Tái xác định nguồn lực văn hóa Hà Nội

Thứ Tư, 22/03/2023 07:50 GMT+7

Google News

Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại được tổ chức tại Hà Nội ngày 21/3. Xác định văn hóa là một nguồn lực quan trọng của Hà Nội, nhiều luận cứu khoa học, giải pháp thiết thực đã được nêu ra và thảo luận

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Tiến Dũng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) nhấn mạnh: "Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa của Thủ đô".

Hà Nội quan tâm đặc biệt đến văn hóa

Ông Dũng nhấn mạnh: "Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh".

Và ông nói thêm: "Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa".

Tái xác định nguồn lực văn hóa Hà Nội - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã dành khoảng 49.200 tỷ đồng để đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.

Trong năm 2023, Hà Nội đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi; lập quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh tổng thể về xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, hội thảo là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa.

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều luận cứ khoa học đã được trình bày và trao đổi như: Đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và ngược lại. Trong đó, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển văn hóa Thủ đô.

Nhận diện nguồn lực để phát triển toàn diện

Hội thảo cũng tập trung tại xác định, tái nhận diện các nguồn lực văn hóa, cùng các giải pháp để phát huy, chuyển hóa nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Duy Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển) xác định nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội bao gồm ba nguồn chính. Đó là nguồn lực di sản văn hóa; nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa; nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa.

Tái xác định nguồn lực văn hóa Hà Nội - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BTC

Theo ông Đức, với vị thế của vùng đất được lựa chọn là kinh đô của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, Hà Nội có lợi thế vượt trội về nguồn di sản văn hóa, xứng đáng là Thành phố di sản của cả nước.

Hiện nay, thành phố có 5.922 di tích, trong đó 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Tính đến ngày 24/01/2022, Hà Nội có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích cấp quốc gia. 1.452 di tích cấp thành phố. Còn khoảng 3.221 di tích chưa được xếp hạng.

Chưa kể, về hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội còn là nơi lưu giữ một nguồn tài nguyên lớn về các giá trị của người Tràng An, kinh đô của cả nước trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đó là hệ thống các thư tịch Hán-Nôm, các tác phẩm, loại hình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và dân gian; các nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực; các lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo.

Thương hiệu Thành phố sáng tạo

Trên cơ sở nguồn lực di sản văn hóa dồi dào, các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo cũng được nhiều ý kiến đề cập. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Phát triển Hà Nội thành Thủ đô thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, trở thành một trong những điểm đến của tri thức, sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Tái xác định nguồn lực văn hóa Hà Nội - Ảnh 3.

PGS-TS Phạm Thị Thu Hương tại hội thảo. Ảnh: BTC

PGS-TS Phạm Thị Thu Hương (Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng: Nếu lấy mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo làm trọng điểm, nguồn lực văn hóa của Hà Nội được xác định gồm: Nguồn lực con người (thể hiện qua sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về 7 lĩnh vực, gồm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; thiết kế; điện ảnh; ẩm thực; văn học, nghệ thuật; truyền thông; âm nhạc); nguồn lực di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa (các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị/sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm văn hóa được tạo ra trong các ngành công nghiệp văn hóa...); nguồn lực hạ tầng văn hóa (các địa điểm, các công trình có thể hình thành các không gian sáng tạo...).

Ở khía cạnh này, bà Hương đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các không gian sáng tạo như là một nguồn lực văn hóa quan trọng. "Phát triển công nghiệp sáng tạo và phát huy vai trò của các không gian sáng tạo là một trong những giải pháp cần thiết và hiệu quả đối với các hoạt động phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển của Hà Nội hiện nay" - bà Hương nói - "Thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo nói riêng".

Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp để phát huy hiệu quả và toàn diện các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Công Bắc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›