểm Lee Nguyễn đá ở Việt Nam. Bóng đá là môn thể thao tập thể chính vì vậy sự hỗ trợ của các đồng đội là hết sức quan trọng.

Thêm nữa là, mỗi HLV có cách nhìn nhận và sử dụng cầu thủ khác nhau. Có HLV thích lối chơi kỹ thuật của anh nhưng có HLV lại không thích anh cho nên khoảng thời gian thi đấu ở Việt Nam, có thời điểm anh được tin dùng, có thời điểm lại không.

Đôi lúc nhiều đội, nhiều cầu thủ Việt Nam sử dụng lối chơi theo kiểu “chém đinh chặt sắt” nên nhiều lúc Lee Nguyễn chùn chân và dính chấn thương. Trong khi đó, trọng tài của ta lúc bấy giờ nhiều khi bắt nhẹ tay quá, không đủ sức răn đe nên các cầu thủ đá láo không biết sợ.

Còn ở bóng đá quốc tế, đá thô bạo thôi đã ăn thẻ phạt rồi, nặng hơn nữa là phạt tiền rồi cấm thi đấu. Vì vậy, ở Mỹ, Lee Nguyễn sẽ có đất diễn nhều hơn.

Một ý nữa là, tôi không đồng tình với quan điểm rằng Lee Nguyễn thi đấu không tốt ở Việt Nam là vì anh ta mắc “bệnh ngôi sao”. Lee Nguyễn là một cầu thủ hiền lành và ít nói. Có lẽ vì Lee Nguyễn ít nói nên nhiều người cho rằng anh ta kênh kiệu. Với đồng đội, Lee Nguyễn rất hòa đồng. Lee Nguyễn luôn là một cầu thủ thể hiện tác phong rất chuyên nghiệp trong tập luyện cũng như thi đấu”.

Chờ cuộc gọi của Juergen Klinsmann

HLV Juergen Klinsmann của đội tuyển Mỹ vẫn chưa công bố danh sách triệu tập chuẩn bị cho các trận giao hữu với Colombia tại London vào ngày 14/11 và Ireland vào ngày 18/11 tại Dublin. Nhưng căn cứ vào màn trình diễn của các cầu thủ tại CLB, trang ESPN đã lọc ra 7 gương mặt sáng giá có thể được chiến lược gia người Đức triệu tập, trong đó có cái tên đáng chú ý là Lee Nguyễn.

Lee Nguyễn đã ghi 18 bàn và có 5 pha kiến tạo cho New England Revolution, trở thành cầu thủ mang quốc tịch Mỹ ghi nhiều bàn nhất ở mùa giải MLS 2014.

Tuy nhiên, Lee Nguyễn chỉ có thể đón nhận cơ hội được triệu tập vào đội tuyển Mỹ trong trường hợp New England Revolution bị loại sớm ở vòng play-off MLS. Còn nếu New England Revolution chơi thành công thì Lee Nguyễn sẽ phải đợi đến đợt triệu tập tiếp theo vào tháng 1/2015.

Lee Nguyễn ra mắt đội tuyển Mỹ vào ngày 2/6/2007 trong trận giao hữu với Trung Quốc. Sau đó, anh có thêm 2 lần khoác áo đội tuyển Mỹ tại Copa America 2007 tổ chức ở Venezuela, giải đấu mà Mỹ bị loại từ vòng bảng sau 3 trận toàn thua.


Đức Huân
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›