(Thethaovanhoa.vn) - Đã bao lâu rồi quý vị chưa cầm một tờ báo in? Có lẽ với nhiều người, thói quen mỗi sáng cầm một tờ báo còn thơm mùi mực, sau đó "nhâm nhi" từng trang báo bên ấm trà, ly cà phê… vẫn là một thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, đời sống hiện đại đã có rất nhiều thay đổi. Người ta đang nói rất nhiều đến tương lai của báo in. Rằng báo in không nên và không thể chỉ dựa vào nỗi niềm “thương nhớ mực in” của những độc giả “hoài cổ”; mà bắt buộc phải có những sự thay đổi để tiếp cận được với độc giả.
Trong talk đặc biệt này, chúng tôi muốn cùng những vị khách mời bàn về câu chuyện báo in. Đó là nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa - tờ báo vừa khởi xướng phong trào “Đọc báo có phong cách”. Và vị khách mời thứ 2 đó chính là ông Lê Vũ Anh - Giám đốc nội dung của YAN News - một trong những kênh thông tin video giải trí dành cho giới trẻ rất nổi tiếng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Yan News lại có sự lấn sân khá thú vị khi tham gia làm báo in.
* Thể thao và Văn hóa là một trong những đơn vị đã khởi xướng phong trào “Đọc báo có phong cách” ngay sau khi dịch Covid-19 bị đẩy lui ở Việt Nam. Vì sao ông lại chọn thời điểm này?
- Ông Lê Xuân Thành: Sự phổ biến của Internet trong suốt một thời gian dài đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta trở nên vội vã hơn với những thói quen tiêu thụ thông tin đã trở nên khó bỏ.
Cho đến khi đại dịch diễn ra, hầu hết mọi người phải ở nhà, thực hiện chỉ thị “giãn cách xã hội”. Chúng ta bỗng có một khoảng thời gian tương đối dài để tự ngẫm nghĩ lại cuộc sống và tương lai của chính mình. Có những lo âu về một thế giới mà ta đang sống, rất hiện đại, văn minh nhưng cũng có nhiều thứ thật mong manh dễ vỡ… Vì thế, sống đâu phải chỉ là chạy đua theo thông tin, mà còn cần những khoảng thời gian “sống chậm” để suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của cuộc đời, của chính mình
Cho nên, giai đoạn “bình thường mới” sau dịch Covid-19 cũng là thời điểm vàng để khởi xướng một phong trào dành cho văn hóa đọc: Đọc báo có phong cách. Đối với Thể thao và Văn hóa, chúng tôi xem ấn phẩm báo in mang giá trị cốt lõi của cả tờ báo nên đã đầu tư rất nhiều thời gian, chất xám. Trong 5 năm trở lại đây, dù rằng thoái trào báo in là xu thế chung, nhưng chúng tôi vẫn giữ được một lượng độc giả ổn định, kể cả giữa đại dịch Covid-19. Cầm tờ báo in Thể thao và Văn hóa bây giờ, nhiều người yêu mến nó nhận xét, đó là một thứ “của hiếm” trên thị trường: Một tờ báo in màu ra gần như hàng ngày, mỗi kỳ có một phong cách riêng, một nội dung riêng.
- Sức mạnh của báo chí khi 'nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật'
- TTXVN bàn giao hiện vật tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam
* Tuy vậy, khảo sát của chúng tôi cho thấy, phong trào “Đọc báo có phong cách” mà Thể thao và Văn hóa khởi xướng vẫn bị cho là một bước đi khá táo bạo, liều lĩnh. Ông nghĩ sao về điều đó?
- Lê Xuân Thành: Xin bắt đầu từ câu chuyện của một idol (thần tượng) của tôi - đó là ông Thomas Watson, Giám đốc điều hành hãng máy tính IBM nổi tiếng thế giới ở Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Vào thời điểm đó, kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ rất đình đốn, trì trệ, viễn cảnh rất nghiệt ngã, cũng giống như đại dịch Covid-19 vừa qua và hiện nay vẫn đang làm chao đảo thế giới.
