(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1961, Dave Brubeck nói với Ralph Gleason trên chương trình truyền hình Jazz Casual rằng nhạc jazz ngày nay đã phần nào mất đi tính phiêu lưu của nó. Theo ông, nó không còn thách thức công chúng một cách có nhịp điệu như hồi xưa. “Đã đến lúc các nhạc sĩ jazz phải lấy lại vai trò ban đầu của họ là dẫn dắt công chúng theo nhịp điệu phiêu lưu hơn” - Brubeck nói, và đó chính xác là những gì ông làm với Take Five.
Take Five, sinh ra từ một ngẫu nhiên, bất ngờ trở thành hit pop, điều hiếm có với một giai điệu jazz. Tới nay, nó vẫn là đĩa đơn jazz bán chạy nhất mọi thời đại. Thế nhưng, lý do nó được yêu thích tới vậy sau hơn nửa thế kỷ vẫn là điều gây tranh cãi.
Một bước đi phiêu lưu
Take Five là bản nhạc thứ 3 trong album Time Out, được ghi âm năm 1959. Đó là năm được coi là có nhiều biến chuyển nhất trong nhạc jazz giữa bối cảnh rock and roll thống trị các BXH. Miles Davis và Gil Evans giới thiệu với khán giả nhạc jazz modal (thể điệu) qua album jazz bán chạy nhất mọi thời đại Kind Of Blue, John Coltrane phát hành Giant Steps còn Art Farmer và Benny Golson khởi đầu nhóm nhạc jazz đầu tiên của mình.
- 'Bad Guy' của Eilish là ca khúc thịnh hành nhất toàn cầu năm 2019
- Ca khúc 'You Don't Have To Say You Love Me': Chẳng cần nói lời yêu khi tình đã hết
Rất nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra trong giới nhạc jazz năm đó nhưng về nhịp điệu, âm nhạc vẫn chủ yếu chơi theo nhịp 4/4. Brubeck thì lại luôn thích thú với đa giọng và phức điệu, lấy cảm hứng từ âm nhạc châu Phi và nhạc cổ điển.
Brubeck đã chơi những nhịp khác với số đông từ cuối thập niên 1940, tuy nhiên, chỉ sau khi trở về từ chuyến lưu diễn qua hơn 14 quốc gia do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, thấy được sự đa dạng của âm nhạc các nơi, ông mới nghĩ tới chuyện làm cả album cùng nhóm tứ tấu của mình theo những nhịp lạ như 6/4, 3/4, 9/8 và như trong Take Five là 5/4. Hãng đĩa Columbiacủa Brubeck khi đó, không biết gì về kế hoạch của ông. Khi ông tiết lộ cho họ biết, bộ phận maketing tỏ ra lo lắng, và không chỉ vì nó có những nhịp lạ.
“Bìa album là một bức tranh, điều chưa từng có trong giới nhạc jazz” - Brubeck nói. “Có lẽ thường chỉ có nhạc cổ điển mới vậy, tôi không biết nữa. Và bên cạnh đó, tất cả đều là nhạc gốc. Họ không đồng tình. Nếu tất cả đều là sáng tác gốc, anh thường không thể làm vậy được. Anh đơn giản là không được phép. Họ muốn anh phải làm những show theo tiêu chuẩn Broadway và giai điệu tiêu chuẩn như những khúc tình ca hay hit ngày đó”.
May mắn, album Time Out sau đó vẫn được phát hành, tất cả là nhờ Chủ tịch sau đó của Columbia là Goddard Lieberson can thiệp. Lieberson thật sự thích những gì Brubeck làm. “Tôi nhớ ông ấy nói: Chúng ta không cần thêm một bản copy Stardust hay Body And Soul nữa. Chúng ta đã có quá nhiều rồi. Đây là lúc phải có ai đó làm những điều như thế này” - Brubeck nhớ lại.
Thế là, thay vì làm lại các tác phẩm chiều tai khán giả ngày đó, chúng ta có Blue Rondo A La Turk, một bản nhạc có nhịp 9/8, cũng như Pick Up Sticks, Strange Meadow Lark và Take Five.
Bổ sung vào phút cuối
Hầu như album đã làm xong khi Brubeck quyết định thêm vào một bản nhạc nhịp 5/4.
“Dave luôn để cho tôi được nổi bật với đoạn solo trống” - tay trống Joe Morello của tứ tấu chia sẻ. “Chúng tôi sẽ kết thúc các buổi diễn theo cách đó, đứng lên và la hét các kiểu. Thế nên, tôi sẽ chơi nhịp 5/4. Giai điệu lúc đó tôi đang làm cùng Dave là Sounds Of The Loop, nhưng đến đoạn solo trống, tôi chỉ cứ thế vào nhịp 5/4. Vậy nên tôi hỏi Dave luôn rằng: Sao anh không viết hẳn một bài.Vì anh giờ là người sáng tác của nhóm. Cuối cùng thì Desmond lại là người nói: Tôi sẽ viết thử gì đó”.
