(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia thành công với các mô hình tái thiết di sản công nghiệp. Đa phần các mô hình chuyển đổi này đều có xu hướng tạo ra các không gian công cộng, văn hóa thay vì nhà ở.
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp, các kiến trúc sư nổi tiếng đến từ châu Âu đã đưa ra những gợi mở quan trọng cho tương lai tái thiết đô thị từ các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời tại Hà Nội.
Đa công năng mới sau chuyển đổi
Đánh giá các mô hình chuyển đổi di sản công nghiệp quốc tế trên cơ sở 104 mô hình được cung cấp thông tin bởi các đối tác EUNIC, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Đức, Pháp và Italy là những quốc gia có mô hình chuyển đổi di sản công nghiệp nhiều nhất, còn lại các mô hình phân bố rải rác ở khắp các quốc gia trên phần lớn châu Âu, cộng với một phần nhỏ ở châu Mỹ, châu Á và châu Úc.
Điều này khẳng định sự đi đầu cho xu hướng tái tạo các di sản công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia châu Âu như Đức và Pháp. Đây cũng là những quốc gia có nhiều di sản công nghiệp được tái tạo và được công nhận là di sản văn hóa thế giới” - KTS Bùi Thị Thúy Ngọc nói.
Bà Thúy Ngọc tiếp tục cho hay, qua nghiên cứu cho thấy trên thế giới có 6 công năng mới của nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp sau khi được chuyển đổi gồm:Khu tổ hợp bao gồm nhà ở; khu tổ hợp không bao gồm nhà ở; công trình văn hóa; công trình giáo dục; không gian công cộng vườn hoa, công viên; khu nhà ở. Xu hướng chuyển đổi với mục đích tạo ra các công trình công cộng chiếm đến 90% trong đó có 55% là các công trình văn hóa. Chỉ có 10% các công trình chuyển đổi thành mục đích nhà ở.
Cũng theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội, các mô hình chuyển đổi di sản công nghiệp trên thế giới ưu tiên chuyển đổi thành những không gian văn hóa trong khuôn khổ đô thị. Những không gian này đóng vai trò tạo ra môi trường đặc sắc - gắn liền với “hồn nơi chốn” của khu vực bản địa, là yếu tố hết sức quan trọng để nâng cao bản sắc, trở thành những không gian phản ánh mức độ văn minh của một thành phố. Thậm chí, những không gian này còn có thể là biểu tượng, nơi cung cấp những trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa, thẩm mỹ.
Mặt khác, việc các quốc gia trên thế giới chú trọng chuyển đổi các di sản công nghiệp thành các không gian công cộng còn cho thấy sự quan tâm đến các xu hướng về thiết kế không gian mở, không gian giao lưu cộng đồng kết hợp yếu tố sinh thái phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.
Bài học kinh nghiệm quốc tế
KTS người Italy Massimo Rojcho rằng:“Tái thiết di sản công nghiệp tạo cơ hội duy nhất cho các thành phố có thể thiết kế lại theo cách mang đến cơ hội tốt hơn và chất lượng cuộc sống cao hơn cho người dân. Theo nghĩa này, việc tái tạo đô thị phải là một động lực thúc đẩy sự thay đổi sâu sắc không chỉ giới hạn ở khía cạnh kiến trúc mà còn tác động đến cộng đồng và tạo ra các bản sắc mới trên các chiều cạnh xã hội, kinh tế và môi trường. Và di sản công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo đô thị”.
Ông Massimo Roj cũng nhấn mạnh, việc tái thiết đô thị cần có cách tiếp cận linh hoạt, không chỉ ở cấp độ kiến trúc mà còn ở cả khía cạnh môi trường và xã hội. Điều này được minh chứng rõ qua dự án Urban Farm được thực hiện bởi kiến trúc sư người Italy này. Đây là dự án tái tạo một lò mổ gia súc cũ bị bỏ hoang ở phía Đông của thành phố Milan, Italy. Khu lò mổ bỏ hoang này được xây dựng vào đầu những năm 1900 với diện tích rộng khoảng 15ha.
