(Thethaovanhoa.vn) - Thương vụ đổi chủ sở hữu Newcastle tưởng như đã hoàn thành, nhưng những rắc rối lại đang đe dọa cơ hội đổi đời. Cụ thể, bức thư gửi ban tổ chức Premier League từ đài BeIN Sports có thể khiến mọi chuyện đi theo một chiều hướng khác.
Một đài truyền hình thể thao ở Qatar lại có quyền lực hơn cả Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Annesty International). Nghe có vẻ vô lý, nhưng nhìn vào những gì đang xảy ra trong thương vụ Newcastle được các ông chủ Saudi Arabia mua lại thì đó lại là thực tế.
BeIN Sports tố cáo Saudi Arabia phát lậu Premier League
Cụ thể, đài BeIN Sports đã phàn nàn chính quyền Saudi Arabia đồng lõa cho một đài truyền hình có tên beoutQ phát lậu Premier League gần ba năm qua ở quốc gia này. Đó là một hình thức ăn cắp bản quyền gây thiệt hại đến doanh thu thương mại của các CLB, bao gồm chính Newcastle. Chính đài truyền hình này trở thành thứ vũ khí gây ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh dẫn đến việc Qatar bị cô lập trên chiến trường quốc tế.
Bức thư từ BeIN Sports là tiếng nói có trọng lượng đến ban tổ chức giải đấu, trong bối cảnh các hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League trên khắp các lãnh thổ được thực hiện đồng nhất. Mặt khác, điều này cho thấy trong bóng đá hiện đại, những đơn vị nắm bản quyền truyền hình trên phạm vi thế giới mới có tiếng nói đủ trọng lượng với ban tổ chức giải đấu, chứ không phải một tổ chức nhân quyền trong một quốc gia vốn bị chỉ trích vì vi phạm nhân quyền như Qatar.
Câu chuyện nói trên không chỉ mô tả rõ tầm ảnh hưởng của Premier League ngày càng rộng lớn tới địa chính trị nhiều quốc gia, mà còn minh họa tầm ảnh hưởng của các thương vụ đầu tư từ Trung Đông tới những đội bóng. Có một quan điểm nảy sinh: Thương vụ thâu tóm Newcastle chỉ là một ví dụ cho thấy có quá nhiều phi vụ làm ăn giữa các doanh nghiệp Anh với Saudi Arabia. Bóng đá cũng không phải ngoại lệ. Điều này không hoàn toàn đúng. Bóng đá suy cho cùng vẫn có những quy định riêng. Các CLB vẫn có vị thế của những tổ chức xã hội chứ không thể thuần túy là một doanh nghiệp làm ăn, nên cần được bảo vệ. Nếu Premier League đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về việc sở hữu các đội bóng, không khó để bảo vệ các đội bóng khỏi nguy cơ rơi vào tay các ông chủ không có lý lịch rõ ràng.
Những cảnh báo về chuyện thâu tóm CLB
Hồi đầu năm, ký giả David Goldblatt từng cảnh báo bóng đá hiện đại ngày càng trở thành miền đất vàng để nảy sinh thứ gọi là “chủ nghĩa siêu tư bản”, ám chỉ sự giàu có ngày càng mạnh hơn ngành nghề giải trí nào khác. Làng túc cầu đang hoàn toàn là sân chơi của những ông chủ với các phi vụ cao ngất trời. Mỗi thương vụ chỉ càng tăng thêm lòng tham vô đáy và khiến bóng đá trở nên tệ hại hơn, thay vì tô điểm cho bộ mặt của môn thể thao vua.
Vậy Premier League có thể làm gì để ngăn cản những phi vụ thâu tóm có vấn đề trong tương lai? Các CLB dùng phiếu bầu của mình để yêu cầu một điều khoản đạo đức đưa vào trong quy định về quyền sở hữu. Nếu điều này được thông qua, cơ hội để các ông chủ đến từ Saudi Arabia sở hữu Newcastle coi như khép lại. Một đề xuất hợp lý, bởi các ông chủ với bản chất của một doanh nhân sẽ tìm cách bán để thu về số tiền cao nhất mà không cần quan tâm đối tác mua đội bóng là ai. Điều này làm tăng cơ hội cho những quỹ đầu tư vào cuộc chẳng hạn như trường hợp của Public Investment Fund, đơn vị tiến hành đàm phán để mua lại Newcastle từ tay Mike Ashley.
Ảnh hưởng của những nhân vật giàu có đến từ Trung Đông đến bóng đá thế giới ngày càng lớn mạnh. PSG được sở hữu bởi tập đoàn Qatar Sports Investments vốn đang có ý định sở hữu Leeds United, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất Anh. Man City, không cần phải nói, là đội bóng nằm trong tay các ông chủ đến từ UAE. Điều này buộc Premier League cũng như các giải đấu châu Âu phải nghĩ xa hơn đến những hệ lụy tiêu cực. Không nói đâu xa chính là những rắc rối liên quan đến chuyện thâu tóm Newcastle.
Đức Hùng
Tags