Người mà Morello nhắc tới là tay chơi saxophone altoPaul Desmond, người đã chơi cùng Brubeck từ cuối thập niên 1940 trước khi gia nhập bộ 3 của Brubeck năm 1951. Desmond được ghi nhận là người sáng tác Take Five dù Brubeck nói đây là dự án của nhóm với Desmond cung cấp 2 ý tưởng chính, rời rạcvà không đi tiếp được còn ông mới chính là người ghép nối, bổ sung hoàn chỉnh nó.Theo như những bản ghi nháp, giai điệu ban đầu thật sự lộn xộn và cả nhóm đã phải thử 12 kiểu khác nhau trước khi Dave tìm thấy cái mình muốn.
Không có vẻ là sản phẩm ăn khách
Tuy vậy, sau 2 phiên thu Take Five, khi nó được hoàn thành, Desmond lại là người nghĩ nó đáng vứt đi - đến mức ông từng đùa rằng sẽ dùng toàn bộ tiền bản quyền bản nhạc để mua một cái máy cạo râu điện. Tựa đề “Take Five” là ý tưởng của Brubeck và Desmond không thích nó chút nào nhưng Brubeck khăng khăng giữ ý kiến: “Tôi nói: Thì chúng ta cũng phải cho nó cái tên. Sao anh không muốn dùng tên này?. Còn anh ấy nói: Chẳng ai hiểu nó có nghĩa gì. Tôi lại nói: Paul, anh có lẽ là người duy nhất ở nước này không hiểu nghĩa của nó”. “Take Five” theo đó đơn giản vì bản nhạc được viết theo nhịp 5/4!
Take Five cũng trở thành mặt A của đĩa 45 vòng, theo Brubeck, chỉ vì một bản nhạc nổi bật khác là Blue Rondo A La Turk có tựa quá dài để DJ đọc tên trên chương trình phát thanh.
Khác với dự đoán bi quan của các cha đẻ, album Time Out trở thành album jazz thành công nhất năm 1959 khi vượt mốc một triệu và đặc biệt: Take Five trở thành hit pop -điều cực hiếm với jazz - và hiện vẫn là là đĩa đơn jazz bán chạy nhất mọi thời đại.
Cả nhóm đều không thể xác định chính xác điều gì khiến Take Five trở thành đĩa đơn nhạc jazz bán chạy chưa từng có như vậy. Brubeck đoán đó là do phần đệm ứng tác bắt tai. Desmond lại tin đó là nhờ phần chuyển tiếp mà anh sáng tác. Morello thì nghĩ là nhờ mọi yếu tố. “Nó đơn giản là thành công” - anh nói. “Nếu ai có thể đoán được cái gì sẽ bán chạy thì Chúa ơi, họ sẽ lái Rolls-Royces và sống trong lâu đài”.
Take Five sau đó đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác jazz nhịp 5/4 từ rất nhiều nhạc sĩ khác nhưng khó có cái tên nào đáng nhớ như Take Five. Nó là chuẩn mực jazz theo đúng nghĩa đó. Không những thế, giai điệu này còn rất được giới làm phim ưa chuộng, nó từng xuất hiện tại nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như Mighty Aphrodite, Pleasantville hay Constantine.
“Gene Krupa từng nói với tôi, đó là Sing Sing Sing của anh đó. Y chang vậy. Anh sẽ mắc kẹt với nó cho tới cuối đời” - Morello nói. “Và ông ấy đã đúng. Nhưng lần nào chơi khúc này cũng là một niềm vui”. Quả vậy, trong hơn 50 năm tiếp theo, nhóm nhiều lần ghi lại nó và thường chơi lại Take Five trong hòa nhạc thân mật: Mỗi thành viên, sau khi hoàn thành phần solo của mình, sẽ rời sân khấu như trong giao hưởng Từ biệt của Haydn cho tới khi chỉ còn trống, đúng như ý tưởng ban đầu.
Hữu xạ tự nhiên hương, cùng với tứ tấu Dave Brubeck, rất nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đã thu âm lại Take Five, ở nhiều hình thức, trong đó Don Partridge còn viết lời cho nó; và tất nhiên, biểu diễn nó ở mọi nơi. Gần đây, trong bình chọn về những ca khúc jazz hay nhất mọi thời đại, BBC Music Jazz đã chọn Take Five đứng đầu.
Nhưng còn một điều đáng nói hơn về Time Out cũng như Take Five. Ra đời vào thời điểm phong trào dân quyền đang dâng cao, mở ra sự liên thông giữa văn hóa các quốc gia, Brubeck nổi lên như một nhạc sĩ ôn hòa giữa thế kỷ, sẵn sàng chịu áp lực của thời đại để sáng tạo, tôn vinh tính đa dạng của âm nhạc.
Sau hơn 6 thập kỷ, di sản của Time Out nói chung mà nổi bật là Take Five vẫn vang lên như một minh chứng cho tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận cảm hứng từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nói một cách khác, nó vượt thời gian.
Sức hút vượt thời gian Giữa thời đại số với vô vàn nhạc xuất hiện mỗi năm, MV làm từ năm 1966 của Take Five vẫn đang thu hút đông đảo người xem trên Youtube. Năm 2011, Time Out đạt chứng chỉ đĩa bạch kim ở Mỹ còn Take Five phiên bản của dàn nhạc Pakistan là sản phẩm jazz bán chạy nhất trên iTunes. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Tags