Nhắc lại câu chuyện về công ty IBM, dù tình hình kinh tế suy thoái, nhưng ông Thomas Watson vẫn giữ được sự lạc quan, không cắt giảm nhân sự, không cắt giảm chi tiêu và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển và mở rộng các dây chuyền sản xuất.
Trong khi mọi người phải căn cơ, phải cắt giảm vì lý do khó khăn về tài chính, về kinh tế, Thomas Watson vẫn cho sản xuất, máy móc chất đầy kho. Và rồi điều kỳ diệu xảy ra, khi chính phủ Mỹ thay đổi cách tính lương nhân công, thu nhập bằng máy móc, nhu cầu máy móc để phục vụ cho sự chuyển đổi này cực lớn và IBM đã trúng lớn, có đà để trở thành người khổng lồ trong làng sản xuất máy tính sau này.
Với chúng tôi, trước, trong và sau đại dịch Covid, Thể thao và Văn hóa vẫn đi theo hướng lạc quan, không giảm nhân sự, không cắt giảm quy mô, và tiếp tục tăng cường đầu tư đẩy mạnh sáng tạo cả về nội dung và hình thức các sản phẩm thông tin. Chúng tôi xây dựng mỗi số báo hàng ngày có một phong cách riêng với nội dung riêng biệt như là mỗi số tạp chí. “Tạp chí hóa” từng số báo hàng ngày có lẽ là việc rất ít người làm được.
Về tình hình kinh tế, xã hội thời kỳ “hậu Covid-19”, chúng ta nói nhiều về sức bật của lò xo bị nén, chúng tôi đang chờ đợi sức bật đó khi mà sang năm 2021 Việt Nam đăng cai SEA Games 31, hoặc biết đâu, với thành tích ấn tượng chống Covid-19, hiện nay Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới tổ chức các trận đấu thể thao có hàng chục ngàn người trên khán đài, nên rất có thể các trận đấu AFF Cup 2020 sẽ được tổ chức theo vòng chung kết tại nơi an toàn nhất là Việt Nam thay vì đấu lượt đi lượt về. Lúc đó nhu cầu về truyền thông là rất lớn.
Tóm lại, với Thể thao và Văn hóa, có táo bạo, có liều lĩnh nhưng vẫn nằm trong sự tính toán và chúng tôi cũng cần sự may mắn nữa. Còn nếu không may mắn, chưa thành công thì chúng tôi cũng đã làm điều gì đó để giữ gìn văn hóa đọc báo, góp phần xây dựng nếp sống yêu tri thức, nhân văn, do đó, “không thành công cũng thành nhân”.
* Như vậy, báo in cần biết mở ra để nắm bắt cơ hội, không phải vừa thấy khó mà đã bỏ. Còn bây giờ là một câu hỏi dành cho anh Lê Vũ Anh - Giám đốc nội dung của YAN News - kênh thông tin về giải trí, âm nhạc dành cho giới trẻ, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực online. Thế nhưng, YAN News đã có sự xuất hiện trên báo giấy. Trong số báo ngày thứ Năm (bộ mới) của báo Thể thao và Văn hóa, 4 trang giữa có sự xuất hiện của YAN News với phong cách giải trí trẻ trung là: Xem gì? Nghe gì? Chơi gì? Cảm hứng bất tận. Một sự đi ngược xu hướng chăng? Vì sao YAN News - một trang tin tức phát triển hoàn toàn trên nền tảng online quyết định hợp tác, đầu tư, tham gia “cuộc chơi” cùng phát triển báo giấy?
- Lê Vũ Anh: Khi nói về thông tin trên mạng người ta hay nghĩ rằng rất tạp nham, không xác thực. Thông qua việc kết hợp với báo Thể thao và Văn hóa, chúng tôi muốn đưa những thông tin thực sự chính thống, chuẩn xác lên báo in để có thể đến được với độc giả một cách văn minh hơn. Đó cũng là thông điệp mà YAN muốn truyền tải tới các độc giả trẻ: Thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng tạp nham, lan man mà có rất nhiều thông tin hữu ích cho giới trẻ.
