(Thethaovanhoa.vn) - Một sự kiện tưởng nhỏ, nhưng lại nhận về sự chú ý của dư luận - đặc biệt là những người trẻ: phim trường Kong tại khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) bắt đầu được tháo dỡ và ngừng hoạt động từ ngày 20/9 vừa qua.
Phục dựng từ bối cảnh của bộ phim Mỹ Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu), quay tại đây năm 2016, khu vực được gọi là “phim trường” này thực chất là mô hình một ngôi làng thổ dân với hệ thống lều cọ, thuyền gỗ, bếp lửa, cờ phướn... khá hoàn chỉnh. Kèm theo đó, kể từ khi mở cửa vào tháng 4/2017, các “diễn viên quần chúng” - vốn là những người dân địa phương - cũng thường xuyên hóa trang thành thổ dân để diễn xướng và chụp ảnh cùng du khách tới tham quan.
Dù còn mới tại Việt Nam, việc “tái sử dụng” trường quay của các bộ phim nổi tiếng để trở thành điểm du lịch là cách làm khá phổ biến tại các nước. Và, cũng không có gì lạ khi trong thời gian qua, rất đông khách du lịch đã tới phim trường Kong để tham quan và... check in chụp ảnh.
Thế nhưng, theo những thông tin được chia sẻ, sự xuất hiện của phim trường này tại Tràng An - khu vực trở thành Di sản Thế giới từ năm 2014 - lại không được UNESCO cổ vũ. Cụ thể, vào tháng 6 vừa qua, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã khuyến nghị về việc mô hình này, cũng như những diễn xướng quanh nó, là bắt nguồn từ một bộ phim hư cấu và không phù hợp với những giá trị cốt lõi của di sản thiên nhiên Tràng An.
Bởi thế, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc chấm dứt hoạt động của “phim trường” là một quyết định cần thiết và đáng hoan nghênh để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Di sản Thế giới này.
***
Nhiều năm qua, mỗi khi xin UNESCO xét tặng danh hiệu cấp Thế giới cho một di sản, chúng ta thường nhắc tới tiềm năng khai thác du lịch mà địa phương sở hữu di sản ấy có thể phát huy. Thực chất, điều này không sai, khi mà ở mọi quốc gia, danh xưng ấy luôn mang lại cho di sản một sức hút đặc biệt trước sự quan tâm của du khách.
Chỉ cần nhìn vào sự tăng trưởng đều đặn của số khách tới Ninh Bình kể từ khi Tràng An trở thành di sản thế giới, ta có thể thấy rõ điều này: năm 2014 là 4 triệu lượt khách, 2015 là 5 triệu lượt, 2016 là 6,5 triệu lượt, 2017 là 7 triệu lượt và 2018 vừa qua là 7,3 triệu lượt.
Nhưng, yêu cầu bảo vệ tính nguyên trạng của di sản là một câu chuyện độc lập với du lịch. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, sức ép từ nhu cầu của du khách lại là điều ảnh hưởng tới tính nguyên trạng này, khi các vấn đề về cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông tiếp cận, các công trình phụ trợ nhằm tăng sức hấp dẫn... được đặt ra.
Ngay ở Tràng An, chỉ hơn một năm trước, dư luận cũng từng nhắc tới sự xuất hiện của cụm công trình “Tràng An cổ” với gần 900 bậc thang được xây dựng trái phép. Và, dù cụm công trình này bị phá dỡ sau đó, câu chuyện ấy vẫn khiến người ta nhớ lại một thực tế: các di sản thế giới khác như Huế, Hạ Long... cũng đã từng nhận được những lời nhắc nhở - ở các mức độ khác nhau - về sự thiếu hợp lý trong những công trình phụ trợ được xây dựng.
giờ, với trường hợp của phim trường Kong, chúng ta lại có thêm một kinh nghiệm thực tế nữa: tại các Di sản Thế giới ấy, những công trình mới có thể không vi phạm Luật di sản - thậm chí là hấp dẫn ở một góc độ nào đó - nhưng vẫn cần “ăn nhập” với hệ thống giá trị chung của không gian nơi nó xuất hiện.
Quả thực, dù thu hút các bạn trẻ, vẫn có chút gì đó... sai sai, khi phim trường ấy chỉ có thể khiến chúng ta liên tưởng tới một ngôi làng của... thổ dân châu Phi với hệ thống lều chóp nhọn, giáo dài và những người dân bôi mặt trắng toát - những yếu tố khá xa lạ với văn hóa của người Việt cổ.
Bởi thế, dù đánh giá cao sự dứt khoát từ phía quản lý khu danh thắng Tràng An trong việc chấm dứt mô hình hoạt động này, vẫn phải nói rằng đây là một câu chuyện đáng tiếc. Nếu có kinh nghiệm về khai thác hoạt động du lịch tại di sản, cũng như có một quy hoạch phù hợp để nằm ở một vị trí khác trong tỉnh Ninh Bình, mô hình ấy rất có thể vẫn kéo dài được “tuổi thọ” của mình. Bởi sức hút của phim Kong, cũng như khả năng quảng bá du lịch Việt Nam từ bộ phim đó là điều không thể phủ nhận.
Anh Bảo
Tags