Ca sĩ Lý Hải - người được đông đảo công chúng biết đến với vai trò những năm gần đây là đạo diễn series phim Lật Mặt vừa qua đã có một thông báo chính thức tạo nên cuộc thảo luận rôm rả trên mạng xã hội.
Anh quyết định sẽ chiếu miễn phí Lật Mặt 6 (bộ phim sắp sửa công chiếu trên toàn quốc) cho bà con làng Định Yên (Đồng Tháp) - nơi mà anh và ekip sản xuất đã quay phim Lật Mặt 6.
Lời cảm ơn gây sốc
Giải thích cho quyết định của mình, anh cho biết bởi vì quá trình phục dựng lại làng chiếu và quay phim tại làng Định Yên cả đoàn đã được người dân giúp đỡ, được yêu thương, biếu bánh trái và ủng hộ hết sức mình. Đồng thời, chính vì tại đây điều kiện còn hạn chế, chưa có rạp chiếu phim, rất nhiều người dân cả đời chưa biết đến phim chiếu rạp là gì nên anh rất trăn trở, muốn để mọi người có cơ hội được biết đến phim chiếu rạp, đồng thời thưởng thức chính bộ phim mình đã quay với bối cảnh tại làng. Lý Hải chia sẻ, buổi chiếu phim đầu tiên của Lật Mặt 6 sẽ được chiếu tại đây, trước khi có mặt ở bất kì cụm rạp nào là lời tri ân của anh đến bà con làng Định Yên.
Với các phần trước đều bỏ vốn từ 15-18 tỉ đồng, được biết ở Lật mặt 6 số tiền đầu tư cho dự án còn là một kỷ lục mới trong tất cả các phần phim Lật mặt, có thể dự đoán đến con số hai mươi. Vì vậy, khi Lý Hải công bố điều này, tất cả thành viên tham gia dự án đều bất ngờ, tưởng anh nói đùa. Và đến khi thông tin chính thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều nhà làm phim lẫn công chúng đều ngỡ ngàng.
Quyết định này gây bất ngờ là do từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có trường hợp nào nhà sản xuất chiếu phim miễn phí ngoài trời trước khi nó kiếm được doanh thu khủng hoặc ngừng chiếu tại rạp. Nó được cho là táo bạo không vì đơn thuần 2000 vé được tung ra miễn phí tặng người xem, mà là khả năng rất cao nội dung bộ phim này sẽ bị rò rỉ ra ngoài, chẳng khác nào đốt trắng hàng chục tỷ đồng.
Ảnh: Làng chiếu Định Yên, Lấp Vò Quê Tôi
Dù là miễn phí nhưng không vì thế mà Lý Hải sơ sài, từ cổng làng kéo dài tới đình làng trước ngày chiếu đã được set-up khá đầy đủ. Bên ngoài là các photobooth, backdrop... khổ lớn để giao lưu, ra mắt phim cùng bà con, tiện cho mọi người có khung cảnh đẹp chụp hình làm kỉ niệm. Bên trong là hàng chục người đang tất bật set up màn hình Led, đem công nghệ chiếu Hollywood từ TP.HCM về đến Đồng Tháp.
Tuy nhiên, về sự đầu tư bảo mật của bộ phim, chỉ dừng lại bằng tấm biển nhỏ treo đầu cổng làng kèm khẩu ngữ: "Buổi chiếu thân mật, đừng bật máy quay nha bà con mình ơi!". Đây như là một phép thử - phép thử của văn hoá xem phim người Việt.
Thử tưởng tượng, 2000 người cùng xem một bộ phim được chiếu trên màn hình Led rộng tại giữa sân đình, nếu có ai cao hứng quay lại đoạn mình thích hay thậm chí livestream trên Facebook, TikTok để cập nhật tình hình - chuyện gì sẽ xảy ra? Có rất nhiều "khách hàng tiềm năng" sẽ nán lại ngồi nhà để tiết kiệm tiền mà xem phim được ghi lại? Bộ phim đầu tư hàng chục tỷ để thu hút mọi người mua vé lại phát miễn phí khắp phương tiện truyền thông?
