(Thethaovanhoa.vn) - Để ý sẽ thấy những người Việt Nam lớn tuổi không bao giờ nói “tháng 11, tháng 12, tháng 1, tháng 2…” mà họ chỉ nói “[tháng] Một, Chạp, Giêng, Hai”.
- Những ngôi chùa ‘đắt khách’ dâng sao giải hạn cúng rằm tháng Giêng
- Tháng Giêng, miền Bắc có những lễ hội gì?
Ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu nói theo cách đó:
- Bà khen con bà tốt,
Đến tháng Một Chạp bà biết con bà.
-Dưa gang Một Chạp thì trồng,
Chiêm cấy trước tết thì lòng đỡ lo.
-Một Chạp là tiết mùa Đông,
Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay.
-Bao giờ cho đến Giêng Hai,
Cho làng vào đám cho ai xem chèo?
Tại sao nói “tháng Một”?
Tại sao sau tháng 10 Âm lịch lại là “tháng Một”? Lý do là vì, đây chính là tàn tích của lịch pháp thời cổ đại Trung Quốc, khi vua Hoàng Đế quy định tháng đầu tiên trong năm tính từ ngày bắt đầu trung khí Đông chí. Theo đó, từ ngày này trở đi là “tháng một” (tính theo địa chi là tháng Tý), tháng tiếp theo là “lạp nguyệt” (tháng Chạp), rồi “chính nguyệt” (tháng Giêng), nhị nguyệt, tam nguyệt... Cứ vậy tính tới thì cuối năm là tháng 10. Thành ra mỗi năm có 12 tháng nhưng do cách gọi tên thứ tự các tháng như vậy (3 tháng mùa Đông chỉ tính như một tháng) nên tháng cuối năm là “tháng 10”. Và tháng sau đó đương nhiên phải là “tháng một”.
Tàn tích của cách tính tháng này ngày nay có thể thấy ở chỗ:
- Tháng 11 Âm lịch hiện nay được gọi là tháng Tý (chứ không phải tháng Giêng là tháng Tý).
- Mùng 5 tháng 5 Âm lịch gọi là “Tết giữa năm” hay “Tết nửa năm”.
Hệ đếm thập phân này cũng được áp dụng để gọi tên theo“số hiệu” của những người con trong cùng gia đình ở Nam Bộ, người con sinh sau người thứ 10 không gọi là “Mười một” mà chỉ gọi là “Một”: chú Một, cô Một, thằng Một…
Đến khi hệ đếm 12 tháng theo đà Bắc thuộc tràn sang Việt Nam thì bắt đầu có sự va chạm trong cách gọi tên các tháng trong năm. Nhà nước thống trị dùng hệ đếm 12 tháng và buộc người dân phải chấp hành. Còn người dân thì vừa phải chấp hành cái hệ đếm mới này nhưng vẫn không muốn bỏ hẳn cái hệ thập phân truyền thống. Và họ chọn giải pháp dung hoà như sau:
-Sau tháng 10 (của hệ đếm mới) họ không gọi là “thập nhất nguyệt” (tháng 11) mà gọi là “tháng 1”, tháng kế tiếp họ không gọi là “thập nhị nguyệt” (tháng 12) mà gọi là “tháng chạp”.
-Sau “tháng Chạp” là đầu năm, lẽ ra phải là “nhất nguyệt” (tháng 1), nhưng nếu như vậy thì sẽ trùng với tên của tháng trước tháng Chạp, nên họ đổi gọi là “tháng Giêng”.
Đó chính là nguồn gốc của cách nói “Một, Chạp, Giêng, Hai…”.Trong đó, “Một” và “Hai” thì đã rõ, còn “Chạp” và “Giêng” có nghĩa là gì?
Tại sao nói “tháng Chạp”?
Theo Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ thì “chạp” là âm Nôm, có nguồn gốc từ “lạp臘” của chữ Nho, nghĩa là: “lễ [cúng] tế vào tháng cuối năm; tháng cuối năm”. Nghĩa này bắt nguồn từ Trung Quốc, nơi có mùa Đông giá buốt nên tháng này người ta phải tích trữ lương thực để chống đói rét, mà quan trọng nhất là thịt.
Thật vậy, chữ “lạp” 臘 gồm có bộ “nhục”月(thịt) và chữ “liệp”獵 (săn bắt), ý nói “món thịt dùng để cúng”. Món “lạp xường” hay “lạp xưởng” vốn là “lạp trường” 臘腸 (món ruột dùng để cúng) của người Hoa, ban đầu vốn là một món cúng.
Từ đó, lâu ngày chữ này chuyển nghĩa thành “cúng kiếng”: giỗ chạp (đám giỗ), chạp miễu (cúng miễu), chạp mả (đám tảo mộ), chạp tổ (cúng tổ)...
Xét ở Việt Nam, tháng cuối năm quả thật có nhiều lễ cúng nhất trong năm: cúng Rằm (ngày 15), cúng Thượng điền (thường ngày 16), cúng tiễn ông Táo về Trời (ngày 23), cúng đón ông Táo và ông bà trở lại (ngày 30 hoặc 29 - nếu không có 30). Nhiều tổ chức hoặc nhà khá giả còn bày lễ tiệc cúng tất niên. Ngoài ra, tháng Chạp cũng luôn có nhiều đám giỗ nhất trong năm (vì thời tiết lạnh nên có nhiều người chết, dẫn đến nhiều đám giỗ). Chính vì vậy mà tháng này chữ Nho gọi là “lạp nguyệt” 臘月, dân gian gọi theo âm Nôm là “tháng Chạp”.
Tại sao nói “tháng Giêng”?
Đây là tháng khởi đầu một năm nên, theo quan niệm của phương Đông, rất quan trọng, có vai trò đánh dấu khí thế, cảm hứng cho suốt năm. Nói nôm na, đây là tháng “mở hàng” trong năm. Do đó, cả trong sách Nho lẫn dân gian đều không gọi đây là “nhất nguyệt”/ “tháng Một”, mà gọi bằng một tên khác. Vả lại, tiếng “một” này đồng âm với “một”歿 trong chữ Hán, nghĩa là “chết”, nên quyết không thể dùng để “mở hàng” cho một năm.
Do đó, sách Nho gọi tháng đầu năm này là “chính nguyệt”正月, trongđó “chính”正nghĩa là “gốc, đứng đầu”. Từ đó dân gian nói chệch ra thành “tháng Giêng”. Dân gian vẫn thường nói chệch vần “inh” thành “iêng” (chinh ® chiêng; chinh ® nghiêng; [tứ] chính ®[tứ] chiếng; tỉnh ® giếng; kính ® kiếng, Dinh Châu ® cù lao Giêng, v.v…), nên từ “chính” thành “giêng” cũng không quá khó hiểu.
Như vậy, “giêng” ở đây chính là cách nói chệch của “chính” trong “chính nguyệt”, tức tháng đầu năm. Đây là cách nói để không trùng lặp với “tháng Một” (tháng trước “tháng Chạp”).
* * *
Tóm lại, “Một, Chạp, Giêng, Hai” là cách gọi tên các tháng cuối năm này - đầu năm kia theo dân gian. Cách gọi này vừa cho thấy tính bảo lưu hệ đếm thập phân thuở xưa, vừa là cách để hoà nhập với hệ đếm 12 hiện tại của nhà nước và của thế giới. Do đó, có thể nói đây chính là một thí dụ điển hình về tính linh hoạt và thích ứng của văn hoá dân gian Việt Nam.
Lê Công Lý
Tags