“Mục tiêu của dự án Urban Farm là chuyển đổi lò mổ cũ trước đây thành một đô thị tự cung tự cấp, trở thành một thành phố đa trung tâm. Nơi mà có thể thử nghiệm các cách thức giao tiếp xã hội, và giao tiếp văn hóa mới. Ý tưởng của Urban Farm là bảo tồn ký ức công nghiệp. Cụ thể, cổng vào thành phố được bao quanh bởi một công viên rộng lớn. Đây có thể là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trên mặt đất. Di chuyển vào bên trong trung tâm dự án là bước vào một thế giới các đa khu vực chức năng như trung tâm kinh doanh nông nghiệp, phòng thí nghiệm trang trại đổi mới, vườn ươm khởi nghiệp, văn phòng thế hệ mới, khu ăn uống, vườn trên mái nhà, nhà kính, trung tâm giáo dục, các chợ nhỏ v.v…” - ông Massimo Roj chia sẻ.
Cũng cần nói thêm, bản sắc của quy hoạch Urban Farm được KTS Massimo Roj chú trọng đó chính là màu xanh. Hệ thống cây xanh đã tạo ra hình thái kiến trúc đô thị của Urban Farm, trở thành mạng lưới tổng hợp của quá trình tái tạo đô thị, thiết kế cảnh quan kết nối các khu vực chức năng được quy hoạch trong thành phố. Từ đó tạo ra cấu trúc đô thị hợp nhất.
GS-TSKTS Salvador Perez Arroyoquan tâm đến tinh thần và tâm hồn của di sản kiến trúc, hay nói cách khác chính là giá trị ký ức lịch sử của những công trình cũ. KTS người Tây Ban Nha này cho rằng: “Những kiến trúc sư phải yêu các vật liệu cũ, với những bề mặt, với những lớp bao che cũ của công trình, nhưng đồng thời họ cũng phải trân trọng những khu vực xung quanh các tòa nhà cổ, và những không gian công nghiệp”.
KTS Salvador Perez Arroyo từng nghiên cứu dự án Bảo tàng Magazzini del Sale ở Venice, Italy được chuyển đổi từ một kho muối cũ. Ông cho biết: “Những bức tường Magazzini del Sale bộc lộ quá khứ và bề mặt chất liệu thì diễn đạt cho các thời đại”. Với việc giữ lại những bức tường của kho muối cũ để biến thành bảo tàng, các kiến trúc sư đã truyền đạt quá khứ và lưu giữ thông điệp cho tương lai. Để hiểu được hết những thông điệp này theo KTS Salvador Perez Arroyocần có một “chất thơ”. Với những giá trị chuyển đổi nổi bật, hiện Bảo tàng Magazzini del Sale được đề xuất trở thành một trường nghệ thuật.
Tại Việt Nam, KTS Salvador Perez Arroyo chính là tác giả của Bảo tàng Hạ Long, được trao giải thưởng công trình xuất sắc nhất năm 2014. Quan tâm đến các di sản kiến trúc của Việt Nam, ông cho rằng: “Việt Nam có một gia tài khổng lồ. Các kiến trúc sư ở Việt Nam hiện nay phải nghiên cứu và tôn trọng tiếng nói của quá khứ, phải yêu thương những vật liệu, những bề mặt và biết lưu trữ những thông tin về công năng cũ. Không bao giờ nên tin rằng xóa bỏ bên trong và chỉ giữ lại những bức tường bên ngoài là thuận tiện. Những thế hệ kế tiếp sẽ cần thông tin nhiều hơn và chúng ta cần giữ gìn cho họ”.
Những công trình tiêu biểu Một số mô hình chuyển đổi di sản công nghiệp tiêu biểu trên thế giới có thể kể đến: Bảo tàng Macro (Italy) được chuyển đổi từ nhà máy bia; khu vườn Fouderies’Garden (Pháp) được chuyển đổi từ nhà kho; khu triển lãm Gasometer Oberhausen (Đức) được chuyển đổi từ kho chứa khí gas; trung tâm trình diễn nghệ thuật Carrières de Lumiéres (Pháp) được chuyển đổi từ mỏ khai thác đá v.v… |
Công Bắc
Tags