Tại sao vẫn phải là Hồ Gươm?

Thứ Tư, 06/01/2016 07:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một câu hỏi đặt ra sau cảnh chen lấn nghẹt thở tại Hồ Gươm trong dịp đón năm mới 2016 vừa rồi: tại sao, trong mọi lễ hội cũng như sự kiện lớn, người ta vẫn chỉ thích đổ về Hồ Gươm, thay vì một không gian khác?

Nằm ở trung tâm Hà Nội, có mặt nước tự nhiên, có bề dày văn hóa - đó là những lý do thường được đưa ra để cắt nghĩa cho sự lựa chọn mặc định này.Thế nhưng, từ những câu trả lời ấy, chúng ta lại vẫn không thể giải được bài toán tiếp theo: vì sao, sau vài chục năm, một “Hồ Gươm thứ hai” tại Hà Nội vẫn không thể hình thành, ít ra là ở vai trò một không gian làm vệ tinh xứng đáng với “Hồ Gươm thứ nhất”?

Cần nhắc lại, cho đến cuối thế kỷ XIX, Hồ Gươm vẫn chỉ là một hồ nước cạnh khu Kẻ Chợ, và nằm cách xa so với khu vực Hoàng Thành cũ - trung tâm chính trị của Hà Nội bấy giờ. Chính bàn tay quy hoạch của người Pháp khi xây dựng Hà Nội hiện đại đã từng bước biến hồ nước ấy thành không gian trung tâm của một thành phố mới trong thế kỷ XX. Có nghĩa, ngoài những yếu tố lịch sử, đây còn là câu chuyện của quy hoạch đô thị, của sự sắp xếp  và phát triển đầy chủ ý.


Hồ Gươm không còn chỗ trống trong dịp đón năm mới 2016

Trong vài chục năm qua, chúng ta đã có những thất bại nào khi cố gắng tạo dựng một không gian tương tự như Hồ Gươm? Đó là câu hỏi mà người viết từng đặt ra với kiến trúc sư Phó Đức Tùng. Và lập tức, công viên Thống Nhất được anh đưa ra như một ví dụ điển hình.

Cũng nằm ở vùng lõi đô thị như Hồ Gươm, công viên Thống Nhất rộng tới 54 ha so với 15ha của Hồ Gươm. Diên tích mặt nước ở đây là 22 ha, cũng lớn hơn Hồ Gươm tới 2 lần. Thế nhưng, không gian ấy lại hoàn toàn biệt lập với cộng đồng xung quanh và hoàn toàn không thể so sánh với Hồ Gươm trong việc tạo tác động tích cực lên bộ mặt thành phố.

2. Nhiều KTS khác cũng đã hàng chục lần phân tích các sai lầm trong quy hoạch của công viên Thống Nhất. Không chỉ tự “trói” mình bằng hệ thống hàng rào kiên cố bao kín, đó còn là câu chuyện của hàng chục vấn đề từ thiết kế, công năng, cho tới khả năng kết nối với hệ thống giao thông xung quanh.

Chen lấn trong đêm Giao thừa: Thiếu quảng trường hay kém ý thức nơi công cộng?

Chen lấn trong đêm Giao thừa: Thiếu quảng trường hay kém ý thức nơi công cộng?

"Chúng ta cần xem xét lại cách tổ chức khai thác các quảng trường để hiệu quả hơn, không nhất thiết phải xây dựng thêm... Cần phân bố đều hoạt động tại mỗi khu vực, hạn chế phần nào sức hút của khu vực Hồ Gươm và trung tâm"


Hồ Gươm là nơi hội tụ để 17 tuyến phố nhỏ trực tiếp hướng về, là nơi không có xe tải, là nơi người ta có thể đi chậm để mua sắm, dạo chơi rồi dừng ở bờ hồ ngắm cảnh.Trong khi đó, công viên Thống Nhất bị "chắn tứ bề" bởi những trục đường lớn bụi bặm, nơi xe cộ nườm nượp và có cả tuyến đường sắt chạy qua...

Theo bản quy hoạch Hà Nội tới năm 2030, sau 14 năm nữa, riêng nội thành Hà Nội sẽ có tổng cộng 60 công viên, vườn hoa đô thị - trong đó có 18 công viên được xây mới. Tổng diện tích của những không gian công cộng ấy lên tới 1.000 ha.

Thế nhưng, câu chuyện với Hà Nội không phải chỉ là đi tìm những không gian công cộng thật hoành tráng mà lại nằm ở việc thiết kế, tổ chức hoạt động, tạo dựng cho không gian ấy đủ hấp dẫn để kết nối cộng đồng?

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›