Bắt tay với báo Thể thao và Văn hóa, YAN sẽ có bước tiến chỉn chu hơn, không chỉ là trang tin điện tử thông thường mà là kênh thông tin bổ ích cho cộng đồng và giới trẻ.
* Cách mà một đơn vị đang hoạt động online như vậy tổ chức như thế nào để có được những lượng bài vở khá lớn xuất hiện trên báo giấy hàng tuần như vậy?
- Lê Vũ Anh: Chúng tôi kết hợp với báo Thể thao & Văn hóa tổng hợp rất nhiều thông tin trên mạng. Từ đó chọn lọc ra những thông tin phù hợp nhất không chỉ mang tính giải trí mà còn truyền tải những giá trị văn hóa, nghệ thuật và cả những kiến thức giúp cho giới trẻ phát huy được sức mạnh của mình, đó là cách là chúng tôi đang làm, tức là chọn lọc thông tin.
* Có thể thấy rằng trong những năm trở lại đây với sự phát triển rất mạnh của những trang mạng xã hội như Youtube, Facebook… đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức với những người làm nội dung. Anh Lê Vũ Anh có thể chia sẻ cách mà các anh đã tận dung cơ hội đó để đưa trang thông tin của mình đến độc giả?
- Lê Vũ Anh: Đối với YAN, các trang mạng xã hội Youtube, Facebook là cơ hội hơn là một thách thức. Vì ngay từ đầu, tập thể đội ngũ YAN xuất thân là những người làm online từ lâu, do đó cũng hiểu tư duy các bạn trẻ khi lên mạng Internet. Khi Facebook vào Việt Nam, YAN tiến hành đưa nội dung của mình lên đó. Khi có lượng khán giả đủ lớn, YAN bắt đầu phân loại khán giả, chia làm rất nhiều hệ thống fanpage khác nhau. Hiện nay chúng tôi có hơn 70 fanpage khác nhau với lượng truy cập khoảng 30-40 triệu.
* Có một trong những nhận định quan trọng về báo chí trong kỷ nguyên số chính là: Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng. Nhưng công nghệ là thứ chúng ta có thể cập nhật và học hỏi, còn nội dung lại là một đòi hỏi cao về mặt con người. Vậy các anh có thể chia sẻ về những yêu cầu nhân sự báo chí trong kỷ nguyên số hôm nay?
- Lê Vũ Anh: YAN xem công nghệ là công cụ hỗ trợ để chuyển tải nội dung đến với công chúng. Yan có nhiều nền tảng khác nhau, khi có nền tảng nào mới ra như Tiktok - một công nghệ mới được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích, chúng tôi cũng không thể bỏ qua. Đó là cách mà YAN sử dụng công nghệ để truyền tải nội dung của mình đến độc giả.
- Lê Xuân Thành: Tôi thích cách ví von: Nội dung là vua, còn công nghệ là… hoàng hậu. Nhà vua có “hoàng hậu” phò trợ mình thì nhất định sẽ thành công. Tôi cũng đồng ý với ý kiến của anh Lê Vũ Anh, đó là công nghệ chính là công cụ hỗ trợ truyền tải nội dung tốt hơn.
Trong thời đại số 4.0, rõ ràng một người làm nội dung phải đóng rất nhiều vai trò. Hồi xưa, một nhà báo ngoài viết bài, có thể thêm chụp ảnh, biết quay phim - hướng tới mục tiêu “3 trong 1”.
Nhưng ở thời điểm này, nhà báo không còn là “3 trong 1” nữa mà là “n trong 1” vì một nhà báo vừa phải biết viết báo vừa biết chụp ảnh, quay phim, vừa dựng clip, vừa biết thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh, chọn nhạc… để cho ra đời một sản phẩm multimedia (đa phương tiện).
* Xin cảm ơn hai vị!
P.V
Tags