Và tại sao khi mọi người nghe thông tin Lý Hải công bố lại tưởng tượng ngay trường hợp ở trên? Chính vì văn hoá xem phim rạp còn nhiều điều đáng bàn.
Các nhà sản xuất e dè khi phim chiếu cũng là điều dễ hiểu...
Chính vì trường hợp phim bị rò rỉ đã có tiền lệ, và series Lật Mặt của Lý Hải cũng từng là nạn nhân.
Phải từ hơn chục năm trước, rất nhiều "bộ phim chiếu rạp chất lượng thấp" vì được quay lại bằng điện thoại có mặt ở Youtube, Facebook... âm thanh được chỉnh nhỏ hay một số đoạn bị tắt tiếng, tua nhanh để né chuyện đánh bản quyền. Hoặc gan dạ hơn, khán giả còn phát trực tiếp bộ phim bằng tài khoản cá nhân của mình khi đang ngồi trong rạp.
Đơn cử như mấy năm trước, Ngô Thanh Vân từng bất lực vào bình luận hẳn fanpage đang phát trực tiếp bộ phim tâm huyết "Cô Ba Sài Gòn". Buổi phát trực tiếp có 3000 lượt xem tức cô đã mất 3000 khán giả ra rạp mua vé. Nhà sản xuất này cũng chia sẻ: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp mình. Tôi thật sự nản. Nó như cái tát vào mặt để tôi tỉnh lại. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan. Đến với khán giả còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy."
Mới đây nhất, nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" đã rất bức xúc khi phim bị quay lén và phát tán khắp mạng xã hội. Nhà sản xuất chỉ biết kêu gào trong bất lực rằng việc tiết lộ các tình tiết quan trọng làm nên mạch phim chính là việc thiếu ý thức và không công bằng. Đây đang là hành động tiếp tay cho nạn phim lậu, cho các hành động ăn cắp chất xám, ảnh hưởng đến số vốn lớn của đầu tư. Tuy nhiên, ngoài chuyện kêu gào, nhà sản xuất cũng không thể làm gì những kẻ vi phạm.
Mặt khác, rất nhiều người đang không biết hoặc ngó lơ chuyện "bản quyền". Nếu một kẻ gian thò tay vào giỏ lấy chiếc điện thoại của một người phụ nữ, hiển nhiên là một kẻ cắp. Thế nhưng chia sẻ nội dung phim khi chưa có sự cho phép của người sở hữu, một số người lại không nhận ra hành vi sai trái của mình. "Quyền sở hữu trí tuệ", "bản quyền"... còn là những khái niệm xa lạ đối với văn hoá, lối sống, tư tưởng một số người Việt Nam, họ chưa biết như thế nào là phạm luật và vô ý phạm luật. Mặt khác, có khi biết luật nhưng vì luật cũng chưa đủ tính răn đe và chặt chẽ, nên việc tuân thủ cũng bị xem nhẹ.
"Văn hoá xem phim chiếu rạp" hiện tại được hiểu không chỉ là ngưng đạp ghế người ngồi phía trước, ngừng nói to, dừng mở điện thoại sáng đèn... mà còn gộp hành vi vi phạm pháp luật - "không quay lén nội dung phim". Điều này cho thấy về mặt đạo đức, ý thức tôn trọng người khác (hoặc sản phẩm của người khác) đang còn kém, cần nhắc nhở. Vì vậy chuyện các nhà sản xuất cân nhắc khi chiếu phim ngoài trời, nơm nớp lo sợ khi phim của mình công chiếu là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy nhiên, như Lý Hải đã nói: "Lý Hải tin rằng buổi chiếu phim này sẽ an toàn, vì mọi người đã yêu thương Lý Hải rồi, thì bây giờ không thể nào mọi người không yêu thương cho đến cùng." Lược ra những cá nhân thiếu ý thức, thì cũng có rất nhiều khán giả đang ủng hộ phim Việt và tôn trọng tiền bạc, công sức của nhà sản xuất phim Việt.
Tags